Thế giới ồn ào, người trẻ có đang lặng thinh với “đứa trẻ bên trong mình”?

23 tháng 05 năm 2023

Trong cuộc sống hối hả, chúng ta thường đi tìm kiếm sự an yên, dẫu cho điều ấy chưa bao giờ đứng yên để ta nắm bắt. Dường như ngày càng ít đi những khoảnh khắc mà bạn dừng lại để được ngắm nhìn và phản tư bản thân. Vì thế, ngồi lại vài phút để cùng nhau tìm, hiểu những trở ngại vô hình mà người trẻ có thể gặp phải, học cách yêu thương hơn sức khỏe tinh thần và “đứa trẻ bên trong” đang phải gồng mình chạy đua với nhịp sống tất bật nhé!

Sức khỏe tinh thần cũng như những bông hoa (Nguồn ảnh: Pinterest)

Để có một sức khỏe tinh thần khỏe mạnh đi kèm cùng một nhận thức đúng đắn về việc chăm sóc sức khỏe tinh thần, người trẻ cần được tiếp cận với những nguồn thông tin, kiến thức liên quan đến khía cạnh này. Song song với sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần của mỗi người cũng là vấn đề cần nên được để tâm và chăm sóc đúng cách hơn.

Sức khỏe tinh thần (Mental Health) là gì?

Sức khỏe tinh thần là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với đời sống cảm xúc của con người. Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sức khỏe tinh thần là trạng thái mà trong đó con người nhận thức được khả năng của bản thân, có thể đối phó với những căng thẳng thông thường, mà vẫn làm việc hiệu quả và đóng góp cho cộng đồng. Người có sức khỏe tinh thần tốt là người có tinh thần khỏe mạnh, luôn tích cực trong suy nghĩ, biết cách kiểm soát hành vi và cảm xúc. Khi đối mặt với những khó khăn thử thách, người có sức khỏe tinh thần tốt sẽ có ý chí kiên cường hơn. Trái lại, người có sức khỏe tinh thần bất ổn sẽ luôn trong trạng thái chông chênh, trống trải, mệt mỏi,... dù cơ thể không mắc các bệnh lý nào.

Ngày nay, các thuật ngữ gọi tên các hội chứng, khía cạnh liên quan đến sức khỏe tinh thần như Áp lực đồng trang lứa (Peer Pressure), Năng suất độc hại (Toxic Productivity), Tích cực độc hại (Toxic Positivity), Hội chứng sợ bị bỏ lỡ (FOMO), đứa trẻ bên trong (Inner Child),... được biết đến và tìm kiếm rộng rãi hơn bao giờ hết. Điều này phản ánh sự quan tâm của người trẻ cũng như những vấn đề về sức khỏe tinh thần mà họ đang đối diện ngày càng tăng cao.

Tích cực độc hại (Toxic Positivity) - Khi tích cực cũng là một loại áp lực

Khi trải qua một điều tồi tệ, có bao giờ bao nghe thấy lời khuyên từ đứa bạn: “Đừng buồn nữa, hãy vui lên”, nhưng khoảnh khắc ấy bạn cảm thấy mọi thứ như rối ren và bế tắc hơn vô cùng. Trên thực tế, đây là những lúc mà cảm xúc của chúng ta cần được “xõa” một cách chân thật và đúng với tâm trạng nhất, thay vì kiềm nén và che giấu như chúng ta vẫn luôn.

Việc cố gắng tỏ ra mình lạc quan và tích cực trong những tình huống khủng hoảng  được gọi là tích cực độc hại - Toxic Positivity. Tích cực độc hại là áp lực chỉ thể hiện những cảm xúc tích cực, kìm nén mọi cảm xúc, phản ứng hoặc trải nghiệm tiêu cực. Nó làm mất khả năng trải nghiệm cảm xúc của con người và có thể dẫn đến chấn thương tâm lý, tạo ra sự cô lập và cơ chế đối phó không lành mạnh.

Chấp nhận bản thân đúng là một việc khó khăn và cần rất nhiều thời gian để đi sâu vào bên trong chính mình. Shark Linh đã từng chia sẻ: “Sống tích cực không có nghĩa là mọi thứ sẽ ổn. Thay vào đó, bạn biết rằng mình sẽ ổn dù mọi thứ có diễn ra như thế nào”. Có một sự thật là: Trong văn hoá Trung Quốc, yinyang là biểu tượng chỉ hai thực thể đối lập ban đầu tạo nên toàn bộ vũ trụ. Vì vậy, các nguồn năng lượng khác nhau trong bạn đều đáng được tôn trọng vì chúng là yếu tố để tạo nên một bạn tốt hơn. Thành thật với chính mình sẽ giúp bạn kết nối được nhiều năng lượng đẹp hơn. Nỗi buồn của chúng ta cũng đẹp như niềm vui. Bạn sẽ thấy bản thân mình đáng trân trọng và thật tốt vì bạn đã có thể nói “Hôm nay tui buồn ghê, để tui kể cho nghe".

