GEN Z: Hiểu mình - hiểu nghề, sống đúng đam mê - Chuyên ngành: Marketing

19 tháng 03 năm 2021

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, Marketing nói chung và Digital Marketing nói riêng ngày càng “lên ngôi” khi môi trường làm việc chuyên nghiệp, mức lương hấp dẫn, cơ hội việc làm rộng mở. Tất cả các doanh nghiệp đều đánh giá vai trò của hoạt động Marketing - Truyền thông là vô cùng quan trọng trong việc PR và quảng bá sản phẩm, thương hiệu. Theo dự báo của Trung tâm Nhân lực TP.HCM, riêng tại thành phố này, nhu cầu nhân lực ngành Marketing là 10.000 người/năm. Kết quả khảo sát thông số nhân lực trực tuyến Việt Nam cũng cho thấy, ngành marketing vẫn tiếp tục dẫn đầu trong 6 lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao nhất.

Tốt nghiệp Thạc sĩ Quản Trị Kinh Doanh và Marketing, nguyên Quản lý thương hiệu cấp cao của DongA Bank, Phó Tổng Giám Đốc HANET Electronics Vietnam, Giám đốc điều hành BrandLink Vietnam và hiện là Phó Tổng Giám Đốc DUDOFF Vietnam, Anh Võ Thế Tuấn đã chia sẻ quan điểm và dành nhiều lời khuyên bổ ích cho các bạn học sinh, sinh viên có nguyện vọng theo đuổi ngành học này.

Marketing là gì? Cơ hội nghề nghiệp cho ngành này có lớn không, thưa anh?

Ngành Marketing hiện đang phát triển rất mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam và là ngành nghề đáp ứng xu hướng thị trường tương lai. Khi rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam ngày càng chú trọng đến Marketing hơn thì các mảng, phạm vi hoạt động của ngành Marketing và cơ hội cho các bạn học và đi làm về ngành này là rất lớn. Nếu các bạn học về Marketing thì có thể làm việc ở rất nhiều mảng, ví dụ: làm về quản trị thương hiệu, Marketing sản phẩm, tổ chức sự kiện, nghiên cứu thị trường, truyền thông, quan hệ báo chí hoặc là làm về truyền thông nội bộ… Cơ hội việc làm trong ngành Marketing khá rộng, và tùy theo khả năng chuyên môn mà các bạn có thể chọn mảng cụ thể và chuyên sâu hơn để làm.

Ngoài ra, là người am hiểu tường tận về sản phẩm, dịch vụ và đầu mối kết nối quan trọng với tất cả các bộ phận trong công ty (kinh doanh, kế toán, mua hàng, nghiên cứu sản phẩm, sản xuất…), nhân sự làm trong ngành Marketing có thêm lợi thế là trang bị cho mình được nhiều kiến thức và kinh nghiệm ở các mảng khác, từ đó có nhiều cơ hội để thăng tiến lên các vị trí cao hơn, quan trọng hơn trong công ty, cao nhất có thể là CEO, điều mà khó tìm thấy ở nhiều ngành khác.

Anh có thể chia sẻ thêm về mảng Client và Agency trong Marketing?

Đối với các bạn học Marketing thì có 02 nhánh các bạn có thể chọn, làm cho agency hoặc là làm cho các doanh nghiệp (client). Agency thường đòi hỏi tính sáng tạo, năng động, chịu đựng được áp lực. Còn đối với client thì các bạn cần hiểu sâu hơn về ngành, về sản phẩm dịch vụ mà công ty đang hoạt động và người làm trong mảng client cần tư duy chiến lược để có thể xây dựng thương hiệu phát triển lâu dài.

Theo anh, đối với lĩnh vực Marketing, đi học với đi làm có giống nhau không?

Đi học và đi làm Marketing có điểm giống và khác nhau. Khi bạn học Marketing là bạn học những kiến thức rất tổng quát, học nhiều và đầy đủ về Marketing; trong quá trình học nếu bạn chịu khó nghiên cứu, tìm tòi và thực hành, các bạn có thể tham gia các Câu lạc bộ/Đội/Nhóm, làm cộng tác viên hay đi làm thêm. Chính những hoạt động đó giúp các bạn biết mình phù hợp với mảng nào của Marketing. Khi các bạn đi làm thì hơi khác một chút, các bạn sẽ hiểu rõ và sâu hơn hơn lĩnh vực, ngành nghề mà các bạn đeo đuổi tùy theo đặc thù của doanh nghiệp mà bạn làm. Đó là sự khác nhau giữa đi học và đi làm. Nếu lúc đi học, các bạn đã qua quá trình rèn luyện, các bạn đã hiểu được điểm mạnh của mình, thì việc đi làm không phải là vấn đề gì quá khó đối với các bạn học ngành Marketing này.

Anh có lời khuyên gì dành cho các bạn sắp theo đuổi ngành Marketing này?

Thực sự nếu các bạn yêu thích môi trường làm việc năng động, cởi mở, sáng tạo, hòa đồng và gắn kết tất cả mọi người thì các bạn đừng ngần ngại tham gia đăng ký ngành Marketing. Đây là cơ hội giúp các bạn phát triển và làm được nhiều mảng, nhiều lĩnh vực khác nhau khi ra trường.

Theo Hải Vy - Sinh viên ngành Marekting chia sẻ, ngay từ năm nhất sinh viên ngành Marketing tại UEH thường chạy nhiều dự án (project) nên việc biết cách quản lý thời gian là rất cần thiết. Hải Vy luôn năng nổ đăng ký tham gia và tổ chức nhiều hoạt động trong trường để luyện tập kỹ năng này. Đây cũng là cơ hội để bạn được trải nghiệm và có mối quan hệ rộng rãi với các thầy cô, anh chị đi trước. “Mình không chỉ cần sự thành công, mình muốn thành công nhưng phải kèm thêm cả sự thú vị!” Hải Vy chia sẻ.

Hải Vy (đứng thứ 5 từ trái sang) tại sự kiện TEDxNguyenTriPhuong - Dự án giả định của môn học Quan hệ công chúng do Vy cùng nhóm tổ chức

Với Hải Vy, điều khiến ngành Marketing UEH luôn nằm trong top ngành hot bởi vì khi tham gia học, sinh viên được học song song hai mảng client và agency. Ví dụ như được học các môn bên agency side như Creative Marketing, IMC, Digital Marketing, Research Marketing, PR… Và có những môn thiên về client side hơn như Branding, Marketing Management, B2B Marketing, Consumer Behavior, Pricing, ...

Tại UEH, sinh viên luôn được trau dồi kỹ năng và kiến thức bằng những hoạt động thực tế. Ngoài ra, Đoàn - Hội UEH tạo điều kiện cho sinh viên được chủ động trong tất cả chương trình tổ chức. Không chỉ vậy, tất cả những đề xuất đều được lắng nghe và tiếp nhận một cách rất cởi mở.

Hiện nay, ngành Marketing UEH xét tuyển 200 chỉ tiêu. Tổ hợp xét tuyển: A00, A01, D01, D07. Để biết thêm thông tin chi tiết về chương trình tuyển sinh, xem thêm tại: https://tuyensinhdaihoc.ueh.edu.vn/.

Tin, ảnh: Phòng Marketing - Truyền thông.

Chia sẻ