Toạ đàm JST 2021 - Sự hữu ích của Lý thuyết trò chơi: Thảo luận về giải Nobel Kinh tế năm 2020
31 tháng 03 năm 2021
Tại buổi tọa đàm về Sự hữu ích của Lý thuyết trò chơi: Thảo luận về giải Nobel Kinh tế do Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á (JABES) - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã tổ chức, các học giả quốc tế đến từ các nước trong khu vực châu Á và trên thế giới đã cùng nhau thảo luận về những hướng nghiên cứu mới trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên khắp thế giới.
- Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á (JABES) vừa được Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ thẩm định và chính thức đưa vào danh mục cơ sở dữ liệu EconLit
- Tọa đàm JST tháng 3 với chủ đề “Một số luận điểm quan trọng về tố chất lãnh đạo”
- Tọa đàm về Nghiên cứu Kinh tế học lao động trong sự biến động của thế giới
Sự bùng phát đại dịch COVID-19 đã tạo ra những thách thức, cơ hội chưa từng có ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế trong tương lai. Các chính sách của chính phủ nhằm hạn chế sự lây lan COVID-19 có ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế của mỗi nước. Do đó, các kịch bản và dự đoán liên quan đến các tác động đối với kinh tế và kinh doanh của các nước cần phải được xem xét sau đợt bùng phát đại dịch COVID-19.
Hội nghị chuyên đề “Economics and Business: Agendas for the Uncertain World” gồm chuỗi các tọa đàm liên quan đến kinh tế và kinh doanh - JABES Seminar Talks (JST) được tổ chức nhằm định hướng nghiên cứu trong bối cảnh bất ổn toàn cầu đang xảy ra (như đại dịch COVID-19).
Nằm trong chuỗi tọa đàm JST 2021, buổi nói chuyện với chủ đề Sự hữu ích của Lý thuyết trò chơi: Thảo luận về giải Nobel Kinh tế năm 2020 (The Usefulness of Game Theory: Comments on the 2020 Nobel Prize in Economics) đã diễn ra với sự góp mặt của Giáo sư Tilman Börgers - khách mời tham dự với tư cách là diễn giả. Ông hiện đang giảng dạy tại Đại học Michigan (Mỹ), ngoài ra còn đảm nhiệm vai trò Tổng biên tập Tạp chí “Journal of Economic Theory”. Giáo sư chính là tác giả cuốn sách “An Introduction to the Theory of Mechanism Design” (NXB Oxford, xuất bản năm 2015).
Vào năm 2020, Paul Milgrom và Robert Wilson được trao giải Nobel với các công trình “Phát triển lý thuyết đấu giá và sáng lập nên các thể thức đấu giá mới”. Họ đã phát triển lý thuyết đấu giá để thiết kế mô hình đấu giá mới cho các loại hàng hóa và dịch vụ công, như sóng điện thoại. Đấu giá là một phần trong lý thuyết trò chơi được giáo sư Tilman Börgers đưa ra thảo luận trong buổi tọa đàm, với dẫn chứng về ngành điện cũng như băng thông sóng điện thoại tại Mỹ. Ngành điện là ngành đóng vai trò quan trọng trong nền công nghiệp Mỹ, và để phục vụ tốt cho người dân, điện đã được bán đấu giá trong các cuộc đấu giá có tổ chức. Tuy nhiên, các cuộc đấu giá về điện không đơn giản, ở đó có hỗn hợp nhiều sự lựa chọn. Đấu giá là cốt lõi của nền kinh tế Mỹ mà ở đó, hàng hóa công sẽ được đưa ra đấu giá nhằm để mọi người quyết định mức giá phù hợp.
Giáo sư Tilman cũng đề cập đến lý thuyết đấu giá Hà Lan hay còn gọi là quyền chọn giảm dần, đây là phương pháp đấu giá khi có đồng thời nhiều mặt hàng cùng lúc hoặc tuần tự… Cách thức đấu giá là đề ra mức giá và giảm dần xuống cho đến khi có người chấp nhận mua ở mức giá mới. Milgrom và Wilson đã thành công trong việc nghiên cứu các quy tắc quyền chọn và ứng dụng các quyền chọn như thế nào để phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả.
Theo ngôn ngữ lý thuyết kinh tế hiện đại, đấu giá là trò chơi chiến lược. Milgrom và cộng sự một mặt đã xây dựng nên lý thuyết trò chơi và mặt khác đã xây dựng lý thuyết thiết kế cơ chế (Mechanism Design Theory). Cả hai công trình này đều được áp dụng trong đấu giá. Giáo sư Tilman lấy ví dụ trong trường hợp hệ thống giáo dục ở Đức, việc trả một mức phí cao để vào trường tốt nhất là không xứng. Vì thế, các cơ chế phân bổ nguồn lực phi tiền tệ trở thành chủ đề nghiên cứu trọng tâm. Thế nhưng, sau đó, lý thuyết trò chơi đã thay thế cho cơ chế này, và nhiều nhà nghiên cứu đã nhận thấy sự hữu ích của lý thuyết trò chơi, nhất là sự hữu ích của đấu giá trong việc giải quyết các bài toán kinh tế. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có thực nghiệm nào chỉ rõ cơ chế đấu giá nào tốt cho các nhà hoạch định chính sách. Ngoài ra, cần có phương pháp để đánh giá hiệu quả của các cuộc đấu giá trong thực tế. Không chỉ xét cơ chế đấu giá, mà còn cần tìm hiểu phương pháp để đánh giá cơ chế phân bổ nguồn lực trong nước một cách hiệu quả. Đây là các vấn đề có thể triển khai nghiên cứu thực nghiệm dành cho các nhà nghiên cứu trong tương lai.
Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm:
GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Tổng Biên tập JABES phát biểu chào mừng và tuyên bố lý do tổ chức Tọa đàm
Đông đảo nhà nghiên cứu - nhà khoa học trên thế giới tham dự trực tuyến
Chủ trì tọa đàm cùng lắng nghe bài trình bày thú vị của Giáo sư Tilman Börgers
Thông tin thêm
Tất cả các thông tin mới liên quan đến chuỗi tọa đàm của Hội nghị chuyên đề “Kinh tế và Kinh doanh: Hội nghị về sự bất ổn toàn cầu” (Economics and Business: Agendas for the Uncertain World) sẽ được cập nhật liên tục trên:
- JABES Facebook: https://www.facebook.com/jabes.ueh.edu.vn
- JABES Website: http://www.jabes.ueh.edu.vn/
- JABES Email: jabes@ueh.edu.vn
- JABES Youtube: http://shorturl.at/jnoOR
Tin, ảnh: JABES, Phòng Marketing-Truyền thông
Chia sẻ