Tọa đàm “Thách thức trong lĩnh vực Hải quan - Ngoại thương thời kỳ hậu Covid”
18 tháng 04 năm 2022
Ngày 31/03/022, Khoa Tài chính công, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH (CELG) đã tổ chức Tọa đàm “Thách thức trong lĩnh vực Hải quan - Ngoại thương thời kỳ hậu Covid” để chia sẻ và cập nhật khuynh hướng phát triển lĩnh vực Hải quan - Ngoại thương giai đoạn 2022 - 2025. Tọa đàm có sự tham gia của đại diện các cơ quan Hải quan, các doanh nghiệp trong lĩnh vực Logistics, giảng viên và sinh viên của khoa Tài chính công và trường CELG.
Thích ứng với điều kiện “bình thường mới”, Khoa Tài chính công đã tổ chức buổi Tọa đàm “Thách thức trong lĩnh vực Hải quan - Ngoại thương thời kỳ hậu Covid” theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến (Hybrid). Tọa đàm xoay quanh bàn luận một số vấn đề gồm:
- Chuyển đổi số trong ngành Hải quan Việt Nam;
- Thách thức trong lĩnh vực Hải quan và Ngoại thương thời kỳ hậu Covid-19;
- Cấu trúc thương mại song phương Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính thế giới 2008.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thắng - Khoa Tài chính công phát biểu khai mạc Tọa đàm
TS. Phạm Thái Bình - Giám đốc chương trình Quản trị - Hài quan - Ngoại thương giới thiệu nội dung buổi tọa đàm
Mở đầu buổi toạ đàm, ông Cao Ngọc Tâm - Trưởng phòng Thuế Xuất nhập khẩu Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai đã giới thiệu những nét chính trong công cuộc chuyển đổi số ngành Hải quan từ những năm đầu thập niên 2000 cho đến nay trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Trải qua gần 20 năm phát triển và liên tục đổi mới, Hải quan Việt Nam dự kiến triển khai hệ thống quản lý hải quan thông minh đáp ứng những tiêu chuẩn hiện đại nhất của Hải quan thế giới nhằm mang đến lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam như: tăng cường minh bạch, giảm chi phí thực hiện thông quan, giảm thiểu rủi ro vi phạm các qui định pháp luật trong nước và quốc tế, phân tích hiệu quả thông tin tình báo hải quan,…
Chuyển đối số trong ngành hải quan đi liền với ứng dụng công nghệ khối chuỗi (blockchain), dữ liệu lớn (Big data) và trí tuệ nhân tạo (AI), ông Tâm nhấn mạnh. Minh chứng cho thấy, hệ thống quản lý hải quan thông minh hướng đến nhận dạng và tự động hoá các nghiệp vụ trọng yếu của hải quan trên cơ sở hệ thống hài hoà phân loại và mã hoá hàng hoá (HS) như: Xác định các lô hàng trọng điểm; Phân luồng kiểm tra hải quan; Xác định lô hàng cần kiểm tra mã HS, giá, xuất xứ, sở hữu trí tuệ; Kiểm tra nghĩa vụ thuế; Phân tích hình ảnh máy soi;…
Ông Cao Ngọc Tâm - Trưởng phòng thuế Xuất nhập khẩu, Cục hải quan Đồng Nai
Những thông tin rất hữu ích đến từ đại diện Hải quan tỉnh Đồng Nai đã khơi gợi những vấn đề trao đổi đến từ đại biểu khách mời. Ông Nguyễn Thanh Long - Phó chi cục trưởng Cục Hải quan cửa khẩu Sài Gòn Khu vực 1 cũng đã chia sẻ thêm quá trình phát triển và kinh nghiệm triển khai hải quan điện tử của Hải quan TP.HCM trong hai thập niên. Tổng kết chuỗi vấn đề, nhận định chung đến từ các đại biểu và Giảng viên Khoa Tài chính công là “Mô hình quản lý hải quan thông minh rất phù hợp với xu thế chuyển đổi số tầm nhìn 2030 của Chính phủ hiện nay”.
