CELG UEH phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội thảo "Tính chung thẩm của phán quyết và các quyết định của Hội đồng Trọng tài"
14 tháng 04 năm 2023
Ngày 06 tháng 04 năm 2023 vừa qua, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước UEH (CELG) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã phối hợp tổ chức hội thảo "Tính chung thẩm của phán quyết và các quyết định của Hội đồng Trọng tài". Hội thảo đã bàn luận về các quy định liên quan đến tính chung thẩm của các phán quyết và quyết định trọng tài dưới góc độ lý luận và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam cũng như kinh nghiệm tại một số quốc gia khác trên thế giới.
- Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước UEH phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội thảo chuyên đề chuyên đề "Thi hành phán quyết trọng tài và các vấn đề phát sinh liên quan đến bên thứ ba”
- Hội thảo: Hành lang pháp lý cho dự án đầu tư có sử dụng đất và những lưu ý cho nhà đầu tư
- Hội thảo quốc gia 2024: “Chính sách Tài chính công thích ứng biến đổi khí hậu”
Đại biểu tham dự hội thảo
Tham dự chương trình, có sự hiện diện của PGS. TS. Phạm Khánh Nam - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH; TS. Dương Kim Thế Nguyên - Trưởng khoa Luật, CELG; LS. Châu Việt Bắc - Phó tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc Tế Việt Nam; cùng nhiều nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học và doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Các diễn giả tham gia trình bày trong hội thảo bao gồm: TS. Trần Huỳnh Thanh Nghị, Giám đốc chương trình Luật kinh tế; Trưởng bộ môn Luật Kinh tế, khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước (CELG), Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH); LS. Lê Thành Kính, Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn, Trọng tài viên VIAC; LS. Phạm Quốc Tuấn, Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH DIMAC, Trọng tài viên VIAC; TS. Lữ Lâm Uyên, Giám đốc chương trình Luật Kinh doanh quốc tế, Khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước (CELG), Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh; và LS. Avinash Pradhan, Phó giám đốc bộ phận trọng tài quốc tế của Rajah & Tann Singapore, Luật sư thành viên Christopher & Lee Ong.
Điều phối viên và diễn giả tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Phạm Khánh Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển mạnh phương thức giải quyết trọng tài thương mại hiện nay. Tính chung thẩm hay xét xử một lần được xem là một trong những ưu điểm lớn của trọng tài và giúp phương thức này được doanh nghiệp cân nhắc áp dụng nhiều hơn so với các hình thức giải quyết tranh chấp khác. Nguyên tắc chung thẩm là một điểm quan trọng, tuy nhiên, các nội dung, hướng dẫn chi tiết về nguyên tắc này lại chưa đầy đủ dẫn đến phát sinh nhiều tình huống khó lường trên thực tế. Chính vì vậy, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH rất hân hạnh được đồng hành với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội thảo về Tính chung thẩm của phán quyết và các quyết định của Hội đồng trọng tài. PGS.TS. Phạm Khánh Nam đánh giá cao những đóng góp thiết thực về thực tiễn áp dụng nguyên tắc phán quyết của Hội đồng trọng tài chung thẩm, từ đó tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động trọng tài.
PGS.TS. Phạm Khánh Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu dẫn đề tại hội thảo, LS. Châu Việt Bắc cho rằng năm 2022 là một năm thành công đối với trọng tài thương mại (TTTM) tại Việt Nam. Hiện nay tại Việt Nam có hơn 30 Trung tâm trọng tài thương mại, và tính riêng cho VIAC trong năm vừa qua đã ban hành phán quyết đối với hơn 330 vụ tranh chấp kinh doanh thương mại. Thời gian trung bình để đưa ra phán quyết cho một vụ tranh chấp là 6 tháng đến 1 năm. Để đạt được bước chuyển mình nhanh chóng như vậy, một phần là do doanh nghiệp đã nhận ra ưu điểm về việc giải quyết tranh chấp nhanh gọn của Trọng tại thương mại, điều này xuất phát từ tính chung thẩm của các phán quyết trọng tài.
LS. Châu Việt Bắc phát biểu dẫn đề tại Hội thảo
TS. Trần Huỳnh Thanh Nghị - Trưởng bộ môn Luật kinh tế, khoa Luật, trường CELG nêu quan điểm: "Nếu phát huy tốt vai trò của TTTM, có thể giúp giảm tải lượng án rất lớn đang tồn đọng ở hệ thống cơ quan Toà án tại Việt Nam hiện nay. Và để thúc đẩy cho Trọng tài phát triển, cần xoá bỏ, cải thiện những rào cản pháp lý không cần thiết, như cần rà soát, điều chỉnh các quy định tại Điều 71 Luật TTTM 2010 về việc Toà án xét đơn yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài."
TS. Trần Huỳnh Thanh Nghị trình bày tham luận tại Hội thảo
LS. Lê Thành Kính và LS. Phạm Quốc Tuấn đồng thời là Trọng tài viên tại VIAC đã đề cập đến những trở ngại trong thực tế liên quan đến tính chung thẩm của phán quyết trọng tài tại Việt Nam.
LS. Lê Thành Kính trình bày tham luận tại Hội thảo
LS. Phạm Quốc Tuấn trình bày tham luận tại Hội thảo
TS. Lữ Lâm Uyên - Giám đốc chương trình Luật kinh doanh quốc tế, CELG trình bày tham luận tại hội thảo về nguồn gốc của tính chung thẩm trong tố tụng, và kinh nghiệm vận dụng tính chung thẩm trong tố tụng trọng tài tại một số quốc gia như Anh và Hoa Kỳ. Đồng thời, kiến nghị về cơ chế “phúc thẩm trọng tài” nhằm xem xét lại phán quyết trong nội bộ Trung tâm trọng tài, như một giải pháp để hạn chế các yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài.
TS. Lữ Lâm Uyên trình bày tham luận tại Hội thảo
Từ Singapore, LS. Avinash Pradhan cũng có những chia sẻ về nguyên tắc chung thẩm và cơ chế xem xét lại phán quyết trọng tài qua thực tiễn xử lý tranh chấp bằng trọng tài tại Singapore.
LS. Avinash Pradhan trình bày tham luận qua Zoom tại Hội thảo
Với vị thế là trung tâm đào tạo, nghiên cứu về Luật có thâm niên thứ hai trong khu vực miền Nam, Khoa Luật, CELG đã phối hợp cùng Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức thành công buổi Hội thảo. Qua đó, thu hút sự tham dự của hàng trăm người quan tâm đến lĩnh vực Trọng tài thương mại bằng hình thức trực tiếp tại hội trường và trực tuyến qua nền tảng Zoom. Sự kiện này là cơ hội để các chuyên gia bàn luận về những vấn đề thực tế phát sinh từ tính chung thẩm của phán quyết và các quyết định của Hội đồng Trọng tài, cũng như trao đổi quan điểm và ý tưởng về cách nâng cao hiệu quả của việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài thương mại. Hội thảo đã có những đóng góp đáng kể trong việc nâng cao nhận thức về quy trình giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài thương mại và tính chung thẩm của phán quyết trọng tài tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Một số hình ảnh khác về Hội thảo:
Toàn cảnh hội thảo
Diễn giả trình bày tại Hội thảo
Diễn giả trình bày online tại Hội thảo
Điều phối viên trình bày ý kiến tranh luận tại Hội thảo
Đại biểu tham dự trình bày ý kiến tranh luận tại Hội thảo
Đại biểu đặt câu hỏi tranh luận tại Hội thảo
Tặng quà lưu niệm các diễn giả
Tin, ảnh: Trường CELG
Chia sẻ