Tọa đàm Khoa Luật: Bảo vệ thông tin cá nhân trong thời kỳ chuyển đổi số dưới góc nhìn pháp luật

19 tháng 04 năm 2021

Không ít người dùng cho rằng tự do mạng xã hội là vô hạn và chưa thấy rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi tham gia mạng xã hội. Những thiệt hại từ tự do ngôn luận trên mạng xã hội hiện nay không còn nhỏ như hạt bụi bám trên bàn phím, mà đã trở nên nổi trội và gây ra nhiều tác động đến tâm lý của người dùng.

Có thể thấy, hiện nay, tình trạng thông tin cá nhân của người dùng bị tiết lộ, đánh cắp hay rò rỉ diễn ra vô cùng công khai và phổ biến. Bằng một thủ thuật tìm kiếm đơn giản có thể tìm ra được thông tin về giới tính, ngày sinh, số chứng minh nhân dân, hình ảnh hay nơi làm việc của bất kỳ ai trên internet. Với mỗi giao dịch trên các trang thương mại điện tử, người dùng cũng tiết lộ cho chủ sở hữu trang web thông tin cá nhân, hay với mỗi lần nhấn nút like, share, comment trên các trang mạng xã hội, chính chúng ta đã tiết lộ xu hướng hay sở thích của bản thân. Các ‘đại gia công nghệ’ (‘tech giants’) với một hạ tầng dữ liệu dồi dào, những siêu máy tính mạnh mẽ và các thuật toán thông minh đã luôn theo dấu chúng ta. Hay nói như trong phim The Social Dilemma thì: “Mọi thứ mà chúng ta đang thao tác trên các trang mạng trực tuyến đều đang được theo dõi. Mọi hành động bạn thực hiện đều được quan sát và ghi lại cẩn thận”. Hay như GS. Marion Fourcade cho biết, với một loạt cookies được nhúng vào các trang web và công nghệ trí tuệ nhân tạo, cùng với việc chúng ta nhấn vào ô đồng ý với điều khoản và điều kiện trên các trang mạng xã hội, chính là chúng ta đã ‘giao kết hợp đồng với quỷ dữ’.

Pháp luật trên thế giới đã chuẩn bị cho những tình huống này như thế nào? Ở Châu Âu, các nhà lập pháp đã soạn thảo nên Quy định Chung về Bảo vệ Dữ liệu (General Data Protection Regulation -  GDPR) với nhiều nguyên tắc vô cùng quan trọng. Quy định áp dụng cho mọi công ty xử lý dữ liệu cá nhân của bất kỳ ai đang sinh sống trong khu vực Liên minh Châu Âu, bất kể vị trí của công ty. Trong đó, nguyên tắc đồng thuận được ghi nhận. Theo đó, bất kỳ thông tin cá nhân nào được khai thác từ người dùng và quá trình xử lý thông tin của họ phải được họ phải được thông báo và nhận được sự đồng thuận. Lấy ví dụ, một ô được đánh dấu sẵn: “Tôi đồng ý” không thể hiện nguyên tắc trên. Bên cạnh đó, các hệ thống lưu trữ thông tin và các trang mạng phải được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo quyền riêng tư lên hàng đầu, gắn nó với thiết kế của các nền tảng và thiết lập nó như những mặc định (privacy by designprivacy by default). Với những điểm tiến bộ như vậy, các quy định của GDPR đã được cấy ghép vào pháp luật của các quốc gia khác như Hàn Quốc, Brazil, v.v.

Tại Việt Nam, chúng ta đã từng bước ghi nhận và tăng cường các quy định về quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian số. Với một loạt các quy phạm pháp luật trong Bộ luật Dân sự, Luật An toàn thông tin mạng, và gần đây nhất là Dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân đang được soạn thảo và sắp được bạn hành, các quy định của pháp luật Việt Nam đã tiệm cận với thế giới trong lĩnh vực này. Một số điểm đáng lưu ý trong dự thảo này có thể kể đến như: đưa ra phân loại dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm, thiết lập các nguyên tắc trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân, giới hạn các trường hợp xử lý dữ liệu cá nhân không cần có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, hay quy định cụ thể mức xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm quy định về xử lý dữ liệu cá nhân.

Trong bối cảnh đó, ngày 16/4/2021 vừa qua, tại Hội trường A.103, Khoa Luật - UEH đã tổ chức Tọa đàm cho sinh viên UEH với chủ đề “Bạn có thật sự an toàn? - Bảo mật thông tin cá nhân trong thời kỳ chuyển đổi số” với mục đích chia sẻ về cách bảo vệ thông tin cá nhân dưới góc nhìn pháp luật và cách ứng xử để giữ an toàn cho bản thân trên môi trường internet.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của Quý Thầy Cô là Giảng viên Khoa Luật - UEH: Thầy Lê Hưng Long, Thầy Mai Nguyễn Dũng, Cô Lê Thùy Khanh, Thầy Huỳnh Thiên Tứ và Cô Nguyễn Ngọc Trâm Anh cùng đông đảo các bạn sinh viên.

Toàn cảnh Tọa đàm

Buổi tọa đàm tập trung xoay quanh các vấn đề trọng tâm liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân trong thời kỳ chuyển đổi số, xoay quanh: Tính bảo mật thông tin người dùng khi sử dụng các mạng xã hội; xung đột giữa quyền riêng tư cá nhân với quyền tự do biểu đạt trong không gian số; quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân trong không gian số và thực trạng mua bán thông tin cá nhân bất hợp pháp.

Thầy Mai Nguyễn Dũng đã đưa ra góc nhìn đa chiều tính tích cực và tiêu cực của việc bảo mật, cũng như các giải pháp quản trị rủi ro trong tình huống bị đánh cắp thông tin cá nhân. Cô Lê Thùy Khanh đã giúp các bạn sinh viên phần nào hiểu rõ hơn về cái nhìn của tự do ngôn luận trong mạng xã hội và tự rút ra được bài học cho mình nên làm gì và làm như thế nào trước những xung đột trên mạng xã hội.

Các thầy cô cùng thảo luận với các bạn sinh viên tại phần trao đổi bàn tròn

Các diễn giả và các bạn sinh viên đã có phần trao đổi thảo luận sôi nổi và hào hứng. Nhiều câu hỏi từ phía các bạn sinh viên tham gia chương trình được mổ xẻ và phân tích dưới góc nhìn pháp luật từ Quý Thầy cô - Khoa Luật, đồng thời, các vấn đề xã hội nổi cộm như an ninh mạng, quản lý căn cước công dân gắn chip, văn hóa ném đá, bôi nhọ trên mạng xã hội,… cũng được đem ra trao đổi nhằm rút ra cách ứng xử cần có của thế hệ trẻ trong môi trường số.

Buổi tọa đàm kết thúc trong không khí phấn khởi đã mang đến cho các bạn sinh viên rất nhiều thông tin bổ ích và thiết thực để bảo vệ an toàn cho bản thân trong thời kỳ công nghệ số và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ.

Tin, ảnh: Khoa Luật, Phòng Marketing - Truyền thông.

Chia sẻ