Văn hóa giao thông thời đại số: Tiện lợi hay hiểm họa cho người trẻ?
28 tháng 06 năm 2025
Thời đại chuyển đổi số đang tạo ra những bước ngoặt lớn trong hành vi và lối sống của sinh viên, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông. Các ứng dụng gọi xe công nghệ, đặt đồ ăn nhanh, giao hàng tức thì ngày càng phổ biến, giúp sinh viên di chuyển và sinh hoạt thuận tiện hơn. Tuy nhiên, song hành với sự tiện lợi đó là những rủi ro về an toàn và thách thức trong việc duy trì một văn hóa giao thông văn minh, có trách nhiệm.
Công nghệ đã thay đổi thói quen của sinh viên
Với ưu điểm nhanh chóng, tiện lợi và dễ tiếp cận, các dịch vụ xe công nghệ đang trở thành lựa chọn hàng đầu cho nhiều sinh viên không sở hữu phương tiện cá nhân. Ứng dụng đặt xe tự động, tài xế công nghệ,… không chỉ giúp sinh viên tiết kiệm thời gian mà còn linh hoạt trong việc chọn tuyến đường và phương tiện phù hợp. Xu hướng này phần nào góp phần giảm áp lực về chỗ đậu xe, hạn chế tình trạng ùn tắc do xe cá nhân, đồng thời giúp sinh viên tiếp cận dịch vụ di chuyển chất lượng với mức giá hợp lý. Không chỉ là người sử dụng, nhiều sinh viên còn tham gia vào chính hệ sinh thái giao thông số này bằng cách trở thành tài xế công nghệ hoặc shipper – một công việc làm thêm linh hoạt về thời gian, thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, mặt trái là lưu lượng xe công nghệ tăng nhanh, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm, dẫn đến tình trạng giao thông trở nên phức tạp hơn. Nhiều khu vực quanh ký túc xá, trường học bị ùn tắc do xe ra vào liên tục, shipper và tài xế công nghệ dừng đỗ không đúng nơi quy định. Điều này gây cản trở giao thông, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ giao đồ ăn, ship hàng nhanh cũng đang tác động lớn đến thói quen sống của sinh viên (Nguồn: Bách Hóa Xanh)
Khi văn hóa giao thông bị thử thách bởi mạng xã hội
Trong thời đại nội dung số và mạng xã hội lên ngôi, nhiều bạn trẻ có thói quen quay video, livestream hành trình di chuyển của mình, từ cảnh “check-in” buổi sáng đến “vlog” cuối tuần. Những hành động tưởng chừng vô hại lại tiềm ẩn rủi ro lớn khi sinh viên vừa lái xe vừa cầm điện thoại, chỉnh góc quay, trả lời bình luận,… gây mất tập trung. Nguy hiểm hơn, một bộ phận người trẻ còn có ý thức tham gia các thử thách nhằm thu hút lượt xem như thử thách lái xe không tay, đứng trên xe chạy,…dẫn đến nhiều tai nạn thương tâm. Ngoài ra, một số người tạo nội dung có xu hướng chia sẻ thông tin chuyến đi cá nhân (biển số xe, lộ trình, thời gian di chuyển) lên mạng xã hội mà không ý thức được việc đó có thể bị kẻ xấu lợi dụng. Việc gọi xe ban đêm, không xác minh thông tin tài xế, không chia sẻ vị trí với người thân, … cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ mất an toàn, đặc biệt với nữ sinh viên.
Tất cả những yếu tố kể trên đang dần xô lệch văn hóa giao thông của người trẻ. Không còn là những hành vi chuẩn mực, nhường nhịn, tuân thủ luật, mà thay vào đó là sự nóng vội, bất chấp và đặt lợi ích cá nhân lên trên sự an toàn cộng đồng. Nếu không được điều chỉnh, “văn hóa xấu” này có thể trở thành thói quen lan rộng – một thói quen không nên có trong kỷ nguyên số đầy văn minh.
Sử dụng điện thoại trong khi tham gia giao thông làm mất tập trung và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao (Nguồn: Dân Trí)
Khi tiện lợi hóa thành hiểm họa
Những tiện ích công nghệ, tưởng chừng là lời giải hoàn hảo cho bài toán di chuyển, lại đang âm thầm mang đến những hệ lụy đáng báo động. Trong đó, điện thoại, vật bất ly thân của thế hệ số đang trở thành “thủ phạm vô hình” gây mất tập trung. Lướt một bản tin, trả lời một tin nhắn, tất cả đều có thể khiến tay lái lệch nhịp, và tai nạn là điều không thể tránh khỏi. Thống kê ở nước Úc cho thấy, người trong độ tuổi 18-24 chính là nhóm thường xuyên sử dụng điện thoại khi lái xe nhất. Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, 80 % đối tượng và nạn nhân của tai nạn giao thông ở Việt Nam nằm trong độ tuổi 20–50, trong đó học sinh, sinh viên chiếm 6 % trong tổng số tai nạn. Điều này cho thấy nhóm người trẻ, là một phần đáng kể trong bức tranh tai nạn giao thông ở nước ta, bên cạnh việc họ vừa có thể là “nạn nhân”, vừa là “nguyên nhân” tùy theo tình huống cụ thể.
