TUYỂN SINH ĐẠI HỌC 2021: Công nghệ và tư duy đổi mới sáng tạo định hình thị trường bán lẻ Việt Nam
15 tháng 04 năm 2021
Việt Nam được đánh giá trong là thị trường đứng thứ 5 trong top 10 thị trường bán lẻ đang tạo sức hút lớn nhất trên thế giới. Để tồn tại, phát triển và dẫn đầu thị trường này, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn, hầu hết các doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ hiện nay tập trung ứng dụng công nghệ để có giải pháp phát triển bền vững và mang lại hiệu quả cao về kinh tế. Chuyên ngành Quản trị Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và được Viện Đổi Mới Sáng Tạo - UII thiết kế với mục tiêu đào tạo sinh viên trở thành nhà quản trị/quản lý hiểu, biết và áp dụng công nghệ trong kinh doanh dựa trên sự đổi mới sáng tạo.
Tiềm năng phát triển ngành bán lẻ Việt Nam
Theo Báo cáo “Retail in Vietnam - An accelerated shift towards omnichannel retailing” của Deloitte hồi tháng 7 – 2020, ngành bán lẻ Việt Nam đã không ngừng phát triển trong nhiều năm qua. Riêng năm 2019 doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đã tăng 12.4% so với cùng kỳ. Số lượng và quy mô các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi, siêu thị và đại siêu thị tăng qua từng năm và sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Thegioididong … Báo cáo năm 2020 chỉ số phát triển ngành bán lẻ toàn cầu của A.T. Kearney cũng khẳng định Việt Nam được đánh giá trong là thị trường đứng thứ 5 trong top 10 thị trường bán lẻ đang tạo sức hút lớn nhất trên thế giới.
Năm 2020 dù nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều thách thức vì đại dịch nhưng theo Tổng Cục Thống kê thì giá trị thị trường bán lẻ tại Việt Nam vẫn phình ra thêm 11 tỷ đô la, đạt doanh số kỷ lục 172 tỷ đô la cho thấy sức hấp dẫn với các doanh nghiệp trong cuộc đua thị phần vẫn rất lớn.
Và theo thống kê của Bộ Công thương, trong tổng mức hơn 5 triệu tỷ đồng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt hơn 3,9 triệu tỷ đồng (chiếm 79% và tăng 6,8% so cùng kỳ năm trước). Điều này cho thấy ngành bán lẻ tại Việt Nam đầy tiềm năng phát triển.
Áp dụng công nghệ cùng tư duy đổi mới sáng tạo giúp các doanh nghiệp thắng thế trong ngành bán lẻ tại Việt Nam
Để tồn tại, phát triển và dẫn đầu thị trường bán lẻ top 5 thế giới này trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn, hầu hết các doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ hiện nay tập trung ứng dụng công nghệ để có giải pháp phát triển bền vững và mang lại hiệu quả cao về kinh tế.
Giới chuyên môn và đầu tư trong nước hiện đang hết sức quan tâm đến chiến lược đầy tham vọng của One Mount Group trong việc xây dựng hệ sinh thái số toàn diện cho người dân Việt Nam. Với sản phẩm VinShop, chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất tới cửa hàng tạp hóa được kết nối, và đích đến của dự án là thị trường hơn 9.000 chợ và 1,4 triệu tiệm tạp hóa truyền thống, có doanh thu lên tới 10 tỷ USD mỗi năm. Và giải pháp kết hợp VinShop cùng VinID có trước đó đã cho ra đời mô hình thương mại điện tử B2B2C đầu tiên tại Việt Nam, tạo điều kiện vô cùng thuận tiện cho cả hai đối tượng khách hàng mua sắm và chủ tiệm tạp hóa hay sạp chợ truyền thống. Một giải pháp công nghệ khác mà OneMount Group ứng dụng cho mảng kinh doanh bất động sản màu mỡ, chính là One Housing, mang đến trải nghiệm từ trực tuyến tới trực tiếp (O2O) trong giao dịch mua bán nhà ở toàn diện, mô hình one-stop-shop.
Các ứng dụng VinShop, VinID và OneHousing đều có tích hợp tính năng giải pháp tài chính đến từ đối tác TechcomBank. Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank chia sẻ: “Là ngân hàng đảm nhận vai trò dẫn dắt quá trình số hóa thị trường tài chính Việt Nam, Techcombank đã lựa chọn One Mount Group là đối tác chiến lược để cùng đồng hành xây dựng các giải pháp số ưu việt cho hành trình trải nghiệm khách hàng, tạo điều kiện cho mọi người dân Việt Nam được tận hưởng các dịch vụ tài chính số bảo mật, hiện đại, nhanh chóng và tiện ích nhất, với chi phí tối ưu nhất".
Các doanh nghiệp nội địa cũng có thể học hỏi giải pháp "Just Walk Out Technology" của Amazon với mô hình Amazon Go và Amazon Grocery Go. Điểm thú vị ở chỗ khách hàng có thể lựa chọn những thứ muốn mua và sau đó rời đi mà không cần phải thanh toán tại quầy như những siêu thị hay cửa hàng bán lẻ khác. Với hàng trăm camera giám sát tối tân tích hợp công nghệ nhận diện, toàn bộ hành vi mua sắm của khách hàng được ghi nhận và cập nhật trong giỏ hàng ảo, ngay cả cho những tình huống chọn rồi trả lại hàng rồi chọn lại cũng được hệ thống cập nhật chính xác. Tổng số tiền cần thanh toán sau đó sẽ được trừ vào tiền trên tài khoản Amazon của người dùng ngay khi họ bước ra khỏi cửa hàng. Giới chuyên gia cho rằng thành công của Amazon là họ có thể thu thập được một khối lượng dữ liệu khổng lồ và hiểu rõ hành vi mua sắm của người tiêu dùng nhờ áp dụng công nghệ AI tiên tiến.
