Các nỗ lực học thuật, đề xuất chính sách nhằm mục tiêu xóa đói giảm nghèo tại nhiều khu vực của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH)
14 tháng 07 năm 2023
Trong bối cảnh phát triển đô thị mạnh mẽ, vấn đề đói nghèo tại TP.HCM và trong khu vực trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều đóng góp trong câu chuyện giải quyết đói nghèo, phát triển kinh tế thông qua các hội thảo và nghiên cứu học thuật trong nước và quốc tế.
- Dự án Khởi nghiệp bền vững phát triển kinh tế - SEED 2023
- UEH thuộc top 301-400 Đại học đóng góp cho 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc - Dẫn đầu các đại học tại Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu THE Impact Rankings
- Đoàn CBVC UEH trao đổi kinh nghiệm với các trường đại học hàng đầu của Singapore
Các đóng góp cải thiện thực trạng đói nghèo tại khu vực TP.HCM
Nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia chia sẻ kiến thức về các vấn đề liên quan đến nghèo đói và hòa nhập đô thị tại TP.HCM, UEH phối hợp với World Bank (WB) và Công ty ESRI Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo học thuật: Đói nghèo và hội nhập đô thị tại TP. Hồ Chí Minh. Đặt các thực trạng về đói nghèo tại một đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh lên bàn tròn thảo luận, hội thảo đã tập trung đưa ra các góc nhìn về cuộc sống của người dân ở TP.HCM, đặc biệt là những rủi ro và thách thức từ góc độ hộ gia đình và khả năng sinh sống, thông qua phân tích hai loại cú sốc: lũ lụt và COVID-19. Qua đó, chương trình góp phần định hình các chính sách giải quyết đói nghèo và hành động trong tương lai nhằm tạo ra một môi trường đô thị bền vững và hòa nhập hơn ở TP.HCM.
Hội thảo học thuật: Đói nghèo và hội nhập đô thị tại TP. Hồ Chí Minh ngày 22/06/2023
Tham gia hoạch định chính sách phát triển kinh tế, giải quyết đói nghèo trong khu vực Đông Nam Bộ
Không dừng lại ở các chương trình nêu lên vấn đề về nghèo đói tại Hồ Chí Minh, UEH tổ chức Hội thảo quốc gia “Động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ: Tiềm năng và Thách thức” để cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách trao đổi thảo luận, chia sẻ kết quả nghiên cứu, đề xuất các khuyến nghị phát triển kinh tế bền vững, giải quyết đói nghèo cho khu vực Đông Nam Bộ. Chương trình được kỳ vọng sẽ đề xuất được những giải pháp chiến lược để phát triển Đông Nam Bộ liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Hội thảo quốc gia “Động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ: Tiềm năng và Thách thức” ngày 10/03/2023
Nhận định Đông Nam Bộ là một khu vực mang tính chiến lược cho kinh tế - xã hội quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, tuy nhiên vùng lại là địa bàn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Điều này đặt ra các khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách trong việc cải thiện chất lượng an sinh xã hội cho người dân, giải quyết các vấn đề đói nghèo thực tại và đẩy mạnh phát triển kinh tế. Thông qua Hội thảo, UEH cũng chính thức ra mắt Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng (Institute for Regional Development Research and Consulting, IRDRC), có vai trò trong việc giúp các địa phương tiếp cận những xu hướng mới trong việc thiết kế và vận hành chính sách, giải quyết các vấn đề xóa đói giảm nghèo cho địa phương và gia tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao hiệu suất công việc, phát triển bền vững.
Các nghiên cứu về đói nghèo từ Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh
Từ vai trò của một đại học trọng điểm quốc gia, UEH đầu tư mạnh mẽ vào hoạt động nghiên cứu có giá trị cao trong giải quyết tình trạng đói nghèo, đặc biệt tại Việt Nam. Nổi bật trong số đó phải kể đến công bố Can microcredit reduce vulnerability to poverty? Evidence from rural Vietnam từ các tác giả trực thuộc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh được xuất bản trong tạp chí Review of Development Economics, điều tra về chủ đề tín dụng vi mô ở nông thôn có thể làm giảm tính dễ bị tổn thương của hộ gia đình đối với nghèo đói hay không. Nghiên cứu đã thành công trong việc chỉ ra khả năng tiếp cận tín dụng vi mô của nông thôn Việt Nam làm giảm đáng kể tình trạng dễ bị đói nghèo. Những kết quả đáng tin cậy này đặc biệt có hiệu quả trong việc gợi ý các chính sách về tín dụng giúp xóa đói giảm nghèo tại khu vực nông thôn Việt Nam.
Một trong những cứu khác về giảm nghèo được đồng thực hiện bởi tác giả UEH trên góc độ toàn cầu là bài báo Modelling asymmetric structure in the finance-poverty nexus: empirical insights from an emerging market economy, được xuất bản trên Tạp chí Quality and Quantity. Kết quả của các phát hiện chứng minh cho cấu trúc bất đối xứng trong mối liên hệ tài chính - nghèo đói trong dài hạn, trong khi hiệu ứng bất đối xứng được tìm thấy là không tồn tại trong ngắn hạn. Nghiên cứu này là kết luận rằng phát triển khu vực tài chính là giải pháp toàn diện để thúc đẩy giảm nghèo ở Nigeria.
Từ các cuộc hội thảo và nghiên cứu, có thể thấy rằng việc giải quyết đói nghèo không chỉ là trách nhiệm của các nhà hoạch định chính sách mà còn cần sự chung tay từ cộng đồng và các tổ chức, đặc biệt là từ các trường đại học. Những giải pháp bền vững và khả thi sẽ tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của TP.HCM mà còn cho toàn khu vực Đông Nam Bộ và còn thế giới. Qua đó thể hiện vai trò của UEH đối với các vấn đề đói nghèo của cộng đồng và xã hội hướng tới phát triển bền vững.
Tin, ảnh: Phòng QLKH-HTQT, Phòng Marketing - Truyền thông UEH
Chia sẻ