Đừng để tiền rơi: Kỹ năng quản lý tài chính bạn cần biết

27 tháng 10 năm 2023

Cùng với niềm háo hức khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học, chắc hẳn các tân sinh viên sẽ không tránh khỏi những nỗi lo toan khi “chân ướt chân ráo” rời xa quê nhà để đến ở một thành phố hoàn toàn xa lạ. Trong đó, nỗi lo về tài chính có lẽ là lớn nhất. Hiểu được nỗi lo ấy, hôm nay Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA) sẽ cùng các tân sinh viên nói riêng và UEHers nói chung đi tìm nguyên nhân của nút thắt và thu thập các bí kíp giúp vượt qua “kiếp nạn thứ 82” này nhé!

(Nguồn: Unsplash)

Các tấm chiếu mới bị “cháy túi”

Việc chi tiêu quá tay trong thời gian đầu là điều khó tránh khỏi của nhiều sinh viên. Nguyên nhân đầu tiên và dễ thấy nhất chính là những khoản chi tiêu cho phòng trọ/ký túc xá và sắm sửa đồ đạc. Bên cạnh đó, cuộc sống mới của các bạn cũng bao gồm những mối quan hệ mới, việc đi liên hoan, ăn uống khiến cho ví của các sinh viên mỏng dần theo từng cuộc chơi.

Đối với một số bạn khác, những món ăn mới lạ của một thành phố đa văn hóa lại là “thủ phạm” khó nhằn. Điều này dễ khiến các bạn “vung tay quá trán” với các khoản chi tiêu không cần thiết. Vì vậy hãy luôn tiêu xài có kế hoạch để không khóc hu hu với tình trạng vừa tăng cân vừa rỗng ví bạn nhé.

Thành phố luôn tràn ngập những món ăn hấp dẫn (Nguồn: Internet)

Vậy quản lý tài chính cá nhân quan trọng như thế nào?

Chắc hẳn các tân sinh viên đã ít nhiều tìm hiểu về tiêu chuẩn đầu ra của UEH đúng không nào? Các chứng chỉ đầu ra như MOS, TOEIC cũng là một khoản chi tiêu đáng kể đấy nhé! Đây là những số tiền không nhỏ và cần sinh viên phải tích lũy để tiến hành đóng phí dự thi vào một ngày nào đó. Bên cạnh đó, đa số các bạn sinh viên đều có cho mình những dự định riêng ngoài tập trung học tập ở trường như học ngoại ngữ thứ hai, học các khóa kỹ năng mềm, thi lấy các chứng chỉ chuyên môn… Vì thế, quản lý thu nhập và chi tiêu của bản thân sẽ giúp sinh viên dễ dàng xây dựng các mục tiêu cá nhân cũng như chủ động trong tài chính.

Bên cạnh việc giữ cho hầu bao không bị cạn kiệt mỗi cuối tháng, việc học cách quản lý chi tiêu của bản thân cũng giúp duy trì một cuộc sống ổn định. Liệu bạn có thể chuyên tâm học hành khi cứ mãi đau đáu phải sống sao cho tới cuối tháng khi chỉ còn 50 nghìn? Hoặc thử tưởng tượng đột nhiên một ngày xe của bạn bị hỏng giữa mùa mưa, tiền ở đâu để bạn sửa xe và tiếp tục đi học nếu trước đó bạn đã tiêu gần hết số tiền mình có vào một cuộc chiến “săn sale” khốc liệt? Chính vì vậy, nâng cao kỹ năng quản lý tài chính cũng đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn.

Một cuộc sống ổn định yêu cầu bạn cần có kỹ năng quản lý tài chính cá nhân (Nguồn: Timo Hangout)

Kỹ năng quản lý tài chính không chỉ giúp ích cho các bạn khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, mà còn theo các bạn cho tới tương lai sau này. Đây là một thói quen tốt mà sinh viên nên rèn luyện từ sớm để xây dựng nền tảng cho một cuộc sống ổn định, hạnh phúc cũng như góp phần mở đường cho bạn tiến tới thành công.

