Tuổi thơ dữ dội - tinh thần bất diệt của những đứa trẻ trên chiến trường khốc liệt
22 tháng 04 năm 2024
Cuộc kháng chiến chống Pháp khốc liệt và gian nan đã ghi sâu vào những trang sử hào hùng của đất nước ta bằng máu và nước mắt của biết bao anh hùng, liệt sĩ. Để dựng nên chiến công chung của dân tộc, đã có biết bao thiếu niên dũng cảm, không màng hiểm nguy góp sức mình cho kháng chiến. Những tấm gương anh dũng ấy đã được khắc họa tài tình vào những trang tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” của nhà văn Phùng Quán, tác phẩm viết về chặng đường hoạt động Cách mạng của những chiến sĩ nhỏ tuổi trong khói lửa và bom đạn chiến tranh.
(nguồn: vi.wikipedia.org)
“Có một viên ngọc quý mà thời gian dành riêng để ban tặng con người, đó là Tuổi thơ. Viên ngọc màu nhiệm, trong sáng nhưng quá mong manh, không thể tìm thấy lần thứ hai trong đời. Và có một thế hệ người Việt chưa bao giờ được cầm viên ngọc trên tay, Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được viết cho thế hệ đó.” - Hoàng Phủ Ngọc Tường nhận xét.
"Tuổi thơ dữ dội" là một tác phẩm gồm tám phần, vẽ nên bức tranh bi tráng về thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm xoay quanh cuộc sống chiến đấu và sự hy sinh của những thiếu niên 13, 14 tuổi trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn 101, tiền thân là trung đoàn Trần Cao Vân. Là một chiến sĩ đã từng tham gia kháng chiến ngay tại trung đoàn 101, Phùng Quán có cho mình những tư liệu và trải nghiệm đắt giá để viết nên những trang sách vô cùng chân thực và xúc động.
“Sách dày 800 trang mà người đọc không bao giờ muốn ngừng lại, bị lôi cuốn vì những nhân vật ngây thơ có, khôn ranh có, anh hùng có, vì những sự việc khi thì ly kỳ, khi thì hài hước, khi thì gây xúc động đến ứa nước mắt…” – Nguyễn Khắc Viện, Tạp chí Sông Hương - Số 33 (T.9&10-1988)
Những đứa trẻ chung lý tưởng, niềm tin
Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân không phải là nơi tập hợp những chiến binh tinh nhuệ, cao siêu, mà đó là những đứa trẻ bình dị với tình yêu to lớn dành cho gia đình, quê hương, đất nước, các em gia nhập đội quân vì những lý do riêng biệt, không ai giống ai.
Đó là Mừng, con mẹ Niệm bán bún bò ở chợ Bao Vinh, nhà em nghèo nên không được đi học. Mừng xuất hiện là một cậu bé dũng cảm, hồn nhiên và đáng yêu, nổi bật hơn hết là tấm lòng hiếu thảo với hy vọng khi đất nước độc lập có bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo như mẹ của em.
Đó là Vịnh-sưa, “chú thợ súng nhỏ” luôn gương mẫu, nghiêm túc, kỷ luật. Cha mất sớm, mẹ bỏ đi, em ở cùng bác trai và theo ông học nghề rèn từ nhỏ. Sau “ngày Huế đổ máu” năm 1946, em lân la đến chỗ các anh trổ tài thợ nguội, lau súng, sửa súng, thế là được gia nhập vào Đội thiếu niên trinh sát.
Đó là Tư-dát láu lỉnh và hoạt ngôn, sẵn sàng "Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu". Tình cờ gặp đoàn quân Nam tiến khi đi học về, không ai ngờ một người tưởng chừng rất nhát gan như em lại quẳng luôn cặp sách xuống sông, lén nhảy lên tàu trốn theo đoàn quân và xin gia nhập vào Vệ Quốc Đoàn.
Đó là cậu ấm nhà phó tổng trấn Trung kỳ Quỳnh-sơn ca, dù lớn lên trong no ấm và sự bảo bọc của gia đình, em vẫn không ngần ngại bỏ nhà đi theo Vệ Quốc đoàn. Quỳnh đã cổ vũ tinh thần đấu tranh của mọi người trong quân ngũ bằng tài năng âm nhạc của mình.
