Toạ đàm nghiên cứu SRS 2024 kỳ 2 với chủ đề: “Sustainable Finance and Innovation Strategies: Best Practices in Southeast Asia”
17 tháng 09 năm 2024
Ngày 12/9/2024, Khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã tổ chức buổi tọa đàm nghiên cứu với chủ đề “Sustainable Finance and Innovation Strategies: Best Practices in Southeast Asia” tại Phòng B1.204. Đây là buổi tọa đàm thứ hai trong Chuỗi tọa đàm nghiên cứu 2024 của Khoa Ngân hàng (SOB’s Research Seminar - SRS 2024) nhằm tạo ra một diễn đàn trao đổi và học tập kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế.
- Toạ đàm nghiên cứu SRS2021 với chủ đề “Làm thế nào để viết bài nghiên cứu khoa học ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế - Kinh nghiệm công bố quốc tế”
- Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Regensburg, Đức phối hợp tổ chức Hội thảo “Economic Growth and Technology in Southeast Asia”
- Tọa đàm Khoa Ngân hàng SRS 2021: Công nghệ Blockchain và chuyển đổi số
Diễn giả chính là GS.TS. Yudi Azis - Giám đốc chương trình tiến sĩ, Khoa Kinh tế Kinh doanh, Đại học Padjadjaran, Indonesia.
Tại tọạ đàm, GS.TS. Yudi Azis đã trình bày và thảo luận về các vấn đề liên quan đến đổi mới, lợi thế cạnh tranh, tài chính bền vững và bối cảnh thay đổi của công việc và kỹ năng, tập trung vào Đông Nam Á. Các khía cạnh chính được tập trung đào sâu bao gồm:
- Tài chính bền vững: phần trình bày chỉ ra rằng tài chính bền vững là tài chính có tích hợp các rủi ro về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào các quy trình ra quyết định. Thực tế cho thấy, khu vực Đông Nam Á có sự chuyển hướng dòng tiền vào các lĩnh vực hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu.
- Đổi mới và Đổi mới hướng đến bền vững (SOI): bài trình bày đã nhấn mạnh cách các chiến lược phát triển bền vững của công ty có thể dẫn đến sự đổi mới toàn diện. Diễn giả đã tổng hợp và thảo luận về sự tác động của các yếu tố bên trong và bên ngoài đến quá trình đổi mới và lưu ý các yếu tố đóng góp vào sự thất bại của các tổ chức như thiếu lãnh đạo, tư duy ngắn hạn và thiếu nguồn lực.
- Six Sigma và Đổi mới: diễn giả đã giới thiệu Six Sigma như một cách tiếp cận đổi mới, nêu bật các phương pháp luận DMAIC (Xác định - Đo lường - Phân tích - Triển khai - Kiểm soát) và DFSS (Thiết kế cho Six Sigma) và kết luận rằng mô hình logic đổi mới Six Sigma cho thấy mối quan hệ nhân quả giữa các yếu tố như cam kết quản lý, hiệu quả đào tạo và động lực của nhân viên, cuối cùng ảnh hưởng đến lợi nhuận tài chính và sự hài lòng của khách hàng.
Diễn giả và người tham gia trao đổi về các vấn đề chính của tọa đàm
Một trong những điểm nổi bật của buổi tọa đàm là phần trao đổi sôi nổi giữa diễn giả và đại biểu tham dự với các câu hỏi được đặt ra xoay quanh bối cảnh công việc và kỹ năng thay đổi, thảo luận về các yêu cầu công việc và kỹ năng đang thay đổi do sự đổi mới và phát triển của tài chính bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh Đông Nam Á. Những giải đáp chân thành và đầy tâm huyết của diễn giả đã khép lại buổi tọa đàm nghiên cứu kỳ 2 trong Chuỗi tọa đàm SRS 2024 của Khoa Ngân hàng - Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
Một số hình ảnh tại Tọa đàm nghiên cứu SRS 2024 kỳ 2:
Tin, ảnh: Khoa Ngân hàng, Trường COB-UEH
Chia sẻ