Hội thảo Quốc tế song ngữ Anh - Việt về chủ đề “Tiền tệ kỹ thuật số Việt Nam & Các ứng dụng hỗ trợ Blockchain trong thương mại quốc tế”
08 tháng 12 năm 2021
Ngày 30/11/2021, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) với đơn vị đại diện là Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á (JABES) đã phối hợp cùng Viện Friedrich-Naumann vì Tự do (FNF) tại Việt Nam tổ chức thành công Hội thảo Quốc tế song ngữ Anh - Việt với chủ đề “Tiền tệ kỹ thuật số Việt Nam & Các ứng dụng hỗ trợ Blockchain trong thương mại quốc tế” dưới hình thức Hybrid Meetings. Hội thảo đã vinh dự thu hút gần 140 nhà nghiên cứu và người quan tâm trong nước và quốc tế, từ các trường Đại học tại Việt Nam và các quốc gia như: New Zealand, Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan… đăng ký và tham dự.
Xu thế công nghệ kỹ thuật số đã và đang tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Đứng trước làn sóng Cách mạng Công nghệ 4.0, Blockchain được xem là “chìa khóa” cho chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin trong tương lai. Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong chuyển đổi số với ưu thế về dân số trẻ, năng động, và có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng. Vì vậy, Chính phủ cũng như các doanh nghiệp đều rất quan tâm đến các vấn đề về tiền tệ kỹ thuật số cũng như các ứng dụng hỗ trợ Blockchain trong thương mại quốc tế.
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, GS. Sử Đình Thành - Hiệu trưởng UEH cho biết Hội thảo Quốc tế “Tiền tệ kỹ thuật số Việt Nam & Các ứng dụng hỗ trợ Blockchain trong thương mại quốc tế” được tổ chức nhằm mục đích đánh giá lợi ích và tác động dài hạn của đồng tiền kỹ thuật số quốc gia trên cơ sở tìm hiểu quan điểm và kỳ vọng của người dân Việt Nam; Hội thảo sẽ công bố các nghiên cứu về cách tiếp cận, các tính năng cần thiết, quy trình phát hành, ứng dụng và lưu thông đồng tiền kỹ thuật số (Central Bank Digital Currency – CBDC) trong nền kinh tế, triển vọng của các ứng dụng thương mại dựa trên Blockchain tại thị trường Việt Nam; và qua đó đề xuất các khuyến nghị và hàm ý chính sách cho các cơ quan chính phủ trong quá trình phát triển CBDC, thúc đẩy các ứng dụng dựa trên nền tảng Blockchain vào hỗ trợ hoạt động thương mại tại các doanh nghiệp Việt Nam.
Về phía đơn vị đồng tổ chức, GS. Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia của Viện FNF tại Việt Nam cho biết FNF Việt Nam vinh dự đồng hành cùng UEH và JABES tổ chức một Hội thảo Quốc tế song ngữ có ý nghĩa về chủ đề tiền tệ kỹ thuật số và Blockchain – chủ đề đang được ứng dụng ngày càng nhiều trong đời sống kinh tế; Hội thảo đặc biệt có ý nghĩa trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, phục hồi nền kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19; và là một trong những hoạt động thể hiện sự gắn kết ngày càng sâu sắc giữa hai quốc gia Việt Nam và Đức nhằm hướng tới mối quan hệ hợp tác toàn diện hơn.
Trong phiên đầu tiên của Hội thảo, GS. Charla Griffy-Brown (Pepperdine University, Mỹ) trình bày nghiên cứu với chủ đề “Các xu hướng và ứng dụng Blockchain trong thời đại mới”. GS. Charla Griffy-Brown cho biết nền kinh tế thế giới đang trải qua một đợt chuyển đổi số lớn nhất mang tính cách mạng với trung tâm là công nghệ Blockchain. Công nghệ Blockchain sẽ tái định nghĩa cách con người thực hiện các giao dịch kinh tế, tiền tệ hay lưu trữ tài sản. Bên cạnh đó, thị trường Blockchain là một thị trường đã phát triển rất mạnh mẽ trong thập kỷ vừa qua với ngày càng nhiều ứng dụng trong các ngành nghề như: Vận tải, dịch vụ công, truyền thông, tài chính, và hiện đang được mở rộng sang ứng dụng trong ngành sản xuất và bán lẻ; ước tính giá trị thị trường của Blockchain sẽ vào khoảng 3,1 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Ngoài ra, ngày càng có nhiều tập đoàn đa quốc gia tham gia vào việc ứng dụng công nghệ Blockchain vào hoạt động của họ.
