Quấy rối tình dục - Im lặng hay lên tiếng?
26 tháng 11 năm 2024
Đó là câu hỏi mà talkshow chuyên sâu “Quấy rối tình dục - Im lặng hay lên tiếng” đã giải đáp, thu hút sự quan tâm của gần 300 sinh viên trong sáng ngày 15/11/2024 tại Hội trường B1.302. Chủ đề thảo luận được thiết kế cởi mở, chuyên sâu về lĩnh vực “tình dục”, “quấy rối tình dục” (QRTD), “Pháp luật liên quan đến tội QRTD và xâm hại tình dục”. Qua những góc nhìn từ các chuyên gia xã hội học, tình dục học và pháp lý, sinh viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã được trang bị thêm nhiều kiến thức hữu ích về kỹ năng phòng chống QRTD.
Chương trình xoay quanh ba nội dung trọng tâm: Hiểu về tình dục để có hạnh phúc lứa đôi; Hiểu về QRTD – yêu thương hay cạm bẫy? và pháp luật xử tội về QRTD như thế nào?
Các diễn giả chia sẻ cùng sinh viên UEH tại talkshow “Quấy rối tình dục - Im lặng hay lên tiếng”
Mở đầu chương trình, Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy đã đặt ra những câu hỏi quan trọng xoay quanh sự cởi mở và khái niệm đồng thuận trong tình dục. Bên cạnh đó, cô Thúy đã dẫn dắt hai khách mời thảo luận về các rào cản khiến giáo dục giới tính tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, những lý do khiến xã hội vẫn còn e dè trong việc nhìn nhận vấn đề tình dục, cũng như việc tích hợp giáo dục giới tính vào chương trình học chính khóa hiện nay.
Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy chia sẻ cùng sinh viên
Các diễn giả đã giải thích rõ ràng ý nghĩa của đồng thuận trong tình dục, nhấn mạnh rằng, đó là sự tự nguyện, hiểu biết và không chịu áp lực. Đồng thời, họ cảnh báo về những hệ lụy pháp lý nghiêm trọng khi thiếu sự đồng thuận, giúp sinh viên hiểu được tầm quan trọng của việc nhận diện và bảo vệ quyền lợi của bản thân trong những mối quan hệ. Với cách nói chuyện duyên dáng, gần gũi, bác sĩ Nguyễn Lan Hải đã nêu lên thực trạng nhiều người trẻ bị lạm dụng bởi những hành vi tưởng chừng là yêu thương nhưng thực chất là “cạm bẫy” của nạn QRTD, dẫn đến tổn thương lâu dài về tâm lý cho nạn nhân. Trong phần trao đổi, Luật sư Trần Minh Hùng cũng đã nhấn mạnh rằng sự đồng thuận và không đồng thuận đôi khi cũng là cạm bẫy khi không còn yêu; do đó, sinh viên cần hiểu rõ khái niệm đồng thuận và cách lưu vết minh chứng để tránh rơi vào tội “xâm hại tình dục”, “xúc phạm thân thể” hay nhẹ hơn là QRTD khi bị tố ngược.
Luật sư Trần Minh Hùng hướng dẫn sinh viên
Một điểm nhấn đặc biệt trong chương trình chính là phần chia sẻ của Bác sĩ Nguyễn Lan Hải, khi bà cho rằng: “Người Việt Nam thường có tuổi thơ dài nhất.” Câu nói này đã khơi dậy nhiều suy nghĩ và thảo luận trong khán phòng. Bác sĩ Hải giải thích rằng ở Việt Nam, nhiều người trẻ lớn lên với sự bao bọc quá mức từ gia đình, thiếu sự quan tâm chia sẻ về giới tính một cách cởi mở và thiếu trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Điều này khiến họ trở nên thụ động, dễ bị tổn thương khi bước vào các mối quan hệ yêu đương hoặc khi bị chính người thân quen của mình QRTD, thậm chí là xâm hại tình dục. Bác Hải cũng khuyên sinh viên Gen Z cần trang bị kiến thức về tình dục, tình yêu và đặt ra những quy tắc cần có trong các mối quan hệ lành mạnh, tốt đẹp. Các khách mời cũng cùng làm rõ những hành vi bị xem là QRTD nhằm giúp sinh viên nhận diện, hiểu đúng về QRTD, tình yêu và những biểu hiện của các loại hình cảm xúc để tránh bị lợi dụng và rơi vào cạm bẫy.
