UEH nỗ lực xây dựng cộng đồng truyền cảm hứng nghệ thuật, hướng đến những giá trị bền vững
19 tháng 01 năm 2025
Nhận thức vai trò quan trọng của nghệ thuật, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã định hướng "Kết nối cộng đồng dẫn đầu sự thay đổi bền vững và truyền cảm hứng nghệ thuật" làm trụ cột trong chiến lược Đa ngành và Bền vững. Trong năm qua, UEH đã tổ chức chuỗi sự kiện nghệ thuật sáng tạo, lan tỏa giá trị bền vững, đồng thời xây dựng môi trường học tập truyền cảm hứng. Không chỉ đào tạo chuyên gia kinh tế mà còn nuôi dưỡng thế hệ trẻ với tâm hồn đẹp, hướng đến chân - thiện - mỹ, góp phần xây dựng xã hội phát triển bền vững.
ArtTech Fusion 2024: Truyền cảm hứng công nghệ nghệ thuật
Chuỗi ngày hội quốc tế của cộng đồng công nghệ nghệ thuật sáng tạo - ArtTech Fusion 2024 (ATF24), chủ đề “New ArtTech for future generations” được tổ chức với 37 hoạt động học thuật, thực tiễn. Chương trình truyền cảm hứng công nghệ nghệ thuật sâu rộng, thu hút khoảng 50 giáo sư từ 15 trường đại học trên thế giới; 20 chuyên gia, nhà thiết kế, nhà quản lý đến từ doanh nghiệp; và hơn 4.500 lượt người tham gia chuỗi các hoạt động.
Các công nghệ mới nhất như NFT, trí tuệ nhân tạo, AR/VR, ngôn ngữ lập trình trực quan, tương tác thời gian thực,... giao thoa với nghệ thuật tạo nên giá trị cho tương lai bền vững đã được giải mã. ATF24 đưa người xem vào một thế giới rực rỡ sắc màu với những không gian văn hóa đa dạng thông qua chuỗi 08 triển lãm.
Không gian triển lãm "UEH & Saigon culture" là những câu chuyện nghệ thuật tái hiện những lát cắt về vẻ đẹp của Sài Gòn qua hình ảnh của những món ăn quen thuộc, những quán cà phê nhỏ, góc vỉa hè… qua lăng kính công nghệ thực tế tăng cường (AR), animation. Toàn bộ triển lãm là những sản phẩm từ môn học Tương tác Người - Máy của sinh viên Khoa Thiết kế Truyền thông UEH (SMD). Bên cạnh công nghệ AR, các tác phẩm công nghệ thực tế ảo (VR) cũng được trưng bày đầy màu sắc sáng tạo với sức trẻ và sự đổi mới thổi hồn vào từng tác phẩm.
Sinh viên trải nghiệm không gian triển lãm "UEH & Saigon culture"
Sinh viên trải nghiệm các bức tranh VR, chủ đề “Spirit of Spring”
Ngoài ra, bộ sưu tập "Dream weaving for thousands years" (Giấc mộng ngàn năm) kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật truyền thống và công nghệ hiện đại như Projector và Leap Motion đem đến trải nghiệm thị giác và tương tác đắm chìm, nhắc nhớ người xem về vai trò quan trọng của các địa điểm lịch sử trong giao lưu văn hóa và thương mại.
Trong không gian nghệ thuật thị giác đầy màu sắc, triển lãm "OTO sonics" với hệ thống âm thanh mái vòm đa chiều, giúp mang lại cảm giác âm thanh sống động và chân thật, sử dụng các công nghệ tiên tiến đến từ nhóm giáo sư, kỹ sư âm thanh hàng đầu tại Áo. Tác phẩm đưa người xem vào một cuộc hành trình huyền bí với âm thanh của gió, sóng biển và lửa hòa quyện, tạo nên một bản giao hưởng hài hòa giữa con người với thiên nhiên.
Các tác phẩm nghệ thuật NFT (Non-Fungible Token - tài sản kỹ thuật số lưu trữ trên Blockchain) cũng gây chú ý đưa người xem bước vào hành trình khám phá vùng đất chứa đựng chiều sâu văn hóa Á - Âu.
Trải nghiệm âm thanh tại triển lãm "OTO sonics"
Tác phẩm nghệ thuật NFTs
Người ảo Lexy, chatbot AI thông minh với khả năng tương tác tự nhiên và đa dạng, có thể trả lời người tham gia bất kỳ câu hỏi nào tại ATF24. Người ảo ứng dụng trí tuệ nhân tạo không chỉ là một công cụ tìm kiếm mà còn mở ra những cuộc đối thoại thú vị, đặt ra những câu hỏi sâu sắc về ranh giới giữa sáng tạo của con người và trí tuệ nhân tạo.