Đó là chú bé Lượm-sứt kiên cường, dũng cảm, mưu trí. Sinh ra trong gia đình cách mạng nòi, Lượm mang trên mình đầy đủ những phẩm chất của một người chiến sĩ Việt Minh khiến tụi Việt gian phải nể sợ, dè chừng.
Đó còn là Hiền, là Vệ, là Bồng, là Hòa, là những chàng trai nhỏ bé nhưng phi thường, là những mảnh ghép của một bức tranh quý giá về tình bạn, tình đồng đội, tình yêu đất nước, về những phẩm chất tốt đẹp của thiếu niên Việt Nam trước gông cùm, xiềng xích thực dân.
(nguồn: text.relipasoft.com)
Tuổi nhỏ trí lớn, gan dạ phi thường
“Trừ giặc, ba tuổi vẫn còn hiềm là muộn”
Mở đầu tác phẩm, Phùng Quán trích lại câu nói nổi tiếng của Cao Bá Quát, gợi liên tưởng về sứ mệnh lớn lao của những anh hùng nhỏ tuổi. Những chiến sĩ nhỏ bé nhưng lại mang trong mình sự quả cảm và nghị lực hiếm có, đóng góp không nhỏ cho những chiến công của quân ta.
Cậu bé Mừng 12 tuổi đã thành thạo dẫn đường cho Vệ quốc quân bí mật tấn công căn cứ địch. Giữa màn đêm đen kịt, giữa địa bàn quân thù đầy rẫy hiểm nguy mà em vẫn can đảm tiến bước, thành công đưa mọi người tiếp cận mục tiêu.
Quỳnh-sơn ca được cưng chiều từ bé lại vô cùng kiên cường trước những nỗi đau thể xác. Dù có bị mảnh thủy tinh vỡ găm sâu vào gan bàn chân, máu tuôn ra không ngớt, em vẫn cắn răng chịu đau để được hành quân chung với mọi người. Sau vết thương bị nhiễm trùng nặng, phải chữa trị không có thuốc tê, em cũng không kêu than nửa lời.
Người tổ trưởng “kỷ luật thép” Vịnh-sưa không ngại nguy hiểm mà lao đi tìm bạn trong đêm. Để rồi sáng hôm sau cậu bé đã phát hiện kho vũ khí bí mật của địch, không một chút sợ hãi, Vịnh hiên ngang đánh tín hiệu về cho quân ta ngay trên nóc căn cứ địch. Đến lúc trúng đạn và hy sinh, em vẫn cố trói thân mình vào cột thu lôi, trở thành đuốc hiệu soi sáng cho Vệ quốc quân tiến công.
“Thân hình trần trụi, nhỏ bé mà lẫm liệt của người chiến sĩ thiếu niên đứng chon von trên đầu bọn giặc nước cùng với cây cột thép thu lôi mỗi lúc càng thêm lộ rực rỡ trên cái nền đỏ chói chang, tưởng như chính lửa đã tạc nên.” - Trích tác phẩm Tuổi thơ dữ dội.
Vệ-to đầu xuất thân từ gánh xiếc rong, có tài cưỡi ngựa và điều khiển ngựa, được chỉ huy trưởng Mặt trận khu C lấy đi theo làm liên lạc cho ông. Vệ gan lì thúc ngựa phi qua mưa bom bão đạn, thành công truyền đi rất nhiều tin tức cho cấp chỉ huy. Trong một lần bị máy bay địch truy đuổi, em đã không ngần ngại xả thân dẫn dụ quân thù cứu nguy cho chỉ huy trưởng. Với sự nhanh trí và khả năng điều khiển ngựa tài tình, em đã thành công giúp cho mình và chỉ huy thoát thân.
Bồng-da rắn là một chiến binh dũng cảm, sở hữu đôi mắt tinh tường và khả năng nhìn người nhạy bén, Bồng-da rắn đã lập nhiều chiến công vang dội, góp phần thu hồi vũ khí của địch sau mỗi trận chiến.
