Tiền tệ kỹ thuật số: Yếu tố then chốt của nền kinh tế bền vững trong tương lai?
25 tháng 06 năm 2021
Nằm trong chuỗi sự kiện SmartCity+ 2021, webinar chủ đề “Blockchain for DeFi & Cryptocurrency: Blockchain in current and future economy” do Viện đô thị thông minh và Quản lý (ISCM), Viện đổi mới sáng tạo (UII), Viện công nghệ tài chính Fintech thuộc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và Đại học Khoa học Ứng dụng Saxion (Saxion University of Applied Sciences) phối hợp cùng các đối tác quốc tế đã diễn ra thành công với hơn 6000 lượt theo dõi trực tuyến, đến từ hơn 12 quốc gia và vùng lãnh thổ.
- Hội thảo khoa học: Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?
- Phiên thảo luận đặc biệt cùng ba Hiệu trưởng các Đại học hàng đầu về Mô hình đại học bền vững, cách tiếp cận từ tổng thể đến chi tiết
- Hội thảo Quốc tế song ngữ Anh - Việt về chủ đề “Tiền tệ kỹ thuật số Việt Nam & Các ứng dụng hỗ trợ Blockchain trong thương mại quốc tế”
Sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ Blockchain
Bạn nghĩ thế nào nếu một ngày tất cả mọi giao dịch, trao đổi thông tin đều diễn ra chỉ với một dãy số tích hợp và không bị ảnh hưởng bởi những đơn vị trung gian? Đó có lẽ là tương lai gần khi mà nền kinh tế số hay nói chính xác hơn là công nghệ blockchain đang bùng nổ mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Trong xã hội số ngày nay, nhiều người có thể dễ dàng trao đi những dữ liệu của mình thông qua các thao tác giao dịch online hay những hành vi nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày. Chính vì vậy, yếu tố bảo mật trong giao dịch, quản lý,... đang dần được đặt lên hàng đầu. Với khả năng chia sẻ thông tin, dữ liệu minh bạch, tiết kiệm không gian lưu trữ và bảo mật cao, blockchain được xem là một trong những công nghệ đột phá và đang dần thay đổi cách nhìn của mọi người.
Các chuyên gia quốc tế bàn luận về tương lai của tiền tệ kỹ thuật số tại webinar
Tuy nhiên, Tiến sĩ Chhay Lin Lim - Giảng viên, nghiên cứu viên Viện nghiên cứu Blockchain của Saxion UAS cũng cho biết thêm: “Mặc dù nổi trội với những ưu thế về bảo mật, minh bạch,... nhưng blockchain hiện tại vẫn có những điểm yếu nhất định như khó khăn trong việc thay đổi những dữ liệu bị sai hay chi phí phát triển cao,...”. Như mới đây, Tập đoàn McDonald's của Mỹ cho biết có thể sẽ cho phép thanh toán bằng Bitcoin nhưng chi phí thanh toán lại lớn hơn gấp nhiều lần so với chi phí thực của các món hàng.
TS. Chhay Lin Lim nhận định về sự bùng nổ mạnh mẽ của Blockchain
Công nghệ tài chính Fintech đang dần chiếm lĩnh thị trường
Kể từ khi làn sóng các công ty startup trong lĩnh vực công nghệ tài chính - Fintech nổi lên sau chuỗi thời gian khủng hoảng xảy ra vào năm 2008, Fintech đã có sự phát triển sâu rộng trên phạm vi toàn cầu và trở thành một trong những cuộc cách mạng kỹ thuật số có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành dịch vụ tài chính. Đến nay, Fintech đã có mặt trong phần lớn các sản phẩm dịch vụ tài chính trên thế giới.
Đặc biệt, khu vực châu Á đang được xem là một trong những thị trường tiềm năng và sôi động nhất của Fintech. Bức tranh toàn cảnh về mô hình kinh doanh Fintech Asean cho thấy, thanh toán kỹ thuật số đang dần chiếm lĩnh thị phần với 26%, theo sau đó là AL/ML/Big data chiếm 15%.
Riêng tại Việt Nam, theo báo cáo của Fintech News Singapore, số lượng những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam tăng hơn 179% trong giai đoạn 2017 – 2020. Trong đó, dịch vụ thanh toán vẫn là phân khúc lớn nhất, chiếm 31% số lượng các công ty khởi nghiệp fintech. Thống kê của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam cũng cho thấy, tính đến năm 2019, có 4,2 triệu người dùng ví điện tử trên tổng số 100 triệu dân.