Không chỉ dừng lại ở tôn vinh văn hóa Việt Nam, ATF24 còn quy tụ những tác phẩm nghệ thuật từ sinh viên của các trường quốc tế. Mỗi bộ sưu tập là một câu chuyện văn hóa địa phương ở các quốc gia như Thái Lan, Macao, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam, mở ra cơ hội giao lưu và học hỏi, giúp người xem nhận thức rõ hơn về sự đa dạng và tươi đẹp của thế giới.
Điểm nhấn của ATF24 là buổi trình diễn nghệ thuật (Tangible Performance) như bản giao hưởng kể câu chuyện trái đất, truyền tải thông điệp về vai trò thế hệ trẻ trong bảo vệ hành tinh xanh. Đêm diễn kết hợp hài hòa giữa piano, ballet cổ điển, công nghệ âm nhạc hữu hình, sáo react-flute, và múa hiện đại. Đặc biệt, tiết mục trình diễn thời trang cùng hiệu ứng 3D do giảng viên và sinh viên UEH thực hiện đã khẳng định sự hòa quyện giữa công nghệ và nghệ thuật, tạo nên những góc nhìn sáng tạo, thăng hoa.
ArtTech Fusion 2024 không chỉ là nơi giao thoa giữa nghệ thuật và công nghệ mà còn là nền tảng để truyền tải những giá trị bền vững thông qua các hoạt động sáng tạo, thúc đẩy sự kết nối giữa các cá nhân, tổ chức và cộng đồng. Đây là dịp để các nghệ sĩ, nhà sáng tạo và nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới cùng chia sẻ và lan tỏa thông điệp về sự phát triển bền vững thông qua các sản phẩm nghệ thuật và công nghệ.
Chuỗi triển lãm nghệ thuật: Kết nối quá khứ - hiện tại – tương lai
Trong năm qua, UEH đã tổ chức chuỗi triển lãm nghệ thuật mang đậm tính sáng tạo và bền vững.
Triển lãm tác phẩm điêu khắc “TẾT ART - Next Gen Art: Sustainability through Art-Tech” (Nghệ thuật của những thế hệ tiếp nối: phát triển bền vững dựa trên nền tảng công nghệ). Triển lãm là dự án trưng bày các tác phẩm điêu khắc và tranh của Bảo tàng Mỹ thuật; bàn cát vẽ tranh do Viện Công nghệ thông minh và tương tác và Khoa Thiết kế Truyền thông phối hợp thực hiện; cùng các tác phẩm và đồ án của sinh viên CTD-UEH. Chủ đề của triển lãm là các yếu tố Đất - Nước - Gió - Lửa cấu thành nên đất trời mùa xuân mới, vũ trụ vạn vật và sự sống trên hành tinh này. Trong đó, không thể thiếu “Tâm” là yếu tố then chốt quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của muôn loài. Triển lãm như một lời cảnh tỉnh con người cần sống hòa hợp trong tổng thể vững bền.
Viên chức UEH tham quan Triển lãm tác phẩm điêu khắc “TẾT ART - Next Gen Art: Sustainability through Art-Tech”
Triển lãm “Spring Art” trưng bày các sản phẩm của sinh viên SMD từ môn học Nguyên lý thiết kế cơ bản (Fundamental Design). Đây là dịp để các bạn nhìn lại thành quả học tập, đồng thời truyền tải thông điệp rằng nghệ thuật không dành riêng cho những người có tài năng hay kinh nghiệm, mà mở ra cơ hội cho tất cả những ai dám thử sức và khám phá khả năng sáng tạo của bản thân.
Triển lãm The Light and Instinct of Arts có sự tham gia trưng bày tác phẩm "Bàn cát nghệ thuật" do Viện Công nghệ Thông minh Tương tác (3I) và Khoa Thiết kế Truyền thông (SMD) thực hiện tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Triển lãm đặc biệt không chỉ ở hội hoạ, cách bố trí không gian nghệ thuật và thông điệp lan tỏa đến xã hội, mà còn ở tính hiện đại và hướng đến tương lai, trong đó công nghệ được tích hợp trong các tác phẩm truyền thống, để mang lại những góc nhìn mới mẻ cho người xem.
