Tọa đàm “Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại TP.HCM”

11 tháng 05 năm 2023

Ngày 9/5/2023 vừa qua, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) tổ chức thành công Tọa đàm “Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại TP.HCM”.

Tham dự tọa đàm, về phía khách mời từ Hội đồng Lý luận Trung ương, Cơ quan quản lý đề tài có sự tham gia của GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Ban Chủ nhiệm Chương trình KX 04-21-25. Về phía các Lãnh đạo Sở tại TP.HCM có sự hiện diện của Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM; Ông Lê Thanh Minh, Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM; Ông Nguyễn Ngọc Tân, Phó Trưởng phòng, Phòng Tổng hợp, Văn phòng Ủy ban nhân dân TP.HCM; và Bà Mai Phong Lan, Phó Phòng Doanh nghiệp, Kinh tế Tập thể & Tư nhân, Sở Kế hoạch đầu tư TP.HCM. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), có sự tham gia của PGS.TS. Nguyễn Thành Hiếu, Phó Hiệu trưởng; GS. TS. Trần Thị Vân Hoa, Chủ nhiệm đề tài, cùng Nhóm nghiên cứu của chương trình Nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp Quốc gia với chủ đề: “Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước trên nền tảng khoa học công nghệ mới và đổi mới sáng tạo”. Về phía trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh có GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng trường, GS.TS. Sử Đình Thành - Hiệu trưởng UEH, TS. Bùi Quang Hùng - Phó Hiệu trưởng UEH, PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó Hiệu trưởng UEH cùng Lãnh đạo Phòng Quản lý khoa học - Hợp tác quốc tế và các chuyên gia của UEH.

Phát biểu tại tọa đàm, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của tọa đàm trong việc giúp đỡ các nhà khoa học, nghiên cứu viên và chuyên gia có cái nhìn và đánh giá chính xác về thực trạng khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo tại TP.HCM, từ đó xác định được những ngành và lĩnh vực mũi nhọn, ưu tiên để giúp thành phố thu hút được thêm nhiều cơ hội đầu tư, đạt phát triển nhanh và bền vững.

Tọa đàm cũng đã nhận được các ý kiến đóng góp quý báu từ đại diện Lãnh đạo các Sở tại TP.HCM. Các chuyên gia đã nhấn mạnh rằng thách thức mà ngành công nghiệp TP.HCM đang phải đối mặt là tỷ trọng ngành công nghiệp trong sản xuất nội địa và sản xuất kinh doanh xuất khẩu đang có xu hướng giảm và chững lại, đồng thời quy mô ngành công nghiệp đang dần mất vị thế đứng đầu trong khu vực Đông Nam Bộ. Do đó, Thành phố cần phải xác định lại tình hình phát triển và nhận diện những vấn đề còn tồn tại, rào cản cần phải vượt qua để đẩy mạnh sự phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đặc biệt, sản xuất công nghiệp tại Thành phố đòi hỏi sự ứng dụng của công nghệ và đổi mới sáng tạo để đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Phát biểu tổng kết tọa đàm, GS.TS. Trần Thị Vân Hoa nhấn mạnh đến việc tạo liên kết trong phát triển KHCN và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, Bà cũng đã chỉ ra những thách thức trong quá trình phát triển KHCN tại TPHCM như hạn chế liên kết vùng, thể chế không phù hợp, lạc hậu và đề xuất sử dụng nguồn lực đất đai để thu hút nguồn lực chất lượng cao, nâng cao năng lực KHCN cộng sinh và tái cơ cấu các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao để phục vụ năng lực phát triển cộng sinh. Bà cho rằng, việc xây dựng một hệ sinh thái KHCN mạnh mẽ và bền vững sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển của TPHCM và vùng kinh tế phía Nam nói chung, và sẽ cần sự hỗ trợ của các lãnh đạo trong việc phát triển KHCN tại TP.HCM.

Buổi tọa đàm nằm trong các hoạt động cụ thể hóa thỏa thuận hợp tác giữa UEH và NEU hơn 42 năm qua nhằm duy trì và phát triển mối quan hệ truyền thống giữa hai trường đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản lý của Việt Nam. Chương trình đã diễn ra thành công tốt đẹp, là diễn đàn để các chuyên gia cùng trao đổi, thảo luận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và các ngành công nghiệp hóa tại TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tin, ảnh: Phòng Quản lý khoa học - Hợp tác quốc tế, Phòng Marketing và truyền thông

Chia sẻ