UEH thực thi sứ mệnh phụng sự cộng đồng, vì tương lai bền vững

16 tháng 01 năm 2025

Năm 2024 đánh dấu bước tiến lớn của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) trên hành trình thực hiện sứ mệnh phụng sự cộng đồng, đồng thời gắn kết chặt chẽ với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Với hàng loạt hoạt động nổi bật trong hợp tác nghiên cứu, tư vấn, đào tạo dài hạn và tập huấn ngắn hạn, UEH không chỉ tạo nên dấu ấn sâu sắc tại các địa phương mà còn đồng hành cùng các tỉnh thành trong việc định hình một tương lai phát triển bền vững.

UEH đồng hành cùng những chiến lược trọng tâm của đất nước - Kỷ nguyên vươn mình

Trong bối cảnh chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, UEH đã tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề “Đóng góp đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2025-2030”. Đây là cơ hội để các nhà khoa học, giảng viên, nhà quản lý và đại biểu từ các cơ quan Đảng, Nhà nước, và các đơn vị hoạch định chính sách cùng thảo luận và đưa ra các ý kiến đóng góp nhằm định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Hội thảo diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi đất nước bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh là “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Đây là lời khẳng định khát vọng và niềm tin của toàn dân tộc vào hành trình chinh phục những mục tiêu lớn lao về kinh tế, xã hội và phát triển bền vững. Hội thảo nhận được hơn 80 bài tham luận và ban tổ chức cũng đã chọn lọc 5 bài tham luận tiêu biểu để trình bày và thảo luận tại hội thảo, với nội dung tập trung vào 03 trụ cột chính: (1) Lý luận về đường lối, chính sách và thể chế phát triển kinh tế - xã hội; (2) Mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững; (3) Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy các mối liên kết vùng và hợp tác quốc tế.

Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề “Đóng góp đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2025-2030”

Đẩy mạnh phát triển liên kết vùng

Xét ở tầm vóc quốc gia, trong những năm qua, chủ trương phát triển vùng và liên kết vùng của Đảng và Nhà nước đã từng bước được hiện thực hóa, tạo bước phát triển mạnh về KT-XH cho các địa phương; trong đó, có xác định bốn vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, sáu vùng KT-XH, và các trọng điểm của mỗi vùng. Quan trọng nhất, vấn đề phát triển vùng và liên kết vùng còn là nội dung được đề cập từ Đại hội VII đến Đại hội XIII của Đảng. Để cụ thể hoá chủ trương này, trong năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành sáu Nghị quyết để phát triển sáu vùng KT-XH của Việt Nam. Ngay sau đó, Chính phủ cũng đã ban hành sáu Nghị quyết tương ứng về Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Trước bối cảnh đó, tháng 01/2023, UEH đã thành lập Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng (IRDRC) trên cơ sở nâng cấp Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển (IDR) nhằm đồng hành cùng các địa phương trong việc giải quyết bài toán phát triển và liên kết vùng theo hướng bền vững. Điểm nhấn đầu tiên của sự kiện ra mắt Viện là Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề “Động lực phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ: Tiềm năng và Thách thức”. Hội thảo quy tụ hơn 100 đại biểu từ các sở, ngành và các trường đại học lớn, mang lại các khuyến nghị chiến lược quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững cho khu vực Đông Nam Bộ. Hội thảo không chỉ tập trung vào những tiềm năng vốn có mà còn giải quyết các thách thức về cơ sở hạ tầng, môi trường, và nguồn nhân lực. Đây là minh chứng cho tầm nhìn của UEH trong việc gắn kết nghiên cứu với thực tiễn, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội. 

Toàn cảnh Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề “Động lực phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ: Tiềm năng và Thách thức”

Bên cạnh là đơn vị tổ chức, UEH còn tham gia với vai trò diễn giả, báo cáo viên trình bày tham luận tại các Hội thảo khoa học quốc gia do các đơn vị tổ chức, cụ thể như: (1) Tham luận của UEH và Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng với chủ đề “Giải pháp tăng cường phát triển và liên kết nội vùng, phát huy vai trò vùng Đông Nam Bộ trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050” tại Hội thảo khoa học “Các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ với việc triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức ngày 18/10/2023; (2) Tham luận của Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh đổi mới mô hình tăng trưởng vùng Đông Nam Bộ” tại Hội thảo khoa học “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số vùng Đông Nam Bộ” do Học viện Chính trị khu vực II tổ chức ngày 16/5/2024.