Triển lãm "Phiên bản tranh nghệ thuật các họa sĩ nữ trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh" giới thiệu 30 phiên bản các tác phẩm mỹ thuật hiện đại của các nữ họa sĩ Việt Nam tại Cơ sở B UEH. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện riêng, thể hiện tài năng, sự sáng tạo và tâm hồn nghệ thuật của người phụ nữ Việt. Qua đó, triển lãm góp phần nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của phụ nữ trong sự phát triển của nền mỹ thuật nước nhà, nâng cao ý thức của sinh viên về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Khai mạc triển lãm "Phiên bản tranh nghệ thuật các họa sĩ nữ trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh"
Nghệ thuật tôn vinh và bảo tồn di sản văn hóa
UEH quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam thông qua chuỗi hoạt động ý nghĩa như triển lãm văn hóa di sản áo dài và tọa đàm “Tôn vinh và Bảo tồn Di sản Văn hóa trên Nền tảng Số”. Với chuỗi hoạt động phong phú, bao gồm: Tìm hiểu lịch sử Áo Dài qua bộ sưu tập của Bảo Tàng Áo Dài, khám phá giá trị di sản văn hóa Việt qua bộ sưu tập ảnh “Di sản Quanh Ta” của Kỷ lục gia Nguyễn Thị Thanh Tâm, và đặc biệt là Tọa đàm “Tôn vinh và Bảo tồn Di sản Văn hóa trên Nền tảng số”, chương trình lan tỏa và tôn vinh di sản văn hóa Áo Dài cùng các giá trị di sản văn hóa truyền thống Việt Nam đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ - những người kế thừa di sản trong tương lai. Sự kiện góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị di sản, đồng thời khẳng định tiềm năng của các nền tảng số trong việc bảo tồn và lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống một cách bền vững và hiện đại.
Triển lãm văn hóa di sản áo dài
Chương trình hòa nhạc cổ điển, truyền cảm hứng tương lai bền vững
Chương trình Hòa nhạc Quốc tế kết hợp giữa Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) và Hiệp hội Âm nhạc cổ điển New York (NYCMS) với chủ đề Dream Concert Vietnam 2024. Đây cũng là năm đầu tiên chương trình do UEH tổ chức ở cả 3 địa điểm gồm TP. Hồ Chí Minh, TP. Thủ Đức và TP. Nha Trang, đánh dấu một cột mốc lớn trên hành trình lan tỏa cảm hứng nghệ thuật và dẫn đầu sự thay đổi vì phát triển bền vững của UEH.
Chương trình mang lại không gian âm nhạc cổ điển, với sự xuất hiện của nhiều bản hòa nhạc kinh điển của các nhà soạn nhạc nổi tiếng như Beethoven, Bach, những giai điệu nổi tiếng như: BWV.1043 - Jazz Swing For Two Violin (Sáng tác: J.S.Bach; trình diễn: Takao Furihata and Jiyeon Ryu), hay Silent Night (Trình diễn: Sung Jin Kim, Seung Sei Kim, Seongsik Kim),... Không dừng lại ở đó, các nhạc công tham gia chương trình còn mang đến những bản nhạc giao hưởng giáng sinh, thổi những giai điệu an bình của những ngày cuối năm đến với UEHers và cộng đồng.
Chương trình Hòa nhạc Quốc tế Dream Concert 2024
Nghệ thuật giúp khám phá chính mình và khơi dậy những giá trị tích cực
Trong năm qua, chuỗi khóa học “Vẽ Acrylic thư giãn theo chủ đề” lần đầu tiên được tổ chức tại UEH, Cơ sở TP.HCM và Phân hiệu Vĩnh Long, mang đến một không gian nghệ thuật mới lạ, nơi âm thanh, ánh sáng và họa cụ hòa quyện, vẽ nên bức tranh đầy cảm hứng nghệ thuật. Dưới sự dẫn dắt tận tâm của giảng viên, học viên tham gia được trang bị kiến thức về kỹ thuật vẽ Acrylic, đồng thời được khuyến khích thỏa sức sáng tạo theo ý tưởng của riêng mình.
Chuỗi khóa học “Vẽ Acrylic thư giãn theo chủ đề”
Chia sẻ tại Workshop, PGS.TS. Phan Thị Bích Nguyệt - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Chiến lược và Chính sách UEH nhấn mạnh: “Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh luôn mong muốn tạo những điều kiện thuận lợi nhất để mọi người có thể tự khai thác tiềm năng của chính mình, để thấy được rằng chúng ta có nhiều năng lượng, nhiều năng lực và còn nhiều điều đặc biệt hơn thế nữa. Chính vì vậy, hôm nay, chúng tôi đến đây để đặt viên gạch đầu tiên, nhỏ bé nhất đó là chính thức khởi động một chuỗi Workshop về nghệ thuật mà khởi đầu là Workshop Vẽ Acrylic để mọi người tự do khám phá chính bản thân mình và truyền cảm hứng cho những điều tốt đẹp hơn trong tương lai”.
Với tinh thần đổi mới, sáng tạo và trách nhiệm xã hội, UEH đã và đang tiên phong xây dựng một cộng đồng mà ở đó, nghệ thuật trở thành nguồn cảm hứng để cùng nhau hành động vì những giá trị trường tồn và bền vững. Một mùa xuân mới đầy sáng tạo và kết nối lại đến, UEH sẽ tiếp tục viết nên những câu chuyện nghệ thuật đầy ý nghĩa, lan tỏa tinh thần bền vững đến cộng đồng trong nước và quốc tế.
Tin, ảnh: Khoa Thiết kế Truyền thông
Chia sẻ