Và không thể không nhắc đến Lượm-sứt, nhân vật được tác giả dành kể về nhiều nhất. Bị Việt gian bắt giam và tra tấn dã man, Lượm vẫn khẳng khái, ngoan cường, không kêu la, không khuất phục. Tưởng chừng như đã bị dồn vào đường cùng, cậu vẫn ba lần làm náo loạn hang ổ lũ bán nước khi trốn thoát ra ngoài.
Bài học đến từ những tấm gương quyết tử cho tổ quốc quyết sinh
Xuyên suốt tác phẩm, nỗi đau chiến tranh được khắc họa vô cùng rõ nét và ám ảnh từ những tiếng súng dội, bom rền, những đau thương tang tóc, những hành vi man rợ của bọn thực dân, bọn Việt gian bán nước. Thế nhưng, giữa những ghê rợn, chết chóc ấy các chiến sĩ nhỏ vẫn giữ được nét hồn nhiên, tinh nghịch của trẻ thơ. Cùng ăn, cùng ngủ, cùng sinh hoạt, các em vui vẻ bông đùa với nhau, tạo cho nhau những niềm vui, động lực trong những đêm ngày làm nhiệm vụ. Những tiếng cười ngây thơ vang lên giữa những trang sách không chỉ phần nào đẩy lùi sự nặng nề mà còn thể hiện tinh thần lạc quan, tích cực đáng khâm phục của những “người lính nhỏ”.
Tuy nhiên, câu chuyện về các em không phải là câu chuyện cổ tích nhiệm màu, mà đó là câu chuyện đau thương về những ngày kháng chiến gian khổ mà kiêu hùng. Máu và nước mắt như chảy ra từ ngòi bút của Phùng Quán khi ông viết về cái chết của những đứa trẻ. Ở những độ tuổi đáng ra sẽ nhận được sự che chở, yêu thương thì các em lại chiến đấu anh dũng và hy sinh một cách bi hùng, quả cảm. Sự mất mát ấy nhắc nhở thế hệ sau phải trân trọng hòa bình, biết ơn những anh hùng, liệt sĩ. Hơn hết là khâm phục và noi theo những phẩm chất đáng quý của các chiến sĩ nhỏ.
“Năm 20 của thế kỷ 20
Tôi sinh ra. Nhưng chưa được làm người”
(Một nhành xuân - Tố Hữu)
Sinh ra trong thời kỳ đau thương của đất nước, trải qua một “tuổi thơ dữ dội” ngập trong khói lửa chiến tranh không khiến cuộc đời của các cậu bé trở nên bi thương. Trái lại, họ đã viết nên bản anh hùng ca tràn đầy nhiệt huyết và hào khí bằng những năm tháng tuổi trẻ. Còn gì quý giá hơn độc lập hòa bình đánh đổi bằng những tháng ngày tươi đẹp nhất của đời người. Họ đã trải qua một tuổi thơ tưởng chừng không trọn vẹn nhưng lại hoàn mỹ vô cùng.
Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), hãy cùng gửi lời tri ân và biết ơn sâu sắc đến những anh hùng đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh để góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc. Hy vọng bạn sẽ tìm đọc và cảm nhận Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán, quyển sách tái hiện một phần lịch sử quan trọng của đất nước, một thời kỳ oai hùng để thêm trân trọng cuộc sống hạnh phúc hiện tại, biết ơn những người đi trước đã không ngại nằm xuống cho đất nước vững vàng đứng lên.
Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Quê Việt Điện Tử. (2010). Phùng Quán - “Tuổi thơ dữ dội” và những ước mơ cao đẹp. Truy cập ngày 08/04/2024 tại queviet.eu
Wikipedia. Tuổi Thơ dữ dội. Truy cập ngày 08/04/2024 tại vi.wikipedia.org
Nguyễn Khắc Viện. (T.9&10-1988). Tuổi thơ dữ dội. Tạp chí sông hương - Số 33. Truy cập ngày 08/04/2024 tại tapchisonghuong.com.vn
Chia sẻ