Tọa đàm Đề án Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa TP.HCM và các tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tại UEH

21 tháng 09 năm 2020

Sáng ngày 20/9/2020, Sở Công Thương TP. HCM và Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã tổ chức Tọa đàm Đề án xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa TP.HCM và các tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đây là tọa đàm nhằm trao đổi, lấy ý kiến lãnh đạo thành phố, các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, công thương, an toàn thực phẩm và pháp luật về định hướng thống nhất xác lập các điều kiện an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn kỹ thuật trong thu mua, tiêu thụ hàng hóa nông sản thực phẩm cho Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đó, tạo lập cơ sở pháp lý và sự đồng thuận cho định hướng xây dựng các giải pháp khả thi cho Đề án.

Tham dự tọa đàm, có GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng UEH, Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cùng lãnh đạo các cơ quan: Văn phòng UBND TP.HCM, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tư pháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và lãnh đạo, viên chức trực thuộc UEH.

GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng UEH cho rằng, mục tiêu của Đề án là làm sao nâng cấp chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, cũng như hạn chế hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm trên thị trường.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe phần trình bày của Ban Chủ nhiệm đề án về Hiện trạng sản xuất và tiêu thụ thực phẩm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Sự cần thiết phải có điều kiện tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng an toàn thực phẩm. Các đại biểu đã tiến hành thảo luận xoay quanh 02 câu hỏi: (1) Tính khả thi của TP.HCM khi thống nhất áp dụng các tiêu chí nông sản thực phẩm được sản xuất - chế biến - thương mại: “đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm, có thương hiệu, có bao bì đóng gói” cho các doanh nghiệp bán lẻ, hệ thống phân phối hiện đại, và 03 chợ đầu mối hay không? Cơ sở pháp lý khi áp dụng các tiêu chí này? (2) Tính khả thi TP.HCM khi thống nhất áp dụng các tiêu chí nông sản thực phẩm được sản xuất - chế biến - thương mại: “có VietGAP, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm, có thương hiệu, có bao bì đóng gói” cho các doanh nghiệp bán lẻ, hệ thống phân phối hiện đại, và 3 chợ đầu mối hay không? Cơ sở pháp lý khi áp dụng các tiêu chí này?

Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết: Những ý kiến thảo luận tại tọa đàm là cơ sở pháp lý góp phần định hướng những giải pháp khả thi cho đề án "Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) giữa TP HCM và các tỉnh, thành Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam" mà lãnh đạo TP. HCM đã giao

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh tọa đàm

Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM phát biểu

PGS.TS. Trần Tiến Khai - Ban Chủ nhiệm đề án trình bày báo cáo hiện trạng sản xuất và tiêu thụ thực phẩm vùng kinh tế trọng điểm phía nam: Sự cần thiết phải có điều kiện tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng an toàn thực phẩm

Các chuyên gia và lãnh đạo các đơn vị trình bày ý kiến tham luận

GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng UEH phát biểu tổng kết tọa đàm

Tin, ảnh: Phòng Marketing - Truyền thông, Ban chủ nhiệm đề án.

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