Bí kíp sử dụng AI để chinh phục nghiên cứu khoa học 

19 tháng 12 năm 2024

Làm thế nào để viết học thuật hiệu quả hơn mà vẫn tiết kiệm thời gian? Câu trả lời đã được giải đáp tại Công viên tiếng Anh – UEH English Zone trong buổi tọa đàm ngôn ngữ “Supercharge Your Research Writing: Leveraging AI for Maximum Productivity”. 

Đây là lần thứ hai cô Đào Xuân Phương Trang, giảng viên Khoa Anh, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đồng hành cùng UEH English Zone để mang đến cho sinh viên những kiến thức quý giá và công cụ hữu ích trong nghiên cứu học thuật. Không khí buổi tọa đàm ngay lập tức trở nên sôi động với trò chơi “AI-Switch”. Tiếng cười vang khắp không gian đã giúp các bạn phá tan khoảng cách ban đầu và sẵn sàng đón nhận kiến thức mới mẻ.

Với chủ đề thiết thực, buổi tọa đàm ngôn ngữ đã thu hút được đông đảo người học tham dự 

Cô Phương Trang đã dẫn dắt người tham dự đi qua hành trình thú vị về lịch sử phát triển AI, đồng thời so sánh khả năng giữa con người và trí tuệ nhân tạo qua các yếu tố như mức độ thông thạo (proficiency level), kết quả OECD, và những đột phá về trí thông minh nhân tạo. Song song đó, cô liệt kê các ứng dụng AI phổ biến, phân loại theo từng lĩnh vực và hỏi các bạn sinh viên: “Bạn đã từng nghe qua hoặc sử dụng bao nhiêu trong số các công cụ này?” Kết quả cho thấy, hầu hết các bạn đều quen thuộc với những cái tên như CapCut, Canva, ChatGPT, Duolingo, và cả Turnitin – minh chứng rằng AI đang ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong học tập và sáng tạo.

Đến với nội dung vận dụng AI vào nghiên cứu khoa học, cô đã đi sâu vào các nguyên tắc cốt lõi để viết một bài nghiên cứu chất lượng, bắt đầu từ việc làm rõ khái niệm “nghiên cứu” và các yếu tố quan trọng như:

Clarity and focus (Rõ ràng và tập trung): Mọi nghiên cứu cần phải có mục tiêu cụ thể và không lan man.

Relevance (Tính phù hợp): Kết quả nghiên cứu cần đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoặc bổ sung kiến thức cho lĩnh vực liên quan.

Không chỉ giải thích lý thuyết, cô còn cung cấp những câu lệnh - prompts giúp sinh viên lên ý tưởng, phát triển chủ đề và đặt ra câu hỏi nghiên cứu đúng trọng tâm. Những công cụ này không chỉ làm giảm áp lực mà còn giúp sinh viên khởi đầu bài viết một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.

Sinh viên tích cực chia sẻ những ứng dụng AI trong học tập

Một điểm nhấn quan trọng là phần hướng dẫn chi tiết về cấu trúc nghiên cứu, trong đó Tổng quan tình hình nghiên cứu - literature review được nhấn mạnh là “xương sống” của toàn bộ quá trình. Với từng bước cụ thể như thiết lập mục tiêu, tìm kiếm tài liệu, sàng lọc, đánh giá, tổng hợp và trích dẫn, các bạn sinh viên đã có được bản đồ dẫn đường để viết nên một bài nghiên cứu chất lượng.

Phần hấp dẫn nhất của buổi tọa đàm, cô đã giới thiệu loạt ứng dụng AI hỗ trợ nghiên cứu mà bất cứ ai cũng có thể sử dụng. Các bạn sinh viên đã trực tiếp thực hành, khám phá cách sử dụng các công cụ AI trong nghiên cứu ngay tại buổi tọa đàm. Không khí trở nên sôi động hơn khi mọi người chăm chú ghi chép và hăng hái thử nghiệm, các ứng dụng gồm:

Semantic Scholar: Công cụ tìm kiếm tài liệu nghiên cứu nhanh chóng và chuyên sâu.

Consensus: Tóm tắt các ý kiến khoa học đồng thuận trong thời gian ngắn.

Elicit: Gợi ý các câu hỏi nghiên cứu một cách sáng tạo và thông minh.

ChatPDF: Phân tích các tài liệu PDF dễ dàng và hiệu quả.

NotebookLM: Quản lý và ghi chú nội dung nghiên cứu tiện lợi.

Khép lại buổi tọa đàm, cô Phương Trang nhấn mạnh rằng dù AI mang lại những lợi ích to lớn, nhưng lạm dụng AI sẽ dẫn đến sự phụ thuộc và làm suy giảm khả năng phân tích cá nhân. Việc kết hợp hài hòa giữa trí tuệ con người và trí tuệ nhân tạo mới chính là chìa khóa giúp sinh viên chinh phục con đường học thuật.

Buổi tọa đàm đã khép lại trong không khí sôi nổi và đầy ắp cảm hứng từ sự tham gia nhiệt tình của các bạn sinh viên. Xuyên suốt chương trình, các bạn không chỉ học hỏi thêm nhiều kiến thức giá trị mà còn được trực tiếp trao đổi và tương tác với diễn giả. Những chia sẻ đầy tâm huyết của cô đã tạo nên một không gian thân thiện, dễ hiểu và đầy cảm hứng. Đây không chỉ là cơ hội để khám phá những công cụ AI tiên tiến mà còn giúp các bạn tự tin hơn trong việc áp dụng chúng vào thực tế. Buổi tọa đàm thực sự là một trải nghiệm ý nghĩa và gần gũi, mang lại những bài học quý giá để các bạn áp dụng trong hành trình học thuật và sự nghiệp tương lai của mình.

Nằm trong đề án Công viên tiếng Anh - UEH English Zone, Tọa đàm ngôn ngữ là hoạt động định kỳ được tổ chức hàng tháng với nhiều chủ đề thiết thực giúp người học và viên chức nâng cao khả năng học tập ngoại ngữ. Trong thời gian tới, UEH English Zone sẽ nhân rộng các hoạt động mới tại UEH Nguyễn Văn Linh, hứa hẹn mang đến cho người học và viên chức một không gian mới để luyện tập ngôn ngữ. Thông tin về chương trình tọa đàm ngôn ngữ và các hoạt động sắp tới sẽ được cập nhật thường xuyên trên trang Fanpage UEH English Zone. Ấn theo dõi và quan tâm để cập nhật thông tin và đăng ký tham gia các chương trình sắp tới nhé!

Tin, ảnh: Ban Chăm sóc người học

Chia sẻ