Các nỗ lực học thuật, nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ cộng đồng địa phương
18 tháng 01 năm 2025
Năm 2024, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã ghi dấu ấn với những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học và các dự án phục vụ cộng đồng, khẳng định vai trò tiên phong của mình trong việc kết nối tri thức học thuật với thực tiễn phát triển địa phương. Với 11 đề tài cấp Bộ và tương đương Bộ được nghiệm thu, 96 đề tài cấp cơ sở triển khai và hàng loạt dự án quốc tế gắn với cộng đồng và địa phương, UEH đã tập trung giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội, và môi trường cấp bách, đặc biệt hướng tới việc hỗ trợ cộng đồng địa phương. Từ các nghiên cứu về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, và sinh kế bền vững cho doanh nghiệp và người dân đến các dự án quốc tế như trái phiếu xanh hay lồng ghép giới trong phát triển hạ tầng, UEH không chỉ cung cấp các giải pháp thiết thực mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững và công bằng xã hội. Những nỗ lực này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà trường trong việc đồng hành cùng địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, và xây dựng nền tảng vững chắc cho tương lai.
Trong bối cảnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, kết quả nổi bật từ 11 đề tài cấp Bộ và tương đương Bộ mà UEH đã thực hiện thành công trong năm 2024, đã nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tổng hợp những đóng góp chính sách từ kết quả nghiên cứu của các đề tài cấp Bộ và tương đương Bộ năm 2024 có những điểm nổi bật sau.
Thứ nhất, các nghiên cứu đã đề xuất quy trình nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) thông qua việc đo lường hiệu quả các nhân tố tác động, đồng thời tập trung phân tích thực trạng đổi mới sáng tạo trong khối doanh nghiệp tư nhân ngành công nghiệp giai đoạn 2015-2022. Trên cơ sở đó, các giải pháp được đề xuất bao gồm xây dựng chiến lược đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp và hoàn thiện thể chế hỗ trợ, hướng đến năm 2030.
Thứ hai, vấn đề chuyển đổi số được nhấn mạnh như một yếu tố quyết định trong việc xây dựng nền kinh tế xanh và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Các nghiên cứu đã đánh giá thực trạng và nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng triển khai chuyển đổi số, đồng thời kiểm định tác động của chuyển đổi số đến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Những phát hiện cung cấp cơ sở thực nghiệm cho các cơ quan chính sách và doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và áp dụng thương mại điện tử, phù hợp với mục tiêu chuyển đổi số quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ ba, vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, được phân tích sâu sắc với mục tiêu giảm bất công bằng trong tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh giai đoạn 2008–2018. Các khuyến nghị chính sách bao gồm phát triển y tế cơ sở, mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế, xây dựng quỹ khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, cải cách mô hình hợp tác công tư và ứng dụng công nghệ số trong y tế. Điều này không chỉ cải thiện sức khỏe cộng đồng mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững và công bằng xã hội.
Thứ tư, về phương diện nghiên cứu và phản biện chính sách, UEH đã thực hiện nhiều nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn, như xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội cho xã Bình Minh (Vĩnh Long), nâng cao năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) tại Hà Tĩnh, và đề xuất chiến lược phát triển công nghệ đại dương cho tỉnh Khánh Hòa. Đặc biệt, nghiên cứu gần đây tập trung vào Luật Đất đai 2024, đánh giá tác động của luật này đối với kinh tế, luật pháp và quản lý nhà nước. Các đề xuất nhằm tận dụng tối đa cơ hội và giảm thiểu thách thức, góp phần đảm bảo phát triển bền vững. Tóm lại, các nghiên cứu trên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, và cải cách chính sách trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đồng thời đề xuất các giải pháp thiết thực hướng tới sự phát triển bền vững.
Về đề tài cấp cơ sở, trong năm 2024, UEH đã triển khai 96 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, trong đó có 16 đề tài có chủ đề gắn với các nghiên cứu phục vụ địa phương về kinh tế, luật pháp, biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo.
