Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong kinh tế và cải tiến, phát triển chương trình đào tạo hướng ứng dụng công nghệ tại UEH

04 tháng 09 năm 2019

Nhằm từng bước trở thành đơn vị tiên phong trong đào tạo ứng dụng công nghệ, có khả năng đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường lao động trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã và đang triển khai đề án: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong kinh tế và cải tiến, phát triển chương trình đào tạo hướng ứng dụng công nghệ tại UEH”.

Đề án nhằm tóm lược tình hình phát triển công nghệ thông tin và viễn thông thời gian qua, đặc biệt là các thành tựu công nghệ mới như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, máy học, xử lý ngôn ngữ tự nhiên,… và ứng dụng trong phân tích dữ liệu kinh tế, phân tích kinh doanh, quản lý và vận hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, nghiên cứu tác động của công nghệ mới đối với các hoạt động kinh tế - xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó, đề xuất thực hiện việc nghiên cứu phát triển, cải tiến các chương trình đào tạo kinh tế, quản trị, kinh doanh, luật, quản lý nhà nước và ngoại ngữ hướng ứng dụng công nghệ tại UEH nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn sắp tới.

Chuỗi hoạt động của Đề án nghiên cứu ứng dụng công nghệ gồm ba giai đoạn, với các hình thức khác nhau nhằm thu hút sự tham gia đông đảo của các chuyên gia trong và ngoài trường, hình thành nhiều kênh tương tác giữa các chuyên gia và các đơn vị phối hợp thực hiện. Qua đó, các hoạt động giúp tăng cường tính bao quát của các vấn đề được đặt ra, hàm lượng tri thức đóng góp cũng như tính đồng thuận về các giải pháp đạt được, đảm bảo chất lượng hoạt động nghiên cứu và sự thành công của Đề án. Bên cạnh đó, các kênh tương tác còn là phương tiện kết nối giữa nhà trường với các chuyên gia trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng trong việc thu hút lực lượng cán bộ trình độ cao phục vụ cho giai đoạn triển khai thực hiện kết quả nghiên cứu của Đề án.

Giai đoạn 1: Workshop Công nghệ và Kinh tế (09/08/2019)

 Với sự tham gia trao đổi giữa Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Bách Khoa và Khoa Công nghệ thông tin kinh doanh (CNTTKD) UEH, buổi Workshop đã tiến hành trao đổi về tình hình phát triển công nghệ thông tin và viễn thông, các thành tựu công nghệ mới tác dụng trực tiếp đến các hoạt động kinh tế - xã hội (trí tuệ nhân tạo, máy học, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và thị giác máy tính).

Ngoài ra, buổi Workshop đã tiến hành phân tích đánh giá các xu thế công nghệ của tương lai, thị trường lao động 4.0; trao đổi, thảo luận các vấn đề cấp thiết trong hoạt động nghiên cứu, đào tạo thuộc các ngành kinh tế, quản trị, kinh doanh, luật, quản lý nhà nước và ngoại ngữ; giới thiệu các phương pháp tiếp cận, các công cụ công nghệ và các mô hình quản lý, sản xuất và kinh doanh dựa trên công nghệ mới.

GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Hiệu trưởng phát biểu khai mạc Workshop

 

ThS. Thái Kim Phụng trình bày tham luận “Tình hình phát triển công nghệ thông tin - Viễn thông và thành tựu của trí tuệ nhân tạo”

ThS. Phan Hiền trình bày đề tài “Các vấn đề Máy học, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính”

TS. Ngô Tấn Vũ Khanh với tham luận “Tác động của công nghệ thông tin viễn thông đến các hoạt động kinh tế - xã hội và vai trò khoa học dữ liệu, công nghệ mới đối với hoạt động nghiên cứu - đào tạo các ngành kinh tế - xã hội”

Giai đoạn 2: Các phiên thảo luận đào tạo kinh tế công nghệ (15/8/2019 - 01/11/2019)

Khoa CNTTKD tiến hành các phiên thảo luận với các Khoa/Viện phụ trách chương trình đào tạo nằm trong danh mục cần được cải tiến và phát triển do Khoa CNTTKD để xuất với sự thông qua của lãnh đạo trường. Nội dung thảo luận tập trung vào:

  • Các chủ đề chính của công nghệ có ảnh hưởng sâu rộng đến các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực của khoa phụ trách trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0
  • Phân tích, đánh giá tầm quan trọng, mức độ ảnh hưởng của các xu hướng công nghệ mới đối với ngành nghề đào tạo
  • Dự báo xu thế thị trường lao động trong nước và quốc tế trong thời gian tới.

Trên cơ sở đó, hai bên sẽ đi đến thống nhất danh mục các kỹ năng, chương trình đào tạo hướng ứng dụng công nghệ trong các chuyên ngành của khoa phụ trách, giúp đáp ứng tốt nhất nhu cầu lao động chất lượng cao của thị trường lao động 4.0.

Kết quả của giai đoạn này không chỉ là danh mục các kỹ năng, chương trình đào tạo được cải tiến, phát triển và sẽ được hiện thực hóa trong giai đoạn 3 của Đề án, mà còn bao gồm kế hoạch phát triển các chương trình đào tạo kinh tế công nghệ mới của UEH (AI-transformation) trong tương lai.

 

 

Phiên thảo luận giữa lãnh đạo nhà trường, Khoa CNTTKD với các khoa/viện phụ trách chương trình đào tạo

Giai đoạn 3: Cải tiến, phát triển chương trình đào tạo (15/11/2019 - 28/2/2020)

Thực hiện cải tiến, phát triển các chương trình đào tạo kinh tế, quản trị, kinh doanh, luật, quản lý nhà nước và ngoại ngữ hướng ứng dụng công nghệ cho các Khoa/Viện của UEH theo 5 nhóm: (1) Kế toán, Tài chính, Tài chính công, Ngân hàng; (2) Quản trị, Du lịch, Kinh doanh quốc tế - Marketing; (3) Kinh tế, Lý luận chính trị, Toán - Thống kê; (4) Quản lý nhà nước, Luật; (5) Ngoại ngữ kinh tế.

Đề án “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong kinh tế và cải tiến, phát triển chương trình đào tạo hướng ứng dụng công nghệ tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh” là một phần trong chiến lược từng bước đưa UEH trở thành đơn vị tiên phong trong đào tạo kinh tế, quản trị, kinh doanh, luật và quản lý công hướng ứng dụng công nghệ, có khả năng đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường lao động trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra và có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Tin, ảnh: Phòng Truyền thông và quan hệ công chúng, Khoa Công nghệ thông tin kinh doanh.

Chia sẻ