UEH tổ chức hội thảo “Đổi mới và Khởi nghiệp bền vững” trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của mạng lưới học tập Đông Nam Á (Asean Learning Network - ALN)
25 tháng 07 năm 2022
Chiều ngày 20/7/2022, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã vinh dự tổ chức Hội thảo “Đổi mới và Khởi nghiệp bền vững” trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của Mạng lưới học tập Đông Nam Á (ASEAN Learning Network - ALN) và đón tiếp đoàn đại biểu thành viên ALN đến từ các quốc gia Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippine, Thụy Sĩ và các trường thành viên Việt Nam. Sự kiện là cơ hội để trao đổi và chia sẻ kiến thức phát triển kinh tế bền vững tại các vùng, chuyển giao kinh nghiệm và tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các trường trong cùng mạng lưới ALN.
- Cuộc thi “Lee Kuan Yew Global Business Plan” - Sân chơi khởi nghiệp dành cho sinh viên quy mô lớn nhất châu Á đã chính thức được phát động tại UEH
- Diễn đàn Hiệu trưởng các Trường đại học Đông Nam Á, Nam Á và Đài Loan năm 2022 (SATU): UEH cùng hơn 100 đại diện cấp cao từ các đại học thảo luận về các chiến lược phát triển bền vững
- Lễ ký kết hợp tác giữa Viện Đổi mới sáng tạo - SEPT Competence Center &Vòng chung kết giải thưởng Nhà đổi mới sáng tạo quốc tế 2022
Tham dự hội thảo, về phía UEH có: GS.TS. Sử Đình Thành - Hiệu trưởng UEH; PGS.TS. Bùi Thanh Tráng - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh UEH (COB), Trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing; TS. Hoàng Cửu Long - Phó Trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing; cùng các giảng viên nhà trường.
Về phía Mạng lưới học tập Đông Nam Á (ASEAN Learning Network) có sự tham dự của GS.TS. Dato’ IR Zainai Bin Mohamed - Chủ tịch ALN; TS. Mangadar Situmorang - Phó Chủ tịch ALN; Ông Fernando Mulia, S.E., M.Kom - Phó Giám đốc điều hành ALN và đại diện các trường thành viên thuộc mạng lưới. Về phía Đại học Khoa học Ứng dụng và Nghệ thuật Tây Bắc Thụy Sĩ (FHNW) có sự tham dự của: TS. Liên Đinh - Trưởng phòng Hợp tác Đông Nam Á; GS.TS. Holger Wache - Phó Trưởng chương trình đào tạo Thạc sĩ Hệ thống thông tin kinh doanh.
Bên cạnh đó, hội thảo còn có sự góp mặt của ông Huỳnh Công Thắng - Nhà sáng lập và Tổng Giám đốc InnoLab Asia - cựu sinh viên UEH; ông Trần Duy Hào - Nhà sáng lập StarGlobal 3D; đại diện Đại sứ quán Thuỵ Sĩ, Hội đồng Anh, các doanh nghiệp tạo tác động xã hội, các nhà nghiên cứu, chuyên gia và đặc biệt là đoàn chuyên gia và sinh viên quốc tế tham gia dự án Khởi nghiệp bền vững phát triển kinh tế (SEED 2022).
Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Sử Đình Thành - Hiệu trưởng UEH chia sẻ: “Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh là một trong những trường đại học công lập trọng điểm có uy tín hàng đầu tại Việt Nam. Với định hướng trở thành Đại học đa ngành và bền vững, chúng tôi luôn tập trung nguồn lực để cải tiến, phát triển các chương trình giáo dục mới, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học song song với việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức. Thế giới ngày nay đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, do đó, cùng với khu vực công và tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và liên chính phủ, các nhà khoa học, kỹ sư và trường học phải có trách nhiệm xây dựng cuộc sống tốt đẹp và bền vững hơn thông qua việc áp dụng tri thức để chuyển đổi tài nguyên thành sản phẩm và dịch vụ mà không ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ tương lai. Hôm nay, UEH rất vinh dự khi được đồng hành tổ chức Hội thảo ALN, tôi thực sự hy vọng rằng, các cuộc thảo luận trong hội thảo sẽ mang đến cho tất cả các bạn cơ hội trao đổi kiến thức hữu ích liên quan đến sự phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới, cũng như chia sẻ và học hỏi các phương pháp giáo dục mới từ các đối tác để cùng nhau tạo ra một môi trường học tập và nghiên cứu chuẩn quốc tế.”