Ở khía cạnh dài hạn, UEH còn đồng hành cùng các địa phương trong các đề tài nghiên cứu ứng dụng chất lượng cao, giải quyết các câu chuyện thực tiễn của địa phương bằng cách tiếp cận khoa học, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phù hợp với bối cảnh mới. Một số hướng nghiên cứu nổi bật của UEH cùng với địa phương được thực hiện trong thời gian gần đây:

  • Thực hiện các nghiên cứu về phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Thủ Đức, v.v. phục vụ cho Văn kiện của Đại hội trước bối cảnh các địa phương chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp.
  • Thực hiện các nghiên cứu về phân tích đóng góp của TFP đến GRDP của các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, v.v.
  • Thực hiện các nghiên cứu về yếu tố xu hướng mới như đổi mới sáng tạo, logistics, kinh tế số, báo cáo thường niên về khoa học công nghệ, nông nghiệp bền vững, v.v. cho các tỉnh/thành như Thành phố Hồ Chí Minh, Hậu Giang, Tiền Giang, v.v.

Tất cả các hoạt động trên đã phần nào phản ánh cam kết của UEH trong việc thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đồng thời hướng tới mục tiêu xóa nghèo và giảm bất bình đẳng (SDG 1 và 10).

Tạo dựng liên kết và thúc đẩy phát triển bền vững 

UEH không ngừng mở rộng hệ thống hợp tác chiến lược với các tỉnh, thành phố, nhằm gắn kết tri thức và thực tiễn trong hoạch định chính sách. Thông qua các thỏa thuận chiến lược, UEH không chỉ tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, tư vấn chính sách và triển khai các dự án thực tiễn, góp phần thực hiện SDG 4, SDG 16, và SDG 17.

Trong giai đoạn 2022-2024, UEH đã ký hợp tác chiến lược toàn diện với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (năm 2024), và ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với UBND tỉnh Kiên Giang (năm 2022), UBND tỉnh Đồng Tháp (năm 2022), UBND tỉnh Long An (năm 2022), UBND Quận 7 (năm 2023), UBND tỉnh Đồng Nai (năm 2023), UBND tỉnh Khánh Hòa (năm 2023), UBND tỉnh Tây Ninh (năm 2024), UBND Thành phố Thủ Đức (năm 2024). Việc hợp tác của UEH với các địa phương đều hướng đến 3 trụ cột chính:

  • Hợp tác hỗ trợ địa phương xây dựng chiến lược phát triển và đề xuất giải pháp điều hành kinh tế - xã hội theo hướng phát triển bền vững.
  • Hợp tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đội ngũ lãnh đạo chiến lược phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới.
  • Hợp tác trong nghiên cứu và tư vấn, đặc biệt là các vấn đề mang tính xu hướng hiện nay như phát triển bền vững, kinh tế xanh - kinh tế tuần hoàn, kinh tế số - kinh tế chia sẻ, khoa học - công nghệ - đổi mới sáng tạo, phát triển và liên kết vùng, v.v.

Tháng 7/2024, UEH cũng đã phối hợp với UBND Thành phố Thủ Đức tổ chức Hội nghị "Kinh tế số - Động lực phát triển Thành phố Thủ Đức" với sự tham dự của gần 500 cán bộ, công chức và viên chức TP. Thủ Đức. Tại hội nghị, Viện Đô thị thông minh và quản lý (ISCM) và Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng (IRDRC) đã cùng chia sẻ các nội dung về kinh tế số, kinh nghiệm quốc tế trong chuyển đổi số, lộ trình phát triển kinh tế số tại Việt Nam, và mô hình đo lường đóng góp kinh tế số vào GRDP tại TP.HCM.

Để các MOU đi vào thực tế, thiết thực, và được triển khai một cách hiệu quả, UEH đã tổ chức các đoàn công tác do Ban Giám đốc UEH dẫn đầu, đến làm việc, trao đổi cụ thể, và lên kế hoạch triển khai thực hiện cho từng năm đối với từng hoạt động. Những thỏa thuận hợp tác chiến lược này thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của UEH trong việc đóng góp vào sự phát triển bền vững của các địa phương. Đồng thời, các hoạt động hợp tác đã đánh dấu vai trò tiên phong của UEH trong việc kết nối tri thức và thực tiễn, mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng. Với những bước tiến vượt bậc, UEH tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những tổ chức giáo dục hàng đầu, đồng hành cùng các địa phương trên hành trình kiến tạo tương lai bền vững (góp phần thực hiện các SDG 1, 4, 16, và 17).

Đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý: Chìa khóa cho sự phát triển bền vững của địa phương

Với sứ mệnh đóng góp vào sự phát triển bền vững của các địa phương, UEH đã triển khai nhiều chương trình bồi dưỡng chất lượng, tập trung vào (1) nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho các cán bộ cấp chiến lược, thúc đẩy năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu; (2) phát triển kỹ năng chuyên môn cho cán bộ quản lý cấp phòng hoặc tương đương trong các lĩnh vực chiến lược, trang bị các kỹ năng giải quyết thách thức trong quản lý hiện đại.