Có thể nói, việc OneMount Group ứng dụng công nghệ một cách thông minh, linh hoạt, kết hợp giữa nền tảng công nghệ và giải pháp tài chính đã kết nối hiệu quả giữa người dân và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp, mang đến trải nghiệm cuộc sống số xuyên suốt cho người Việt. Hay giải pháp táo bạo ứng dụng công nghệ hiện đại AI để xây dựng thế giới mua sắm không tiền mặt, không xếp hàng thanh toán, chỉ đến chọn hàng và đi “Just Walk Out Technology” của Amazon không chỉ đáp ứng nhu cầu và còn dẫn dắt hành vi tiêu dùng trong kỉ nguyên số hiện nay.
Chuyên ngành Quản trị Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho thị trường
Bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp trong việc vận dụng sáng tạo giải pháp công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, thì các cơ sở giáo dục đào tạo cũng cần chú trọng xây dựng chương trình đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng thị trường bán lẻ với quy mô đầu tư được dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025 (gấp 1,6 lần năm 2020).
Để đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc xây dựng nguồn nhân lực này, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã thành lập Viện Đổi mới sáng tạo (UII) với sứ mệnh là trung tâm nghiên cứu, đào tạo về đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế và quản lý thông qua ứng dụng công nghệ.
Trong năm 2019-2020, UII đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc gia “Vai trò của các tổ chức trung gian trên thị trường Khoa học và công nghệ (KH&CN) tại Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”, Tọa đàm “Mô hình kinh tế mới, sản phẩm khoa học công nghệ mới của thị trường khoa học công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”, Hội thảo In4biz với chủ đề “Đổi mới sáng tạo trong ngành bán lẻ”, “Đổi mới sáng tạo cho sự tăng trưởng của Doanh nghiệp”. Bên cạnh đó, các khóa tập huấn về đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm công nghệ cũng được triển khai hiệu quả như Khoá đào tạo Quản trị đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp Việt Nam (CIM) được triển khai cùng với sự hợp tác của Chương trình quốc tế SEPT, Đại học Leipzig, Đức, Tư duy thiết kế (Giai đoạn 1- Chương trình đào tạo Innovator Pathway) dành cho 43 sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn TP.HCM (UEH, ĐH KHTN, ĐH KHXH&NV, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Bách Khoa, ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Luật), Lớp bồi dưỡng Ứng dụng tư duy thiết kế dành cho Giảng viên - CBVC UEH, lớp đào tạo về Kỹ năng thương mại hoá sản phẩm khoa học và công nghệ dành cho giảng viên các trường đại học và chuyên viên các đơn vị trực thuộc Sở KH&CN và đang thực hiện ươm tạo 37 dự án khởi nghiệp đa dạng các lĩnh vực về tài chính, công nghệ, sản xuất, thương mại điện tử, du lịch, tài chính, F&B, công nghệ thông tin, nông nghiệp, xã hội, nghệ thuật, giáo dục….
Từ kết quả nghiên cứu thực tiễn, những phản hồi tích cực của các bên liên quan khi tham gia các khóa đào tạo, các hoạt động khoa học do đơn vị tổ chức, và vận dụng nguồn lực nội tại sẵn có cũng như hợp tác với các đơn vị quốc tế uy tín, UII đã nhạy bén xây dựng chuyên ngành Quản trị Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và được Nhà trường cho phép tổ chức tuyển sinh, đào tạo kể từ năm học 2021-2022.
Với mục tiêu đào tạo sinh viên trở thành nhà quản trị/quản lý hiểu, biết và áp dụng công nghệ trong kinh doanh dựa trên sự đổi mới sáng tạo, chuyên ngành tập trung đào tạo người học một cách bài bản, được tiếp cận thực tế các công nghệ mới (AI, Blockchain, Big Data) đang được ứng dụng trong kinh doanh hiện nay cũng như phương pháp tư duy, các công cụ, kĩ năng về đổi mới sáng tạo để có thể thích nghi nhanh chóng trong công việc hay quản trị doanh nghiệp trong thời đại số. Có thể điểm qua một số môn học như Quản trị công nghệ, Chiến lược Marketing đổi mới sáng tạo, Quản trị đổi mới sáng tạo, Trí tuệ nhân tạo trong kinh doanh, Tư duy thiết kế trong kinh doanh, Chuyển đổi số trong kinh doanh, Đổi mới sáng tạo dịch vụ…
Bên cạnh đó, sinh viên được học tập với các chuyên gia đến từ các trường đại học hàng đầu thế giới, trải nghiệm các chương trình trao đổi sinh viên trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo; trở thành Thực tập sinh tại các tập đoàn Đa quốc gia và sớm được tiếp cận cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ là lợi thế khác biệt của người học khi theo học chương trình này.
Với năng lực công nghệ và kỹ năng tư duy đổi mới sáng tạo được đào tạo, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẵn sàng tham gia thị trường lao động ngành bán lẻ đang dần số hóa và ngày càng sôi động tại Việt Nam.
► Xem thêm tại www.tuyensinhdaihoc.ueh.edu.vn.
Tin, ảnh: Viện Đổi mới sáng tạo, Phòng Marketing - Truyền thông.
Chia sẻ