Những sơ suất nhỏ, đôi khi lại là cánh cửa dẫn đến các tình huống nguy hiểm (Nguồn: Báo Pháp luật)
Giải pháp nâng cao văn hóa giao thông trong thời đại số
Trong những năm gần đây, văn hóa giao thông đã trở thành một vấn đề nổi bật, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, trật tự và phát triển bền vững của xã hội. Sự phát triển của công nghệ số mang lại nhiều chuyển biến tích cực cho mọi mặt đời sống, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với việc xây dựng và duy trì văn hóa giao thông. Để giải quyết hiệu quả thực trạng này, cần có những giải pháp toàn diện, đồng bộ từ giáo dục nhận thức đến ứng dụng công nghệ, từ cá nhân đến cộng đồng.
Trước hết, nâng cao nhận thức về văn hóa giao thông là điều kiện tiên quyết. Một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là giới trẻ, vẫn còn thờ ơ, chủ quan với những quy định khi tham gia giao thông. Do đó, việc tổ chức các chương trình giáo dục, tuyên truyền về an toàn giao thông tại trường học, địa phương là vô cùng cần thiết. Nội dung truyền thông phải thực tế, gắn với đời sống, như phổ biến các tình huống vi phạm phổ biến. Kết hợp hình ảnh, câu chuyện thực tế giúp người tham dự hiểu rõ tác hại và hậu quả của hành vi vi phạm, từ đó hình thành ý thức chấp hành và thái độ văn minh khi sử dụng phương tiện giao thông.
Bên cạnh đó, tận dụng sức mạnh của công nghệ số là yếu tố không thể thiếu trong giai đoạn hiện nay. Việc sử dụng mạng xã hội, các ứng dụng di động để lan tỏa thông tin, video ngắn, infographic về các tình huống nguy hiểm, kỹ năng phản ứng khi gặp sự cố sẽ giúp giới trẻ dễ dàng tiếp nhận và nhớ lâu hơn các kiến thức giao thông. Các ứng dụng giao thông thông minh cũng cần tích hợp tính năng cảnh báo, đề xuất cung đường an toàn, nhắc nhở người dùng tuân thủ luật lệ khi di chuyển.
Những ứng dụng tiện ích đã mở rộng cánh cửa đến sự tiện nghi, nhanh chóng, hiện đại. Thế nhưng, đằng sau lớp vỏ hào nhoáng của công nghệ, luôn tiềm ẩn những góc khuất cần được nhìn nhận bằng đôi mắt tỉnh táo và một trái tim trách nhiệm. Văn hóa giao thông thời đại số không chỉ là khả năng “bắt kịp thời đại”, mà là khả năng làm chủ chính mình giữa nhịp sống hối hả, giữa những cám dỗ của sự tiện lợi. Đó là khi mỗi cú click gọi xe, mỗi bước di chuyển trong đô thị, đều được thực hiện với sự cẩn trọng, văn minh và ý thức cộng đồng.
Văn hóa giao thông chỉ thực sự bền vững khi mỗi cá nhân nhận ra trách nhiệm của mình, biến kiến thức thành hành động cụ thể trong cuộc sống hằng ngày. Chỉ cần mỗi người nâng cao ý thức, tôn trọng luật lệ, ứng xử văn minh khi đi trên đường, chắc chắn sẽ tạo nên một môi trường giao thông an toàn, văn minh, góp phần xây dựng xã hội phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Mỗi sinh viên chính là một hạt nhân văn hóa, góp phần lan tỏa sự tử tế, sự an toàn và trách nhiệm vào từng hành vi trên đường phố. Một công dân số bản lĩnh, là người không chỉ am hiểu công nghệ, mà còn biết chọn lựa thông minh, hành xử có văn hóa và sống có trách nhiệm. Hãy cùng vun đắp một môi trường giao thông an toàn, hiện đại và nhân văn, để công nghệ không trở thành con dao hai lưỡi, mà là cây cầu đưa ta đến một xã hội tiến bộ và bền vững bạn nhé!
Tin, ảnh: Ban Chăm sóc người học UEH (DSA)
Tài liệu tham khảo
Trần Thu Trang. (2025, March 3rd). Văn hóa giao thông là gì? Bạn hiểu thế nào về văn hóa giao thông
https://hoatieu.vn/tai-lieu/ban-hieu-the-nao-ve-van-hoa-giao-thong-167205
Trương Quý Tuấn. (2023, June 14th). Một số giải pháp nâng cao văn hóa giao thông
http://www.vanhoanghethuat.vn/mot-so-giai-phap-nang-cao-van-hoa-giao-thong.htm
Diệu Anh. (2024, December 11th). Xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh
Nhóm PV VOV1. (2021, June 15th). Để shipper Nghề “hot” trong thời đại 4.0
https://vovworld.vn/vi-VN/xa-hoi-doi-song/de-shipper-nghe-hot-trong-thoi-dai-40-993574.vov
Jack Dona and Brad Buzzard. (2024, October 31th). Mobile phone and distracted driving statistics in Australia
Báo Dân Trí. (2022, December 3rd). 80% tai nạn giao thông liên quan đến người trẻ
Trụ cột: Vận hành, Kết nối cộng đồng
Chia sẻ