CHƯƠNG TRÌNH SONG NGÀNH: Quản lý Công và Luật - Xu hướng mới cho các nhà quản lý

26 tháng 07 năm 2021

Những thay đổi nhanh chóng trong môi trường kinh tế - xã hội dẫn đến sự thay đổi nhu cầu từ phía nhà tuyển dụng về kiến thức, kỹ năng, tinh thần và thái độ của người học theo hướng tích hợp kiến thức đa ngành, đa lĩnh vực. Do đó, để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, việc đào tạo và học tập đa ngành, đa lĩnh vực đã trở thành xu hướng đang được phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Vì sao cần kết hợp giữa kiến thức của ngành Quản lý công và ngành Luật? 

Trong bối cảnh cấu trúc xã hội có nhiều thay đổi bởi yếu tố công nghệ, xu hướng hợp tác giữa các bên liên quan, mô hình quản lý mới cùng những thay đổi đến từ môi trường sống đòi hỏi người làm việc trong các tổ chức, nhất là các tổ chức công, cần có khả năng thích nghi cao và tự chịu trách nhiệm với kết quả công việc. Thực tế hiện nay cho thấy các tổ chức thường đưa ra yêu cầu tuyển dụng những cá nhân thấu hiểu được sự vận hành của cơ chế quản lý Nhà nước, các vấn đề liên quan đến chính sách cũng như am hiểu về các quy định, luật pháp chuyên ngành. Sự kết hợp các khối kiến thức trong chương trình song ngành Quản lý Công và Luật sẽ hướng đến mục tiêu trang bị cho sinh viên những kiến thức vững vàng để có thể theo đuổi và phát triển sự nghiệp tại các tổ chức công, tổ chức tư nhân, và tổ chức phi lợi nhuận.

Một số ưu điểm của chương trình song bằng

Chương trình song bằng sẽ mang lại cho người học một số ưu điểm như sau:

·      Kết thúc chương trình, sinh viên tốt nghiệp sẽ nhận được hai bằng cử nhân riêng biệt, bao gồm cử nhân Quản lý công và cử nhân Luật.

·      Thời gian học tập rút ngắn, chỉ kéo dài từ 4,5 năm đến 5 năm đối với chương trình chính quy tập trung.

·      Nội dung chương trình được thiết kế tối ưu cho việc học song ngành. Các môn học tự chọn và có tính giao thoa của hai ngành được tăng cường để sinh viên có thể vận dụng các kiến thức có tính hệ thống trong quá trình học tập, đồng thời đảm bảo đủ số tín chỉ bắt buộc của mỗi ngành đào tạo theo quy định. 

·      Thời khóa biểu được bố trí hợp lý, không xảy ra tình trạng học dồn, trùng lịch giữa các môn học

·      Sinh viên được giảm học phí các học phần thuộc ngành học thứ hai theo quy định của UEH.

Cử nhân Quản lý Công - Kiến tạo sự phát triển bền vững của xã hội

Cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn đến sự giao thoa về cách thức quản lý giữa khu vực công và khu vực tư nhân ngày càng rõ nét. Các tổ chức công trong thời đại công nghiệp 4.0 trở nên năng động, hướng đến đáp ứng nhu cầu của người dân hơn là dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ một cách thuần túy. Mặt khác, các tổ chức tư nhân ngày nay luôn muốn thấu hiểu được các chính sách của Nhà nước, các quy trình giải quyết thủ tục hành chính công để có thể tạo được lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Chương trình Cử nhân Quản lý Công được thiết kế dựa trên đúc kết kinh nghiệm hơn 20 năm từ chương trình hợp tác đào tạo và trao đổi học thuật giữa trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy School thuộc Đại học Harvard. Đến với chương trình cử nhân Quản lý Công, sinh viên sẽ được tiếp thu chương trình đào tạo tiên tiến, hội nhập với các chương trình đào tạo trên thế giới, tài liệu giảng dạy cập nhật, đội ngũ giảng viên nhiều kinh nghiệm và có nhiều mối quan hệ với các trường, các tổ chức quốc tế trong việc trao đổi học thuật, trao đổi giảng viên và sinh viên. Kết thúc chương trình, người học có khả năng nhận dạng và đưa ra những phân tích sâu sắc về các vấn đề quản lý công ở các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Ngoài ra, thông qua trải nghiệm các phương pháp giảng dạy hiện đại kết hợp với hoạt động thực tế tại các tổ chức công sẽ giúp người học rèn luyện tư duy phản biện, năng lực tự học suốt đời để đáp ứng với xu thế phát triển trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Cử nhân Luật - Kim chỉ nam cho hoạt động của tổ chức

Từ 20 năm trước đây, Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã bắt đầu đào tạo cử nhân Luật. Tập trung chính vào hai khu vực: pháp luật cho khu vực công và pháp luật cho doanh nghiệp. Chương trình Cử nhân Luật tại UEH được thiết kế giúp cho người học sau khi tốt nghiệp có một kiến thức pháp luật vững chắc trên nền tảng các kiến thức quản lý và tư duy kinh tế. Thông qua những kiến thức được học, sinh viên sẽ rèn luyện được kỹ năng luật sư, kỹ năng đàm phán, kiến thức pháp lý, và tư duy luật học. Đồng thời, sinh viên cũng sẽ thấu hiểu được mối quan hệ trong kinh tế thị trường và cách mà pháp luật được áp dụng vào khu vực công lẫn khu vực tư nhân. Người tốt nghiệp hoàn toàn đủ năng lực để tham gia vào thị trường nghề nghiệp pháp lý.

Sự kết hợp giữa Quản lý Công và Luật

Chương trình song ngành Quản lý Công và Luật đang là xu hướng lựa chọn của người học trên thế giới. Quản lý Công và Luật là hai ngành học có sự liên quan mật thiết, bổ sung qua lại lẫn nhau. Những nhà quản lý trong khu vực công với kiến thức về pháp luật sẽ tự tin hơn trong các vấn đề liên quan đến ra quyết định, hoạch định và thực thi các chính sách phát triển. Ở chiều hướng ngược lại, công tác trong lĩnh vực pháp luật với sự thấu hiểu các kiến thức về quản lý nhà nước và kinh tế sẽ hỗ trợ đắc lực cho các luật sư, công chứng viên, kiểm sát viên,... các khía cạnh về kinh tế - xã hội để vận dụng hiệu quả vào công việc của mình.

Sau khi tốt nghiệp chương trình Cử nhân Quản lý Công & Luật, sinh viên có thể tham gia công tác ở nhiều lĩnh vực:

·      Sinh viên có thể làm các công việc liên quan đến hoạch định và thực thi chính sách, quản trị điều hành, quản trị nhân sự, kế toán - tài chính, marketing và quan hệ công chúng trong các tổ chức thuộc cả khu vực công hoặc khu vực tư, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức phi chính phủ (NGOs), các tổ chức phi lợi nhuận (NPOs) và các doanh nghiệp.

·      Sinh viên cũng có thể tham gia công tác theo chuyên ngành Luật tại công ty luật, phòng pháp chế của doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước, tòa án, viện kiểm sát, văn phòng công chứng, văn phòng thừa phát lại, hoặc trung tâm đấu giá,...

Tin, Ảnh: Khoa Quản lý nhà nước, Khoa Luật, Phòng Đào tạo, Phòng Marketing - Truyền thông.

Chia sẻ