Bạn sẽ hối hận nếu không rèn luyện kỹ năng quản lý tài chính từ bây giờ đấy! (Nguồn: Unsplash)

Kỹ năng quản lý tài chính cá nhân là một kỹ năng khó. Nhưng đừng lo nhé, DSA ở đây là để giúp bạn! Hãy nhanh nhanh khám phá các bí kíp bên dưới để không làm “bạn thân” với mì gói bạn nhé!

Phân bổ và lập kế hoạch chi tiêu

Bước đầu tiên các bạn cần làm khi quản lý tài chính đó là tổng hợp các nguồn thu nhập hàng tháng để dễ dàng kiểm soát dòng tiền thu chi. Từ đó, các bạn có thể cân bằng với các khoản chi tiêu của mình. Đối với chi tiêu cũng cần phải có kế hoạch cụ thể đấy nhé. Có những khoản chi chính như học phí, tiền thuê nhà, điện nước, xăng xe, ăn uống… và các khoản chi phụ như mua sắm, du lịch, liên hoan… Các bạn có thể tham khảo các mô hình giúp quản lý chi tiêu không bị “lố tay” như:

Nguyên tắc 6 lọ

Nguyên tắc này chia nguồn thu nhập của bạn thành 6 cái lọ với tỷ lệ phù hợp cho từng mục đích khác nhau:

Lọ Số 1: Chi Tiêu Cần Thiết (NEC) – 55%: Chiếm tỷ lệ lớn nhất trong thu nhập của bạn là các chi phí cho hoạt động sinh hoạt hằng ngày nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu như tiền thuê nhà, ăn uống…

Lọ Số 2: Tiết Kiệm Dài Hạn (LTS) – 10%: Bạn cần trích ra 10% thu nhập để đảm bảo cho tương lai của bạn với các mục tiêu như mua nhà, mua xe, kết hôn… Bạn có thể lựa chọn mở sổ gửi tiết kiệm nhằm tránh cho các khoản chi tiêu khác “lấn sân” sang lọ số 2 và bảo toàn số tiền này.

Lọ Số 3: Giáo Dục (EDU) – 10%: Đây là một khoản đầu tư cho bản thân bạn. Các bạn sẽ dùng lọ này để mua sách, tham gia vào các khóa học, thi chứng chỉ… để trau dồi kiến thức cho bản thân.

Lọ Số 4: Hưởng Thụ (PLAY) – 10%: Du lịch, mua sắm, gặp gỡ bạn bè… có lẽ sẽ giúp bạn nạp năng lượng để tiếp tục cố gắng đấy.

Lọ Số 5: Quỹ Tự Do Tài Chính (FFA) – 10%: Đây là khoản bạn dùng để đầu tư hay góp vốn kinh doanh nhằm gia tăng thu nhập của bản thân.

Lọ Số 6: Quỹ Từ Thiện (GIVE) – 5%: Bạn cũng có thể cống hiến cho xã hội bằng cách làm từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn…

Nguyên tắc 6 cái lọ (Nguồn: BSC)

Sử dụng các công cụ hỗ trợ quản lý tài chính

Ngày nay có rất nhiều công cụ có khả năng hỗ trợ chúng ta với kỹ năng khó nhằn này. Những ứng dụng trên điện thoại thông minh được trang bị đầy đủ các chức năng như lưu trữ, thống kê và báo cáo tài chính giúp theo dõi dòng tiền vào ra một cách dễ dàng. Tuy nhiên, đối với phương pháp này, bạn cần rèn luyện thói quen ghi chép. Tuân thủ và kiên nhẫn là những gì bạn cần phải làm để việc quản lý chi tiêu có hiệu quả.

Chi tiêu ít hơn thu nhập

Đây là nguyên tắc hàng đầu trong quản lý tài chính cá nhân. Bạn cần loại bỏ tối đa các khoản chi tiêu không cần thiết và sử dụng tiền một cách thông minh và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cá nhân. Đối với sinh viên, các bạn có thể giảm các khoản chi tiêu hằng ngày bằng cách tự nấu ăn. Ngoài ra, vị trí phòng trọ cũng ảnh hưởng khá nhiều đến các khoản chi tiêu của bạn. Nếu các bạn ở quá xa trường, các bạn sẽ phải chi nhiều hơn cho việc đi lại. Phòng trọ mà các bạn ở cũng cần phải đảm bảo được điều kiện về giá thuê, giá điện nước… hợp lý và không phát sinh thêm bất kỳ chi phí nào khác.