Điểm nhấn của các chương trình bồi dưỡng này là phương pháp giảng dạy hiện đại, kết hợp giữa lý thuyết, nghiên cứu tình huống và thảo luận thực tiễn, giúp học viên nắm bắt và áp dụng kiến thức vào thực tế một cách hiệu quả. Đội ngũ giảng viên là các chuyên gia hàng đầu của UEH, với nhiều kinh nghiệm thực tiễn và đóng góp học thuật nổi bật. Các chương trình tập huấn này không chỉ mang lại kiến thức hiện đại mà còn cung cấp các giải pháp thực tiễn, phù hợp với đặc thù và nhu cầu riêng của từng địa phương.

Trong năm 2024, UEH đã phối hợp với các tỉnh Kiên Giang, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Thuận, và TP.HCM để tổ chức các chương trình tập huấn chuyên sâu, thu hút sự tham gia của hàng trăm cán bộ lãnh đạo địa phương, góp phần kiến tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng SDG 4, cụ thể như:

  • Chương trình "Bồi dưỡng cán bộ có kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế” cho lãnh đạo các Sở/Ban/Ngành và các huyện, thành phố tỉnh Kiên Giang và Chương trình "Nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành và quản lý" cho các cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phó các Sở/Ban/Ngành và các huyện, thành phố thuộc tỉnh Đồng Nai với mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị, và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
  • Chương trình bồi dưỡng tại Tây Ninh với bốn khóa tập huấn liên quan đến công tác quyết định giá đất cho Hội đồng thẩm định giá đất các cấp, năng lực thẩm định dự án đầu tư, và công tác tài chính – kế toán dành cho chủ tài khoản, kế toán trưởng và người làm công tác kế toán tại đơn vị sự nghiệp lập trên địa bàn tỉnh.
  • Chương trình bồi dưỡng tại Bình Thuận về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành và quản lý" với điểm nhấn là tham quan thực tế tại UBND TP. Thủ Đức để học hỏi kinh nghiệm chuyển đổi số, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững và hiện đại hóa địa phương; và chương trình “Logistics, xuất khẩu và quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp” đã mang đến kiến thức toàn diện về quản lý rủi ro, quy trình xuất khẩu, và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, đồng thời tham gia chuyến đi thực tế tại Lâm Đồng để tiếp cận những mô hình chuỗi cung ứng bền vững.
  • Cuối năm 2024, UEH cũng đã tổ chức Chương trình bồi dưỡng với chủ đề "Lãnh đạo đổi mới sáng tạo và Quản trị sự thay đổi trong khu vực công" cho lãnh đạo và cán bộ quy hoạch Quận 3. Chương trình tập trung vào việc phân tích hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, vai trò lãnh đạo sáng tạo, và các nguyên tắc quản trị sự thay đổi tích cực; đồng thời, chia sẻ những bài học kinh nghiệm quốc tế về cải cách hành chính, xây dựng đô thị thông minh và phát triển kinh tế số. Khóa tập huấn đã mang lại nền tảng vững chắc để các nhà lãnh đạo quản lý hiệu quả sự thay đổi, thúc đẩy tổ chức công đổi mới và phát triển bền vững.

Chương trình bồi dưỡng tại Kiên Giang và Bình Thuận

Học viên Quận 3 trong Lễ khai giảng Chương trình Lãnh đạo đổi mới sáng tạo và Quản trị sự thay đổi trong khu vực công

Năm 2024 khép lại với những dấu ấn đậm nét của UEH trên hành trình phụng sự cộng đồng. Từ các thỏa thuận hợp tác chiến lược với các địa phương đến những chương trình bồi dưỡng chất lượng, UEH không ngừng mở rộng vai trò cầu nối giữa tri thức hiện đại và thực tiễn phát triển. Những đề tài nghiên cứu ứng dụng chất lượng cao, hội thảo, dự án, và khóa đào tạo đã minh chứng cho sự cam kết của UEH trong việc tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy phát triển bền vững tại các địa phương trên cả nước.

Với tầm nhìn dài hạn và sự đồng hành mạnh mẽ, UEH đã và đang góp phần xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, hiện đại, và bền vững. Hành trình này sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng để UEH phát huy sứ mệnh phụng sự cộng đồng, kiến tạo giá trị không chỉ trong nước mà còn vươn ra quốc tế.

Tin, ảnh: Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng

Chia sẻ