GS.TS. Sử Đình Thành - Hiệu trưởng UEH phát biểu khai mạc hội thảo
Đại diện ALN, TS. Mangadar Situmorang - Phó Chủ tịch ALN phát biểu: “Những chia sẻ trong hội thảo chắc chắn sẽ cung cấp thêm những hiểu biết và thông tin có giá trị về vai trò của đổi mới bền vững xã hội trong bối cảnh thực tế, với những thách thức và bất ổn về kinh tế - xã hội, chính trị và văn hóa của thế giới. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoạch định các sáng kiến cá nhân đến tập thể từ các cơ sở giáo dục như UEH và hiệp hội như ALN để có hành động khả thi đối với các kế hoạch, chương trình, dự án và những hoạt động có tác động giải quyết các vấn đề, thách thức cấp bách. Đặc biệt, nhà trường chắc chắn có thể chia sẻ các dịch vụ đã cam kết thông qua việc tích hợp sáng tạo hơn các chức năng học thuật, nghiên cứu và dịch vụ - học tập của mình thúc đẩy phát triển bền vững trong lĩnh vực giáo dục. Sự đổi mới xã hội trong cấu trúc, hệ thống và chiến lược, sẽ hỗ trợ việc tạo ra các đề xuất giá trị ý nghĩa để giúp chuyển tiếp từ tất cả những điều không chắc chắn này... đến tính bền vững, không chỉ phù hợp với Giáo dục Chất lượng (SDG4) mà còn cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).”
TS. Mangadar Situmorang - Phó Chủ tịch ALN phát biểu
Chương trình hội thảo bao gồm các phiên:
- Phiên 1: “Đổi mới sáng tạo xã hội trong một môi trường bất định” trình bày bởi GS.TS. Dato’ IR Zainai Bin Mohamed - Chủ tịch ALN;
- Phiên 2: “Toàn cảnh đổi mới sáng tạo xã hội và giáo dục bậc cao tại khu vực Đông Á” trình bày bởi TS. Nguyễn Thị Kim Thảo, Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing;
- Phiên thảo luận sôi nổi với nhiều thông tin hấp dẫn và kiến thức chuyên sâu về đổi mới sáng tạo và phát triển khởi nghiệp bền vững. 3 diễn giả là GS.TS. Holger Wache, ông Huỳnh Công Thắng và ông Trần Duy Hào với các góc nhìn khác nhau đã giúp khách mời hiểu thêm những kiến thức mới cả về lý luận lẫn thực tiễn.
GS.TS. Dato’ IR Zainai Bin Mohamed - Chủ tịch ALN trình bày chủ đề “Đổi mới sáng tạo xã hội trong một môi trường bất định”
TS. Nguyễn Thị Kim Thảo - khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing UEH trình bày chủ đề “Toàn cảnh đổi mới sáng tạo xã hội và giáo dục bậc cao tại khu vực Đông Á”
Phiên thảo luận sôi nổi với 3 diễn giả là GS.TS. Holger Wache, ông Huỳnh Công Thắng và ông Trần Duy Hào
Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp, tạo cơ hội cho tất cả các đối tác của ALN và các chuyên gia trình bày về chương trình phát triển bền vững nhằm mang lại những cải tiến về hiệu quả và năng suất tài nguyên, trao đổi kiến thức và cập nhật hữu ích liên quan đến sự phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới, cũng như để chia sẻ và học hỏi các phương pháp giáo dục mới.
