Tính nam độc hại - Quyền được khóc cho ai?

27 tháng 12 năm 2023

“Đàn ông con trai mà khóc nhè, xấu hổ”, “Anh phải là trụ cột trong nhà chứ”,... Đây có lẽ là những điều mà ai trong chúng ta cũng đều đã được nghe suốt hành trình trưởng thành và hình thành nhận thức. Từ lâu, những quy chuẩn về nam giới phải mạnh mẽ, hung hăng, phải là trụ cột, đã ăn sâu vào tiềm thức và đặt lên nam giới một áp lực vô hình. Nhưng liệu cái giá phải trả cho sự “nam tính” lệch lạc này là gì?

Ảnh: The Guardian

Giải nghĩa tính nam độc hại

Theo Verywell Mind, tính nam độc hại là từ khóa dùng để chỉ những tiêu chuẩn cực đoan về sự nam tính của người đàn ông. Tính nam độc hại bao gồm ba thành tố chính: sự mạnh mẽ về thể chất, sự quyền lực trong xã hội và gia đình, và đặc biệt, không mang trong mình những tính nữ như thể hiện cảm xúc hay mưu cầu sự giúp đỡ từ người khác.

Ảnh hưởng của tính nam độc hại

Hình mẫu tưởng chừng “lý tưởng” mà chúng ta tạo ra cho cánh đàn ông lại tiềm tàng nhiều mối nguy hại không thể lường trước. Việc dựng nên những quy chuẩn cực đoan đã khiến người đàn ông có xu hướng né tránh việc thể hiện và giải quyết cảm xúc. Điều này vô hình chung khiến nam giới dễ mắc phải các vấn đề nghiêm trọng về tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm, hay nhẹ hơn là căng thẳng kéo dài.

Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, tỉ lệ nam giới có hành vi tự sát cao gấp 3,5 lần so với nữ giới, đồng thời cũng có tỉ lệ mắc trầm cảm cao hơn đáng kể so với nửa còn lại của thế giới. Bên cạnh đó, vì không tìm kiếm hay nhận được sự giúp đỡ để giải quyết những vấn đề về tinh thần, nam giới thường tìm đến rượu bia hoặc các chất kích thích như một “liều thuốc an thần tạm thời” khiến tỉ lệ lạm dụng rượu bia và chất kích thích ở phái mạnh cũng được ghi nhận cao gấp 2 - 3 lần so với nữ giới, gây ra những tổn thương sâu sắc đến cả sức khỏe tinh thần và thể chất của người đàn ông.

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nam giới, tính nam độc hại còn là nguyên nhân gián tiếp gây ra những bất ổn về mặt xã hội. Việc áp đặt tính nam độc hại đã làm gia tăng xu hướng bạo lực ở nam giới. Theo kết quả điều tra quốc gia năm 2021, tại Việt Nam, tỉ lệ các hộ gia đình xảy ra tình trạng bạo lực gia đình lên đến 32%, trong đó có đến 90% vụ bạo lực gia đình do nam giới gây ra.

Bình đẳng giới trong nhu cầu thể hiện cảm xúc

Đứng trước những con số đau lòng đó, liệu việc trở nên “nam tính” có thật sự còn cần thiết đến vậy? Chúng ta đã đấu tranh hàng trăm năm để giành quyền bình đẳng cho nữ giới, vậy đến khi nào chúng ta sẽ cho phép nam giới được hưởng sự bình đẳng mà họ từ lâu đã xứng đáng có được? Emma Watson - nữ diễn viên người Mỹ - đã phát biểu tại một sự kiện về bình đẳng giới của Liên hiệp quốc năm 2014: “Chúng ta ít khi nói về việc nam giới bị kiềm hãm trong các khuôn mẫu về giới tính, nhưng tôi có thể thấy rằng họ đang bị như vậy, và khi họ được giải thoát khỏi những khuôn mẫu ấy, mọi thứ đối với nữ giới cũng sẽ thay đổi theo, như một lẽ tự nhiên. Nếu nam giới không cần phải bạo lực và hung hăng để được chấp nhận, nữ giới sẽ không bị ép phải phục tùng. Nếu nam giới không còn giành quyền kiểm soát mọi thứ, nữ giới sẽ không còn bị kiểm soát nữa.”

Ảnh: America TV

Quyền được thể hiện cảm xúc, giải quyết cảm xúc và tìm đến sự giúp đỡ cho những vấn đề cảm xúc nên được dành cho mọi người. Đã đến lúc một giọt lệ của người đàn ông cũng quan trọng như người phụ nữ, đã đến lúc khi một người bạn trai nói ra câu “Hôm nay anh mệt lắm”, anh vẫn nam tính ngời ngời như lúc bôn ba ngược xuôi trên thương trường, và đã đến lúc “đồ đàn bà” không bao giờ nên là từ ngữ được dùng để miệt thị đàn ông.

Cuối cùng, “quyền được khóc” hay bất cứ hình thức bộc lộ cảm xúc nào khác không còn chỉ là đặc quyền của bất kì một giới nào. Dù có lẽ thay đổi quan niệm lâu đời của cả xã hội là điều không dễ dàng, các bạn sinh viên hoàn toàn có thể bắt đầu với chính bản thân mình. Với sinh viên nam, UEH mong rằng các bạn có thể dũng cảm bước đi những bước đầu tiên trong hành trình đối mặt và công nhận cảm xúc của mình, đồng thời học cách giải quyết chúng một cách lành mạnh và đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết. Ngoài ra, cộng đồng UEH cũng thể góp một phần giảm thiểu những tiêu cực này bằng cách cùng nhau tạo dựng một môi trường cho phép sự tự do cảm xúc, đi kèm là một cộng đồng thấu hiểu, đồng cảm, không phán xét.

Bình đẳng giới trong nhu cầu thể hiện cảm xúc còn có thể mang đến những cải thiện đáng kể trong đời sống xã hội, giúp xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh về cả thể chất và tinh thần. UEH tin rằng với những thông tin được cung cấp trên đây có thể cung cấp cho sinh viên một góc nhìn mới về chủ đề này.

Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học

Tài liệu tham khảo:

https://vtv.vn/xa-hoi/viet-nam-xep-thu-2-khu-vuc-dong-nam-a-thu-3-chau-a-ve-tieu-thu-ruou-bia-20220707020840737.htm

https://laodong.vn/y-kien-ban-doc/bao-luc-gia-dinh-hay-len-tieng-truoc-cac-con-so-dau-long-1036309.ldo

https://www.verywellmind.com/what-is-toxic-masculinity-5075107

https://www.verywellmind.com/the-dangerous-mental-health-effects-of-toxic-masculinity-5073957

Chia sẻ