Về lĩnh vực kinh tế, các đề tài đã đề cập đến nhiều chủ đề như: Tác động của chuyển đổi số hợp tác xã nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long - yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh trong bối cảnh nền nông nghiệp hiện đại; Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong việc xây dựng nông thôn mới ở TP.HCM hiện nay; Phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến đa dạng hóa sinh kế của hộ gia đình trên địa bàn Thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, góp phần làm rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến việc lựa chọn phương thức sinh kế của hộ gia đình ở khu vực nông thôn và cung cấp những hiểu biết có giá trị cho các nhà hoạch định chính sách thiết kế các biện pháp can thiệp hiệu quả. Đặc biệt, “Báo cáo Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh: Phục hồi và Thách thức” là ấn phẩm nghiên cứu khoa học do Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trong 06 tháng đầu năm 2024, phân tích các thách thức, dự báo khả năng phục hồi, cũng như đề xuất các chính sách gợi ý cho chính quyền Thành phố.
Về lĩnh vực luật pháp, một số đề tài tiến hành nghiên cứu thực trạng thực thi pháp luật đất đai và những bất cập cần giải quyết tại địa phương. Góp phần hoàn thiện pháp luật về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, nhằm đạt hiệu quả và công bằng để lựa chọn được nhà đầu tư dự án đủ năng lực, và là phương thức giúp tăng thu ngân sách nhà nước thông qua việc tối ưu hóa nguồn thu từ tài chính đất đai, đồng thời cũng giải quyết tốt khả năng bồi thường cho người có đất bị thu hồi để thực hiện dự án.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, các nghiên cứu tiến hành đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến sinh kế của người dân địa phương và các giải pháp thích ứng, ứng dụng công nghệ xanh trong xử lý ô nhiễm môi trường ở địa phương… như đánh giá tác động của thời tiết cực đoan đến sự phát triển của trẻ em Việt Nam, góp phần giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những giải pháp giúp đỡ trẻ em, đặc biệt những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn dễ bị tổn thương. Nghiên cứu, đánh giá tác động biến đổi khí hậu và hiệu quả tài chính công ty, cung cấp bằng chứng thực nghiệm về tác động của biến đổi khí hậu đến hiệu quả tài chính các công ty nông nghiệp và thực phẩm, so sánh hiệu quả tài chính các công ty ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long so các vùng còn lại của Việt Nam khi lượng mưa trung bình tăng và mực nước biển dâng cao.
Đối với vấn đề xóa đói giảm nghèo, các nghiên cứu cũng cung cấp các nội dung như tác động của tài chính vi mô đến sinh kế hộ gia đình tại các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, nhằm đưa ra khuyến nghị phù hợp cho các nhà hoạch định chính sách trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội; hay nghiên cứu chi phí tiền túi cho y tế và các nhân tố tác động đến các hộ gia đình nông thôn khu vực Đồng bằng Mekong, Việt Nam.
Liên quan đến các dự án quốc tế gắn với cộng đồng và địa phương, UEH cũng đã và đang triển khai nhiều dự án, hoạt động quốc tế nhằm gắn kết nghiên cứu khoa học với giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội tại địa phương. Ví dụ, Dự án “Chương trình sẵn sàng cho trái phiếu xanh Việt Nam”, một chương trình hợp tác giữa UEH, Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI), Bộ Tài chính Việt Nam và Chính phủ Luxembourg nhằm hỗ trợ sự phát triển dài hạn của thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam, tăng cường đầu tư vào các dự án bền vững giúp giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia của Việt Nam. Nằm trong khuôn khổ dự án, ngày 4/12/2024, đại diện Viện Tài chính Bền vững UEH đã tham dự và trình bày tổng quan về dự án, mục tiêu học tập của khóa học và các mô-đun nội dung theo chủ đề "Tài chính bền vững thông qua lăng kính giới và hòa nhập xã hội" tại Hà Nội.
Đại diện Viện Tài chính Bền vững - UEH trình bày chủ đề "Tài chính bền vững thông qua lăng kính giới và hòa nhập xã hội"
Năm 2024, đội ngũ Dự án "Lồng ghép giới vào các công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng" (GS4Infra) đã phối hợp cùng với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung tổ chức buổi tập huấn với chủ đề “Tăng cường năng lực của cộng đồng tại huyện Cù Lao Dung thông qua việc lồng ghép giới vào các công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai”. Buổi tập huấn đã nhận được sự tham gia tích cực của các đại diện từ chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội và người dân. Qua buổi tập huấn, người tham gia đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hạ tầng thủy lợi đối với đời sống. Đồng thời, cộng đồng cũng hiểu rõ hơn về những thách thức đang đối mặt và các giải pháp khả thi. Các bài tập tương tác đã giúp người tham gia rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phân tích giải quyết vấn đề và cùng nhau đóng góp ý kiến xây dựng để hoàn thiện các kế hoạch phát triển hạ tầng địa phương.