Nếu như trước đây việc thanh toán chủ yếu được sử dụng bằng tiền mặt thì hiện nay, đa số mọi người đã ưu tiên chuyển sang thanh toán kỹ thuật số vì tính tiện lợi, bảo mật. Theo nhận định của Tiến sĩ Tuan Ho - Giảng viên cao cấp về tài chính về kế toán tại Đại học Bristol (Vương quốc Anh): “Fintech chính là tương lai - Fintech is the future, bởi sự xuất hiện của Fintech đã phá vỡ hay làm gián đoạn nhiều thứ mà ngành ngân hàng và định giá tài sản, quản lý tài sản truyền thống đang vận hành. Đồng thời, những công nghệ mới hiện đang phát triển mọi lúc và đang ngày càng mở rộng quy mô nhanh hơn, buộc chúng ta phải có tư duy mở hơn. Điều này cũng đặt ra những thách thức lớn cho các nhà quản lý phải làm sao để cân bằng được giữa lợi ích và những tác động tiêu cực.”
Covid-19 - yếu tố thúc đẩy nền kinh tế số
Sự xuất hiện bất ngờ của Covid-19 bên cạnh những tác động tiêu cực đến sức khỏe, y tế và nền kinh tế của toàn thế giới, thì ở một góc độ khác, đây cũng là yếu tố thúc đẩy quá trình phát triển của DeFi (Decentralized Finance - Tài chính phi tập trung là một hình thức tài chính dựa trên blockchain), theo nhận định của Tiến sĩ Andry Alamsyah - Giảng viên và nhà nghiên cứu tại Telkom University Indonesia. Các nhà tạo lập thị trường tự động đang tạo ra hàng trăm triệu đô la từ khối lượng giao dịch mỗi ngày, và các giao thức cho vay phi tập trung cũng thu được hàng tỷ đô la trong các hợp đồng của mình.
Đặc biệt, trong giai đoạn Covid-19 phải kể đến sự biến động khó lường của tiền ảo. Giá trị Bitcoin đã giảm tới 50% chỉ trong vòng một ngày do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tuy nhiên, chỉ trong vòng 9 tháng sau, Bitcoin đã tăng vượt ngưỡng kỷ lục khiến giới đầu tư tài chính lao đao trong suốt một thời gian. Theo Coindesk, một trong những nguyên nhân dẫn đến đà tăng chóng mặt của tiền ảo chính là từ dòng Tweet của tỷ phú Elon Musk - CEO Tesla rằng "Bạn muốn dùng gì làm tiền tệ trong tương lai?".
Các chuyên gia phân tích về sự kết hợp giữa mạng xã hội và tài chính
Trước sự biến động này, ông Huỳnh Lưu Đức Toàn - Phó Tổng biên tập Tạp chí Kinh doanh Châu Á và Nghiên cứu Kinh tế (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) cũng đã phân tích mối liên hệ giữa những dòng tweet của tỷ phú Elon Musk hay ông Donald Trump liên quan đến giá Bitcoin trong thời gian qua và xu hướng biến động của tiền ảo trong giai đoạn hiện nay. Qua đó thấy rằng, thị trường có thể học hỏi và ngày càng thông minh hơn. Nếu như trước đây, chúng ta bị ảnh hưởng bởi các nhân tố như Elon Musk thì giờ đây các nhà đầu tư đã cẩn thận hơn trong việc quyết định có tin tưởng hay không. Đồng thời, hiện nay sự biến động của Bitcoin có thể dự đoán được bằng thuật toán.
Công nghệ Blockchain nói chung và bitcoin nói riêng đã thay đổi không chỉ nền kinh tế, tài chính,... mà làm thay đổi cả những nhận định về thế giới tương lai như tiền kỹ thuật số, đòi hỏi con người hiểu công nghệ hơn và có những phương án dự trù để thích nghi với thế giới mới - thế giới số.
Webinar có sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ các Đại học danh tiếng thế giới
Webinar có sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ các Đại học danh tiếng thế giới
Với sự tham gia trao đổi của các giáo sư, chuyên gia đến từ Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và Saxion University of Applied Sciences, cùng các đối tác, người tham dự, buổi webinar đã được diễn ra thành công và đặt ra nhiều vấn đề mở với mong muốn hướng đến và thúc đẩy một thành phố thông minh, đáng sống trong tương lai.
Tin, ảnh: Viện đô thị thông minh và Quản lý, Phòng Marketing - Truyền thông.
Chia sẻ