Dựa trên công nghệ Blockchain, đồng tiền kỹ thuật số có thể được áp dụng trong các hợp đồng thông minh (Smart Contract), mở ra các dịch vụ tiện ích mới mà đồng tiền giấy khó có thể làm được. Về cách thức giao dịch kinh tế dựa trên công nghệ Blockchain, TS. Ngô Minh Vũ (UEH, Việt Nam) đại diện nhóm nghiên cứu công bố kết quả từ nghiên cứu “Tiền kỹ thuật số Việt Nam: Những viễn cảnh kinh tế và hàm ý chính sách”. Trong đó, TS. Ngô Minh Vũ lần lượt trình bày các đặc điểm chính của CBDC: CBDC là một dạng tiền tệ có chủ quyền số hóa mới nổi, thường được coi là ngang bằng với tiền mặt vật chất (tiền giấy) hoặc dự trữ tại ngân hàng trung ương bởi các tổ chức tài chính; CBDC được dự kiến sẽ thay thế hoặc cùng tồn tại với tiền vật chất; CBDC tồn tại dưới hai hình thức: (1) Dành cho công chúng trong việc thực hiện các giao dịch hằng ngày, và (2) dành cho các tổ chức tài chính (được sử dụng hiệu quả trong thanh toán liên ngân hàng và các giao dịch chứng khoán). Kết quả nghiên cứu của nhóm cho thấy mức độ nhận biết của công chúng đối với CBDC còn thấp, và CBDC là một khái niệm còn mới với đại đa số người dân được khảo sát dù rất nhiều người đã có hiểu biết về đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đưa ra một số hàm ý chính sách: Trong ngắn hạn, Ngân hàng Nhà nước có thể áp dụng ví điện tử nhằm khuyến khích sử dụng CBDC trong các hoạt động bán lẻ; trong dài hạn, việc sử dụng CBDC sẽ giúp giảm thiểu rất nhiều chi phí giao dịch và các khâu quản lý trung gian, tuy nhiên, cần có sự phối hợp thực hiện, giám sát cùng khung pháp lý vững chắc trong từng bước áp dụng CBDC.
Sau mỗi phần trình bày của diễn giả, các nhà nghiên cứu và khách tham dự Hội thảo đã nhiệt tình tham gia đặt câu hỏi, thảo luận sôi nổi cũng như đóng góp ý kiến xây dựng thêm cho các nội dung nghiên cứu được trình bày.
Sau 3 tiếng ngắn ngủi nhưng cô đọng, Hội thảo “Tiền tệ kỹ thuật số Việt Nam & Các ứng dụng hỗ trợ Blockchain trong thương mại quốc tế” đã diễn ra thành công, tốt đẹp và để lại nhiều ấn tượng tốt với các nhà nghiên cứu và khách tham dự.
Một số hình ảnh chính tại Hội thảo:
GS. Sử Đình Thành (Hiệu trưởng UEH) phát biểu khai mạc Hội thảo
GS. Andreas Stoffers (Giám đốc Quốc gia, Viện FNF tại Việt Nam) phát biểu chào mừng Hội thảo
GS. Nguyễn Trọng Hoài (Tổng Biên tập JABES) giới thiệu và mời
GS. Charla Griffy-Brown trình bày chủ đề nghiên cứu tại Hội thảo
GS. Charla Griffy-Brown (Pepperdine University, Mỹ) trình bày chủ đề “Các xu hướng và ứng dụng Blockchain trong thời đại mới”
GS. Nguyễn Trọng Hoài điều phối phần Hỏi - đáp về các nội dung trình bày của GS. Charla Griffy-Brown
TS. Ngô Minh Vũ (UEH, Việt Nam) đại diện nhóm nghiên cứu trình bày chủ đề “Tiền kỹ thuật số Việt Nam: Những viễn cảnh kinh tế và hàm ý chính sách”
Các học giả tham gia thảo luận sau phần trình bày của TS. Ngô Minh Vũ
ThS. Phan Thị Nhã Trúc (UEH, Việt Nam) tiếp tục trình bày chủ đề “Các ứng dụng công nghệ Blockchain trong thanh toán quốc tế: Tính khả thi và hàm ý chính sách cho Việt Nam”
Các học giả tham dự online lắng nghe phần trình bày của ThS. Hoàng Gia Thịnh
Toàn cảnh tại Hội trường trực tiếp của Hội thảo
Toàn cảnh tại Hội trường trực tiếp của Hội thảo
Ban tổ chức chụp hình lưu niệm cùng khách tham dự trực tuyến tại Hội thảo
Ban tổ chức chụp hình lưu niệm cùng khách tham dự trực tiếp tại Hội thảo
Thông tin thêm
Tất cả các thông tin mới JABES và các sự kiện nổi bật sẽ được cập nhật liên tục trên các kênh thông tin chính thức của JABES như sau:
- JABES Facebook: https://www.facebook.com/jabes.ueh.edu.vn
- JABES Website: http://www.jabes.ueh.edu.vn/
- JABES on Emerald Group Publishing: https://www.emeraldgrouppublishing.com/journal/jabes
- ACBES Website: https://acbes.ueh.edu.vn/
- JABES Youtube: http://shorturl.at/jnoOR
Tin, bài: JABES
Báo chí đưa tin:
1. Báo Nhịp sống Doanh nghiệp Online: Chuyên gia đề xuất về ứng dụng Blockchain trong thương mại quốc tế giúp tiết kiệm chi phí và tối ưu hiệu quả
Chia sẻ