Buổi toạ đàm đã trở nên “nóng” hơn khi nhóm sinh viên đạt giải Nghiên cứu khoa học (Quang Hiếu, Ngân Khánh, Nhật Hạ, Tường Vy và Huyền Trang) trình bày những thay đổi về cấu trúc thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản. Phân tích dựa trên so sánh 3 chỉ số ngoại thương (Lợi thế so sánh, Thương mại nội ngành và Mức độ đóng góp vào cán cân tổng thể). Kết quả nghiên cứu cho thấy, Việt Nam đã khai thác tốt các lợi thế sẵn có về nông nghiệp và hàng hoá gia công khi xuất khẩu sang Nhật Bản, đạt được sự đa dạng hoá và duy trì tốt vị thế thặng dư kể từ khi ký kết hiệp định thương mại tự do giữa 2 nước (VJEPA). Những khuyến nghị chính sách được nhóm nghiên cứu gợi ý như: xây dựng chính sách thu hút FDI lĩnh vực công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ để từng bước nâng cao tỉ lệ nội địa hoá và năng lực cạnh tranh.
Nhóm sinh viên đạt giải NCKH trình bày
Trong khuôn khổ tọa đàm, Ths. Vũ Thị Tâm - Phó Ban chăm sóc khách hàng, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã đưa ra phân tích sâu hơn về những kinh nghiệm ứng phó với các biện pháp phòng dịch ngành logistics trên phạm vi toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng trong hai năm qua (2020 - 2021). Trong đó, vấn đề tắc nghẽn trong việc luân chuyển container rỗng khiến cho cước phí hàng hải tăng cao từ 2000 USD/cont 40’ (2019) đến hơn 20.000 USD/cont 40’ (2022) được thảo luận sôi nổi. Bên cạnh đó, những thách thức thời kỳ hậu Covid-19 cũng được “mổ xẻ”, chẳng hạn như chính sách Zero-covid của Trung Quốc, chiến sự giữa Nga và Ukraine, và các sự cố hàng hải khác.
ThS. Vũ Thị Tâm - Phó Ban chăm sóc khách hàng, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn
Ứng phó với những thách thức phi truyền thống và bất đối xứng thông tin trong vận hành cảng biển là nội dung được Thạc sĩ Tâm nhấn mạnh. Theo đó, Tân cảng Sài Gòn đã triển khai song song các chiến lược ngắn hạn và dài hạn nhằm đảm bảo vận hành cảng thông suốt tuyệt đối mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho nhà nước và doanh nghiệp. Đặc biệt, Tổng công ty đã số hoá quy trình giao nhận, kết nối hệ thống cảng Long Bình - Nhơn Trạch - ĐBSCL - Cái Mép, tăng cường năng lực giao nhận trực tiếp và tiếp nhận tàu siêu trọng, hợp tác chặt chẽ với các cảng khu vực TP.HCM,…
Buổi toạ đàm kết thúc với những câu hỏi của sinh viên chuyên ngành Quản trị Hải quan - Ngoại thương và sự giải đáp đến từ các diễn giả xoay quanh vấn đề về cơ hội việc làm cho sinh viên chuyên ngành Hải quan - Ngoại thương, nhu cầu phát triển nhân lực trong ngành logistics và hải quan...
Sinh viên đặt câu hỏi cho diễn giả
Tọa đàm “Thách thức trong lĩnh vực Hải quan - Ngoại thương thời kỳ hậu Covid” diễn ra thành công tốt đẹp chính nhờ sự góp mặt, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong quản lý, nghiên cứu và thực tiễn thuộc lĩnh vực Hải quan - Ngoại thương của các chuyên gia; từ đó sinh viên Khoa Tài chính công được cập nhật thực tiễn chính sách và phát triển đổi mới trong lĩnh vực Hải quan - Ngoại thương, tìm thấy được các cơ hội nghề nghiệp và nghiên cứu khoa học.
Lãnh đạo Khoa Tài chính công phát biểu bế mạc tọa đàm thông qua hình thức trực tuyến
Chụp hình lưu niệm tọa đàm
Thực hiện lộ trình trở thành Đại học đa ngành và bền vững, các đơn vị và tập thể UEH đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, gia tăng các hội thảo khoa học, tập trung nghiên cứu khoa học, kết nối cộng đồng để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao có năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động toàn cầu và đóng góp những tri thức khoa học quý giá cho sự phát triển bền vững của xã hội.
Một số hình ảnh khác tại buổi tọa đàm:
Tin, ảnh: Khoa Tài chính công (CELG), Phòng Marketing - Truyền thông
Chia sẻ