Bác sĩ Nguyễn Lan Hải chia sẻ cùng sinh viên tại Talkshow
Tại hội trường, sinh viên đã rất cởi mở khi chia sẻ những câu chuyện của chính mình, thậm chí có những chia sẻ vô vùng chân tình về những câu chuyện riêng tư mà các bạn đã từng trải qua để các khách mời giải đáp. Các diễn giả đã tận tình lắng nghe và đưa ra những kiến thức khoa học và quan điểm cá nhân một cách gần gũi, giúp sinh viên hiểu rằng việc lên tiếng khi bị QRTD không chỉ là quyền, mà còn là cách tự bảo vệ bản thân và người xung quanh trước nạn QRTD, đồng thời thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong xã hội.
Sinh viên đặt câu hỏi thảo luận cùng diễn giả
Về các quan điểm như: “Làm hoa cho người ta hái làm gái cho người ta trêu” hay “im lặng là đồng ý” khi sinh viên đặt câu hỏi, ba diễn giả cho rằng quan điểm trên đã trở nên lỗi thời, thế hệ trẻ ngày nay cần hiểu biết về sự bình đẳng giới, có kiến thức sâu rộng để nói lên chính kiến bản thân và phản biện những quan điểm không còn phù hợp thời đại để tránh bị lợi dụng.
Chia sẻ dưới góc độ pháp luật hiện hành về QRTD, Luật sư Trần Minh Hùng cho rằng hiện nay một số luật đã có chú ý tới hành vi QRTD nhưng chưa rõ ràng, ví dụ: Luật dân sự đề cập đến “xâm phạm nhân phẩm, danh dự” hay Luật hành chính mới đề cập đến “hành vi gây rối trật tự công cộng” tức đề cập đến không gian thực hiện hành vi; Luật lao động quy định QRTD trong môi trường công sở chứ chưa đề cập đến bên ngoài công sở. Thậm chí luật hình sự chỉ quy định đến đối tượng từ 16 tuổi trở xuống, đối tượng trên 16 tuổi bỏ ngỏ… Khi nạn nhân tố giác, khởi kiện thì pháp luật hiện hành xem nặng “trọng chứng” hơn “trọng cung”, do đó nạn nhân thường phải chứng minh hậu quả. Khi bị QRTD, nạn nhân thường bị ảnh hưởng tinh thần. Tuy nhiên, những tổn thương tinh thần khó lượng hóa hay đo được bằng tiền. Vì thế, pháp luật Việt Nam chỉ dừng lại phạt hành chính mà chưa có khung hình phạt có tính răn đe như cách ly đối tượng QRTD khỏi xã hội, tránh mối nguy cơ tiếp theo.
Thông qua Talkshow, các diễn giả đã hiểu hơn về các vấn đề mà sinh viên UEH quan tâm. Cô Phạm Thị Thúy chia sẻ UEH là đại học tiên phong trong việc chăm sóc và hỗ trợ người học rất tốt khi có quy trình hỗ trợ người học về QRTD, có quy tắc ứng xử người học, các chế tài đủ răn đe người học vi phạm và bảo vệ người học trước QRTD. Khi sinh viên cần sự hỗ trợ, hãy liên hệ với DSA qua số hotline, email, hoặc trực tiếp tại các văn phòng để được hỗ trợ. Còn khi ở nhà hay nơi công cộng, ngoài các kiến thức tự bảo vệ mình, các kỹ năng tự vệ chính đáng, các bạn có thể gọi cảnh sát 113 trong các trường hợp khẩn cấp. Bên cạnh đó, các bạn cần kể cho người thân để tìm được sự chia sẻ và lời khuyên tốt nhất trước khi tìm đến sự chia sẻ từ bên ngoài.
Talkshow kết thúc với thông điệp mạnh mẽ từ 3 vị diễn giả rằng: “Hiểu biết chính là lá chắn bảo vệ bạn trước những nguy cơ, và lên tiếng là cách để bạn không còn im lặng trước bất công.” Những chia sẻ thẳng thắn và sâu sắc trong suốt chương trình không chỉ cung cấp kiến thức, mà còn khơi dậy trong mỗi bạn sinh viên sự tự tin để đối mặt với vấn nạn QRTD.
Chương trình chụp ảnh lưu niệm
Tin, ảnh: Ban Chăm sóc người học, Ban Truyền thông và Phát triển đối tác
Chia sẻ