Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA Partnership) ra mắt và hội thảo về chủ đề “Biến đổi khí hậu và kinh tế học hành vi: cú hích khả năng phục hồi đối với biến đổi khí hậu”
17 tháng 08 năm 2016
- Hội thảo: “Chính sách thích ứng biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long” được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM – Phân hiệu Vĩnh Long
- Hội thảo khoa học quốc tế “Lộ trình hướng đến trung hòa Carbon ở châu Á”
- Xây dựng nền kinh tế Đông Nam Á xanh hơn, sạch hơn và phát triển toàn diện: Vai trò của Kinh tế Môi trường và các hướng tiếp cận xuyên ngành.
Vào sáng ngày 16/8/2016, Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA Partnership) thuộc Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã có buổi ra mắt và hội thảo về chủ đề “Biến đổi khí hậu và kinh tế học hành vi: cú hích khả năng phục hồi đối với biến đổi khí hậu”
Đến tham dự có TS. Herminia Francisco - Giám đốc Chương trình Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA Program); TS. Đỗ Nam Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài Nguyên và Môi trường; TS. Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách, Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện Viện Kinh tế Môi trường các nước khu vực Đông Nam Á, các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu. Đại diện UEH có GS. Nguyễn Đông Phong – Hiệu trưởng, cùng các thầy cô trong Ban Giám hiệu, các khoa, phòng ban… cùng các anh chị nghiên cứu sinh và học viên cao học của trường.
Khai mạc, Hiệu trưởng GS.TS. Nguyễn Đông Phong nhấn mạnh rằng vấn đề về môi trường không phải chỉ đơn thuần ảnh hưởng đến một cá nhân, một địa phương hay một quốc gia nào đó, mà là vấn đề chung của toàn cầu, Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng trong kết hợp các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cùng nhau nghiên cứu tìm ra các kết quả, các giải pháp để đối phó, thích nghi với các vấn đề liên quan đến môi trường, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất nhiều đến các nước Đông Nam Á.
Sau phần phát biểu của GS.TS. Nguyễn Đông Phong, TS. Hermina Francisco đã trình bày về lịch sử ra đời, phát triển và chuyển tiếp của Chương trình Kinh tế Môi trường Đông Nam Á và Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á. Chương trình Kinh tế và Môi trường Đông Nam Á được thành lập vào tháng 5 năm 1993 bởi Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế (IDRC) cùng với nguồn tài trợ từ Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada (CIDA). Tháng 11 năm 2012, chương trình được chuyển giao cho WorldFish, thành viên hội đồng Nhóm Tư vấn Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế (CGIAR). Trong suốt 23 năm vận hành, chương trình EEPSEA đã hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế tài nguyên và môi trường với mục tiêu là tăng cường năng lực tại chỗ cho các phân tích kinh tế liên quan đến các vấn đề về môi trường, để từ đó các nhà nghiên cứu có thể đưa ra các tư vấn hợp lý cho các nhà hoạch định chính sách.
Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA Partnership) được phát triển chuyển tiếp từ Chương trình Kinh tế và Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA). Thành lập vào tháng 4 năm 2015, Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á tiếp nối truyền thống đó của EEPSEA và hoạt động như là một nền tảng trong khu vực ASEAN trong việc triển khai các nghiên cứu liên đa ngành để giải quyết các thách thức về môi trường toàn cầu. Viện đã phát triển thành một hệ thống gồm các tổ chức kinh tế và môi trường ở nhiều nước khác nhau trong khu vực, cùng nhau thực hiện các nghiên cứu liên đa ngành để xác định các giá trị của môi trường cũng như tổ chức các khóa đào tạo sử dụng công cụ và kỹ thuật kinh tế trong phân tích các vấn đề liên quan đến môi trường.
Bằng cách kết nối các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế môi trường, Viện chào đón các mối quan hệ đối tác với chính quyền các địa phương, các cơ quan quốc gia và tổ chức quốc tế cùng cam kết triển khai các nghiên cứu tạo ra sự khác biệt trong cách quản lý tài nguyên thiên nhiên. TS. Phạm Khánh Nam - Viện trưởng Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á cho biết, viện mở rộng các hoạt động của EEPSEA, sử dụng cách tiếp cận liên đa ngành để cung cấp các kết quả nghiên cứu thông qua các công bố quốc tế, để từ đó có thể gợi mở chính sách về biến đổi khí hậu, năng lượng và tài nguyên nước, các vấn đề liên quan đến đô thị như sức khỏe và ô nhiễm, các vấn đề liên quan đa dạng sinh học và cảnh quan biển, và suy thoái chất lượng đất. Viện cũng tổ chức các khóa huấn luyện sử dụng các công cụ và kỹ thuật kinh tế môi trường và tài nguyên thiên nhiên khác nhau, cũng như tài trợ đối với các nhà nghiên cứu trẻ trong việc thực hiện khảo sát thực địa để làm luận văn thạc sĩ và tiến sĩ. Để từ đó, họ sẽ tiếp tục vai trò như của EEPSEA trong việc phân tích các vấn đề về môi trường ở góc độ kinh tế nhằm đưa ra các tư vấn hợp lý cho các nhà hoạch định và ra quyết định chính sách về môi trường.
Sau phần lễ ra mắt Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á là phần hội thảo với bài trình bày của TS. Phạm Khánh Nam về khung phân tích tiếp cận kinh tế học hành vi trong các nghiên cứu liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu, cũng như tổng quan về các nghiên cứu trong khu vực có liên quan. TS. Rawadee Jarungrattanapong đến từ Sukhothai Thammathirat Open University, Thái Lan cũng đã có bài chia sẻ về những thí nghiệm nghiên cứu xem điều gì đã ảnh hưởng đến quyết định làm việc tập thể cùng nhau bảo tồn khu vực miền duyên hải ở Thái Lan. ThS. Phùng Thanh Bình – Giảng viên Khoa Kinh tế UEH cũng đã có bài chia sẻ nghiên cứu về vấn đề bảo hiểm ngập lụt đối với nông dân ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và những gợi ý chính sách nhằm giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra.
Các thông tin liên quan đến Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á, vui lòng truy cập website www.eepseapartners.org
Một số hình ảnh tại sự kiện:
Tin ảnh: Phòng CTCT và Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á
Chia sẻ