Đại biểu và người tham dự chụp ảnh lưu niệm
Mạng lưới học tập Đông Nam Á - ALN được thành lập vào tháng 2/2009 tại Hội nghị Quốc tế về Quản lý đa văn hóa để kỷ niệm 50 năm thành lập Học viện Công nghệ Bandung (ITB) ở Bandung. Thành viên sáng lập bao gồm: Học viện Công nghệ Bandung, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, Trường Cao đẳng San Beda, Trường Đại học Malaysia Kelantan và Trung tâm Nghiên cứu Châu Á. Với sứ mệnh phát triển và thực hiện các dự án, chương trình nghiên cứu, giảng dạy và thực hành - đào tạo dựa trên bối cảnh với sự hợp tác của các tổ chức tham gia nhằm đào tạo ra những sinh viên có trách nhiệm với xã hội và có năng lực văn hóa trong bối cảnh phát triển của Châu Á. Trong đó, dự án dự án “Khởi nghiệp phát triển kinh tế bền vững” (SEED) là một sáng kiến học tập có trách nhiệm với xã hội và lấy sinh viên làm trung tâm, yêu cầu sinh viên làm việc cùng nhau trong các nhóm quốc tế và đa văn hóa để học hỏi kinh nghiệm trong bối cảnh thực tế của một số vùng Đông Nam Á. Thông qua quá trình học tập và xây dựng các kế hoạch kinh doanh, chương trình sẽ cung cấp các trải nghiệm đa văn hoá, phát triển kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm và cơ hội học tập toàn diện cho sinh viên tham gia chương trình. Là hoạt động chính và thường niên của ALN, người tham gia SEED có cơ hội phát triển và thực hiện các dự án, chương trình nghiên cứu, giảng dạy dựa trên bối cảnh thực tế với sự hợp tác của các tổ chức tham gia nhằm đào tạo ra những sinh viên có trách nhiệm với xã hội và có năng lực hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, dự án còn tạo mối liên kết giữa các trường trong mạng lưới, các đơn vị công và doanh nghiệp tại địa phương thực hiện dự án nghiên cứu và hỗ trợ, giải quyết các vấn đề của các cộng đồng dân cư, các làng nghề truyền thống vùng miền.
Thông qua việc kết nối với Mạng lưới học tập Đông Nam Á - ALN, UEH đã mở rộng cơ hội học tập quốc tế, tiếp cận công nghệ giáo dục tiên tiến, môi trường trải nghiệm quốc tế mang tính toàn cầu cho sinh viên và giảng viên. Không chỉ dừng tại việc đưa sinh viên UEH tham gia học tập, giao lưu và thực tập tại các trường, quốc gia tham gia mạng lưới ALN mà nhà trường còn kỳ vọng thông qua hợp tác này sẽ thúc đẩy sinh viên quốc tế đến UEH học tập, giao lưu và làm việc. Hiện nay, UEH đã và đang triển khai các chính sách học bổng dành cho học viên, sinh viên quốc tế ở các bậc đại học, cao học và nghiên cứu sinh. Điều này đã tạo cơ hội cho người học quốc tế được học tập, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, trau dồi các kỹ năng học tập trong môi trường giáo dục đa văn hóa tại UEH.
Kiên trì mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hội nhập và chuyển giao toàn cầu, những năm qua Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác đa phương với các trường đại học và mạng lưới các trường, viện nghiên cứu trên thế giới nhằm mở ra nhiều cơ hội tiếp cận với chất lượng giáo dục toàn cầu cho sinh viên. Chiến lược quốc tế hóa giáo dục mà UEH đã và đang định vị sẽ ngày càng mang lại cho người học những giá trị thiết thực, rộng mở cơ hội học tập quốc tế và trang bị hành trang nghề nghiệp sẵn sàng cạnh tranh trên thị trường lao động toàn cầu.
Một số hình ảnh khác tại hội thảo:
Tin, ảnh: Phòng Tổng hợp COB, Phòng Marketing - Truyền thông
Cơ quan báo chí đưa tin:
1. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam: Đổi mới và khởi nghiệp bền vững: Kết nối và chia sẻ từ các quốc gia trong khu vực
2. Diễn đàn doanh nghiệp: UEH tổ chức hội thảo "Đổi mới và khởi nghiệp bền vững"