Năng suất độc hại (Toxic Productivity) - Khi năng suất trở nên độc hại

Giống như một trái bóng bay được bơm hơi, đến một lúc nào đó quả bóng sẽ phát nổ vì được bơm quá nhiều không khí. Toxic Productivity, ngược lại với Productivity (Năng suất) thông thường, Quazi đã nói: “Năng suất độc hại xảy ra khi một cá nhân có nỗi ám ảnh không lành mạnh về việc làm việc hiệu quả và liên tục di chuyển. Nó mang lại cho bạn cảm giác liên tục rằng bạn vẫn chưa làm đủ”. Thực tế, việc gồng mình chạy theo guồng quay công việc và đuổi theo lối năng suất độc hại trong một thời gian dài sẽ khiến bản thân hao mòn cả về sức khỏe, tinh thần, các mối quan hệ,... mất đi sự cân bằng trong cuộc sống.

Mọi nguyên tắc đều nhằm phục vụ lợi ích của con người. Nếu nguyên tắc đi ngược lại với việc tạo ra lợi ích, khiến bạn mệt mỏi hoặc ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần, hãy linh hoạt “chọn lối đi khác” để đạt được mục tiêu. Giống như một vấn đề luôn có hai mặt, việc áp dụng cứng nhắc nguyên tắc, đôi khi sẽ khiến bạn cảm thấy có lỗi với bản thân, từ đó dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực trong một ngày hoặc một giai đoạn nhất định.

Toxic Productivity - Năng suất độc hại (Nguồn ảnh: Pinterest)

Hội chứng sợ bị bỏ lỡ  (FOMO) trong thế giới ồn ào

Để có thể bóc tách FOMO thành nhiều mảnh, có lẽ đó là sự tổng hợp của một số cảm mảnh ghép cảm xúc khác nhau. Đó có thể là sự lo lắng cho tương lai của bản thân, cảm giác cô đơn khi bị bỏ lại, cảm thấy mình lẻ loi so với mọi người, … Nếu bạn không đủ nghị lực để kiểm soát và tìm cách đối mặt với chúng, lâu dài những nỗi sợ ấy sẽ kiểm soát và trở thành nỗi ám ảnh dày vò tinh thần bạn.

Ở một số khía cạnh, FOMO có một phần gắn liền với tinh thần cầu tiến. Tức là, bạn luôn mong muốn cho bản thân tốt hơn, khao khát có một sống tốt hơn mỗi ngày. Thế nhưng, ranh giới giữa tinh thần cầu tiến và ghen tức độc hại rất gần nhau. Đặc biệt, với một thế giới “quay nhanh” và “ồn ào” như hiện tại, dường như có một lực đẩy vô hình đẩy con người đến ranh giới độc hại. Mà chúng ta sẽ chẳng bao giờ nhận ra rằng mình đã vượt qua ranh giới ấy. Khi ấy, mong muốn mưu cầu những điều tốt đẹp đơn thuần của bạn bị biến thành nỗi sợ thua thiệt độc hại.

Hãy học cách tháo gỡ FOMO từ những hành động đơn giản và cảm xúc nhẹ nhàng nhất. Mỗi sự lựa chọn trong cuộc sống đều có cái được và cái mất. Sự lựa chọn khác nhau sẽ mang đến những giá trị và đích đến khác nhau. Và hãy luôn nhớ rằng thứ phù hợp nhất mới là thứ tốt nhất dành cho riêng bạn.

