Hãy chăm sóc mẹ: Khi tình thương qua từng trang sách
19 tháng 10 năm 2023
Trong guồng quay tất bật của cuộc sống, con người cứ mãi lao đầu vào công việc mà chẳng mấy để tâm đến những người thân bên cạnh mình, hay những tình cảm giản dị trong cuộc sống, đơn giản vì họ cho rằng đây là những điều hiển nhiên đã có. “Hãy chăm sóc mẹ” là một cuốn sách tuyệt vời đánh thức người đọc khỏi những suy nghĩ này và đặc biệt nhận ra giá trị lớn lao của tình cảm từ người mẹ dành cho gia đình. Hãy cùng Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA) tìm hiểu thông điệp được gửi gắm trong cuốn sách này nhé!
Giới thiệu về tác giả
Tác giả Shin Kyung Sook sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở vùng nông thôn Hàn Quốc. Có lẽ hoàn cảnh sống vất vả và bươn chải đã giúp cô có cái nhìn sâu sắc hơn về đời, về người để viết nên những câu chuyện làm lay động hàng triệu trái tim. Hãy chăm sóc mẹ đã giúp cho tác giả trở thành nhà văn nữ đầu tiên đoạt giải thưởng May Asian Literary Prize.
Hãy chăm sóc mẹ đã giúp văn học châu Á đến gần hơn với những độc giả trên toàn thế giới. (Nguồn: Internet)
“Mẹ đã đi lạc một tuần”
Hãy chăm sóc mẹ là những câu chuyện được kể luân phiên nhau dưới dòng hồi tưởng đầy nhớ nhung, đau khổ và tiếc nuối của những thành viên trong gia đình, bao gồm cô con gái thứ, người anh cả và người chồng khi người mẹ đi lạc đã một tuần chưa có tin tức gì. Nhân vật người mẹ trong câu chuyện được khắc họa là một người phụ nữ cộc cằn, khó tính nhưng rất thương yêu gia đình. Chính vỏ bọc đã tạo ra rào cản tình cảm lớn giữa bà và các thành viên trong gia đình, khiến họ trở thành những con người vô tâm trước những hy sinh của người mẹ. Đến khi bà đi lạc, những ký ức loang màu dần hiện về trong tâm trí mỗi đứa con và người chồng để họ thấy được người phụ nữ ấy đã yêu thương họ đến nhường nào.
Các tuyến nhân vật bắt đầu từ góc nhìn cô gái út, một nữ nhà văn nổi tiếng nhưng rất xa cách với người mẹ không biết chữ của mình. Cô là người viết thông báo tìm mẹ với miêu tả ngắn gọn về người phụ nữ có tóc ngắn đã muối tiêu, xương gò má cao, khi đi lạc đang mặc áo sơ mi màu xanh da trời, áo khoác trắng, váy xếp nếp màu bạc. Nhưng liệu những câu từ mà nhà văn nổi tiếng miêu tả có giúp gia đình tìm được người mẹ thất lạc, hay là hình ảnh “một bà già cứ lững thững bước đi, thỉnh thoảng lại ngồi bệt xuống đường hay đứng thẫn thờ dưới cầu thang cuốn”?
Tiếp theo là góc nhìn từ người anh cả, đứa con mà mẹ tự hào nhất. Người mẹ trong lòng anh là một người mẹ lúc nào cũng hy sinh vì con cái, không ngại khó nhọc. Mẹ rất chiều chuộng anh khi bố không có ở nhà. Mẹ cho anh đi chiếc xe đạp của bố. Bát canh đầu tiên mẹ múc ra mẹ luôn đặt trước mặt anh. Những ký ức chôn sâu trong tâm trí anh tất cả lại ùa về, khi mẹ mất tích, anh mới nhận ra mẹ đã yêu thương anh như thế nào.
Giấc mộng lập nghiệp ở thành thị đã cuốn hai người con con vào một guồng quay không thể chạy thoát, để lại người mẹ già với nỗi cô đơn và những cơn đau đầu hành hạ. Họ trách bà sao không tìm được địa chỉ nhà, mà không biết rằng bà bị bệnh nặng, nhớ nhớ quên quên, bà không biết chữ…
Cuối cùng là góc nhìn từ người chồng lúc nào ông cũng vô tâm và thờ ơ với những gì người mẹ làm. Ông bỏ mặc vợ ở nhà cùng đàn gà, con chó, những mùa đông lạnh buốt trong gian nhà cũ kỹ với 4 đứa con nheo nhóc. Ngay cả khi bà bị ốm nặng, ông cũng không nấu nổi cho bà một bát cháo hoặc một cốc nước ấm. Thế nhưng bây giờ khi vợ ông mất tích, ông lại hồi tưởng lại những ký ức xa xưa cùng với bà.“Trong suốt năm mươi năm qua kể từ lần đầu gặp nhau khi ông mới hai mươi tuổi, câu nói “Ông đi chậm một chút” là câu mà ông nghe nhiều nhất từ vợ mình. Ông có thể dừng lại đợi vợ mình, nhưng ông chưa bao giờ sải bước đi bên cạnh chuyện trò với bà như bà muốn, chưa bao giờ, dù chỉ một lần”.
Trái ngược với dòng cảm xúc ân hận, đau khổ, tuyệt vọng của người chồng và những đứa con, những dòng văn kể về tâm trạng của người mẹ lại vô cùng nhẹ nhàng, bình thản và trên hết, luôn giàu tình cảm và yêu thương đong đầy. Bằng lối văn chậm rãi, nhẹ nhàng nhưng đầy sâu lắng, câu chuyện như một tiếng chuông đánh thức sự trân trọng tình cảm gia đình, đặc biệt là tình cảm của mẹ dành cho gia đình, cho những ai còn đang loay hoay với cuộc sống bận rộn ngoài kia mà bỏ quên cái tình cảm thiêng liêng và đáng quý ấy.
Chắc chắn rằng mỗi người sẽ có trải nghiệm cảm xúc khác nhau sau khi đọc Hãy chăm sóc mẹ. Nếu có cơ hội, các bạn hãy trải nghiệm tác phẩm, đọc để yêu thương nhiều hơn, trân trọng những gì trước mắt, dành thời gian cho những người thân của mình. Cũng như để tri ân tình yêu thương và sự quan tâm của những người mẹ đối với chúng ta. Hãy đối xử với bố mẹ một cách tử tế, chân thành và hiếu thảo khi còn có thể nhé!
Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học
References
Review Sách Hãy Chăm Sóc Mẹ – Nỗi Day Dứt Khó Yên Trong Lòng Những Đứa Con, truy cập ngày 13/10/2023 từ <https://revisach.com/hay-cham-soc-me/>
[Review Sách] “Hãy Chăm Sóc Mẹ”: Ôi Yêu Thương, Khi Nào Còn Có Thể Yêu Thương!, truy cập ngày 13/10/2023 từ
Chia sẻ