UEH phối hợp cùng chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội tổ chức tập huấn cho người dân tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng
Năm 2024, Dự án CS/2020/209 do ACIAR và IRDC đồng tài trợ đã triển khai các hoạt động đào tạo, xây dựng và thử nghiệm các công cụ nghiên cứu chuỗi giá trị để phục vụ cho công tác thu thập dữ liệu, tăng cường khả năng nghiên cứu về thất thoát thực phẩm cho các nhà nghiên cứu của 3 nước tham gia dự án, bao gồm: Việt Nam, Lào và Campuchia.
Nhóm nghiên cứu của Việt Nam đến thăm Nhà máy sản xuất Sao Mai ở tỉnh Đồng Tháp
Bên cạnh đó, UEH cũng có nhiều dự án, hoạt động quốc tế tập trung vào các vấn đề môi trường và xã hội như biến đổi khí hậu và xóa đói giảm nghèo. Thông qua các nguồn tài trợ từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, UEH đã tiến hành nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu lên kinh tế nông nghiệp và đời sống cư dân ở khu vực và trên cả nước.
Hội thảo "Green Growth & Climate Modelling in Vietnam" do UEH phối hợp cùng World Bank tổ chức
UEH cũng là thành viên của Tổ chức Mạng lưới Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDSN) và đã tham gia trực tuyến phiên họp định kỳ của tổ chức vào tháng 6/2024. Trường luôn được đánh giá là một đối tác tích cực, chủ động hợp tác với các tổ chức quốc tế và các đối tác đại học trên toàn cầu với nhiều nghiên cứu về phát triển bền vững. Đồng thời cũng nhấn mạnh sự quan tâm và cam kết mạnh mẽ đối với các vấn đề toàn cầu, với mong muốn đóng góp tích cực và lan tỏa tầm nhìn về một tương lai bền vững hơn cho cộng đồng quốc tế.
UEH tham gia họp cùng Tổ chức Mạng lưới Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc
Ngoài ra, còn có các dự án hiện đang trong giai đoạn bắt đầu hoạt động như: Dự án Evaluation of Nature-based Solutions với mục tiêu chung là nghiên cứu các giải pháp dựa trên thiên nhiên để tăng cường an ninh nguồn nước cho mục đích sử dụng nước đô thị tại ba thành phố ở Đông Nam Á: Chiang Rai, Cần Thơ và Phnom Penh. Dự án Empowering change với mục tiêu cung cấp khóa học về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững dành cho các nhà khoa học nữ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Những kết quả đã và đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng và tạo động lực cho các chính sách hỗ trợ phát triển toàn diện tại địa phương.
Năm 2024 đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững và đa ngành của UEH, với những kết quả nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế nổi bật. Các nỗ lực học thuật, nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ cộng đồng địa phương đã và đang trở thành trọng tâm trong chiến lược phát triển của UEH. Nhà trường không chỉ tập trung vào việc thực hiện các nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, giải quyết các vấn đề cấp bách của địa phương như kinh tế, luật pháp, biến đổi khí hậu, và xóa đói giảm nghèo, mà còn tích cực đề xuất các chính sách đổi mới nhằm cải thiện chất lượng sống và thúc đẩy sự phát triển bền vững tại cộng đồng. Những thành tựu đạt được đã góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết của địa phương và toàn cầu, đồng thời khẳng định vai trò của UEH như một đại học tiên phong trong nghiên cứu, sáng tạo, và thúc đẩy phát triển bền vững. Những nỗ lực này không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội của UEH mà còn khẳng định vai trò của Nhà trường trong việc dẫn dắt và lan tỏa tri thức học thuật để hỗ trợ sự phát triển toàn diện của cộng đồng địa phương, tạo nền tảng vững chắc cho một tương lai bền vững.
Tin, ảnh: Ban Nghiên cứu - Phát triển và Gắn kết toàn cầu
Chia sẻ