Đứa trẻ bên trong (Inner Child) - Ai cũng có đứa trẻ bên trong cần chăm sóc

Đứa trẻ bên trong - Inner Child (Nguồn: Happyparenting.vn)

Theo HappyParenting, đứa trẻ bên trong (inner child) là cách nói ẩn dụ cho một phần tâm trí của mỗi người, là nơi lưu giữ những ký ức, những trải nghiệm, và những cảm xúc chúng ta đã trải qua trong thời thơ ấu đến trước tuổi dậy thì. Dù đã là một người lớn trưởng thành, đứa trẻ bên trong vẫn đóng vai trò như một lăng kính phản chiếu cách hành xử và phản ứng của mỗi người chúng ta - tích cực hay tiêu cực - trước tất cả mọi sự kiện, sự việc diễn ra hàng ngày như: cách nhìn nhận về ý nghĩa cuộc sống, các mối quan hệ với cha mẹ bạn bè đồng nghiệp, cách xử lý công việc, cách lựa chọn và ra quyết định, và đặc biệt, là cách chúng ta nuôi dạy những đứa con do chính mình sinh ra. Trang nghiên cứu HappyParenting cũng cho biết, khi đứa trẻ bên trong một cá nhân bị tổn thương và tổn hại quá nhiều, người đó thường gặp những vấn đề sức khỏe và tâm lý khi lớn lên như: chứng trầm cảm, lo âu, rối loạn lưỡng cực, hoặc lạm dụng các chất gây nghiện và chất kích thích.

Chỉ tới khi lạc lối chúng ta mới bắt đầu hiểu bản thân mình - Henry David Thoreau (Nguồn: healthymindart)

Xây dựng lối sống lành mạnh để nâng cao sức khỏe tinh thần và bảo vệ “đứa trẻ bên trong”

Để sức khỏe tinh thần khỏe mạnh, và "đứa trẻ bên trong mình" được lớn lên theo cách tốt đẹp, đầu tiên bạn nên xây dựng chế độ ăn độ ăn uống cân đối và đầy đủ các dưỡng chất. Nhiều chuyên gia đã đưa ra lời khuyên rằng bạn nên thường xuyên tự nấu ăn tại nhà, tránh các thức ăn nhanh, đồ ăn ngọt, đồ chiên rán để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tránh các vấn đề về tiêu hóa.

Tiếp theo, bạn nên có chế độ luyện tập thể thao nhẹ nhàng và điều độ tăng cường sức đề kháng. Những bộ môn thể thao lý tưởng cho việc cải thiện sức khỏe tinh thần được khuyến khích là thiền, yoga, giúp bình ổn tâm trạng và cho "đứa trẻ bên trong" được nghỉ ngơi.

Cuối cùng, nhưng có thể nói khá là quan trọng và cũng khó để thực hiện đối với GenZ hiện nay. Đó là tập cho mình thói quen ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc để cơ thể có thời gian hồi phục năng lượng một cách tốt nhất.

Mở lòng để mở nút thắt tâm lý

Chuyên gia tâm lý là người “tưới tiêu” cho bông hoa sức khỏe tinh thần (Nguồn ảnh: Pinterest)

Việc khám tâm lý định kỳ không có nghĩa là bạn mắc bệnh tâm lý. Nó chỉ thể hiện rằng bạn đang nghiêm túc quan tâm đến sức khỏe tinh thần của mình, như cách chúng ta vẫn khám tổng quát sức khỏe thể chất mỗi 6 tháng 1 lần. Thông qua việc trò chuyện cùng chuyên gia tâm lý về những suy nghĩ, cảm xúc và trải nghiệm mà bạn đã qua trong một khoảng thời gian, bạn sẽ dễ dàng giãi bày khúc mắt mà "đứa trẻ bên trong" đang cố kiềm nén và giải tỏa cảm xúc của mình hơn. Đây chỉ là hình thức giúp các bạn gợi mở giải pháp và được chia sẻ những lời khuyên hữu ích, giúp vượt qua những khó khăn. Nếu bạn vẫn chưa sẵn lòng gặp chuyên gia tâm lý, bạn có thể thử trải lòng cùng những người thân mà bạn tin tưởng, như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…

Sức khỏe tinh thần cũng như một bông hoa, chúng ta cần tưới nước mỗi ngày. Đừng để nhịp sống nhanh của hiện đại khiến bạn kiệt sức và không có thời gian cho đứa trẻ tinh thần này. Đừng vì theo đuổi những khát khao, đam mê, danh vọng mà lờ đi sự mệt nhoài của đứa trẻ bên trong mình. Khi bạn thật sự khỏe mạnh vui vẻ, thì chính bạn, gia đình và mọi người xung quanh cũng được ngắm và nhận hương thơm tuyệt vời đó. Hãy cùng nhau chăm sóc bông hóa tinh thần của bạn mỗi ngày để không còn phải trốn chạy, lạc lối trước những áp lực tuổi đôi mươi vào mỗi sớm mai.

Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA)

 

 

Chia sẻ