Tăng thu nhập

Bên cạnh cắt giảm chi tiêu, một bí kíp khác mà sinh viên có thể cân nhắc đó là gia tăng phần thu nhập bằng cách tìm việc làm thêm hoặc tham gia đầu tư tài chính. Những công việc phổ biến dành cho sinh viên đại học bao gồm gia sư, cộng tác viên viết bài, phục vụ quán cà phê/quán ăn/cửa hàng tiện lợi, shipper, dịch thuật, nhân viên bán hàng, người mẫu ảnh… Sinh viên cũng có thể tìm kiếm những công việc cung cấp cơ hội trau dồi các kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức liên quan đến chuyên ngành đang theo học, được “một công đôi việc”! Ngoài ra cũng có các kênh đầu tư tài chính cá nhân như gửi tiết kiệm, chứng khoán… để một sinh viên kinh tế tạo ra thu nhập từ chính tiền của các bạn đấy!

Sinh viên có thể đi làm thêm để gia tăng thu nhập (Nguồn: Unsplash)

Giảm thiểu nợ

Nếu lập kế hoạch chi tiêu là một bước tiên quyết, thì việc tuân thủ đúng theo kế hoạch đó cũng là một bước quan trọng không kém. Các bạn nên chi tiêu đúng mực và chỉ vay mượn khi thực sự cần thiết. Hãy nhớ rằng khoản tiền bạn vay được không phải là thu nhập mà là chi tiêu. Vì vậy hãy nhớ kiểm soát bản thân trước những cám dỗ bạn nhé! Hơn thế nữa, các bạn không nên sử dụng các dịch vụ thẻ tín dụng, vay tiêu dùng khi chưa tìm hiểu kỹ càng về chi phí, lãi suất… để tránh đi tới bước không thể trả được nợ nhé!

Hãy nhớ nợ là một khoản chi tiêu (Nguồn: Unsplash)

Kỹ năng quản lý tài chính luôn là một kỹ năng cần thiết và quan trọng trong cuộc sống, không chỉ đối với các bạn tân sinh viên, mà cả với những bạn đã sinh sống ở thành phố 2-3 năm hoặc thậm chí là những người lớn đã đi làm. DSA mong rằng những thông tin trên sẽ giúp các UEHers của chúng ta phần nào giảm bớt gánh nặng về tài chính và có một trải nghiệm đời sinh viên thật thoải mái và đáng nhớ nhé!

Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA)

Finhay. Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả với 3 nguyên tắc để đời cần nhớ.

https://www.finhay.com.vn/quan-ly-tai-chinh-ca-nhan#tam-quan-trong-cua-viec-quan-ly-tai-chinh-ca-nhan

Nguyễn Thị Thu Hoài. (2022). Kỹ năng quản lý tài chính cho sinh viên HCCT. Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội.

https://hcct.edu.vn/ky-nang-quan-ly-tai-chinh-cho-sinh-vien-hcct/

RedBag Team. (2021). Kỹ năng quản lý tài chính cho sinh viên có thực sự cần thiết?

https://redbag.vn/blog/ky-nang-quan-ly-tai-chinh-cho-sinh-vien-co-thuc-su-can-thiet#1631070145-h2-1

RedBag Team. (2021). Sinh viên cần làm gì để trau dồi kỹ năng quản lý tài chính?

https://redbag.vn/blog/sinh-vien-can-lam-gi-de-trau-doi-ky-nang-quan-ly-tai-chinh#

Timo Hangout. Quản lý tài chính cá nhân là gì? 9 nguyên tắc và công cụ hỗ trợ quản lý phổ biến nhất.

https://timo.vn/blogs/quan-ly-tai-chinh-ca-nhan-la-gi/

Vietmoney. Cách quản lý tiền hiệu quả nhờ quy tắc 6 chiếc lọ tài chính.

https://www.vietmoney.vn/quy-tac-6-chiec-lo-tai-chinh/

Chia sẻ