Toạ đàm JABES 2021 định hướng các chủ đề nghiên cứu thích hợp cho giảng viên và nhà nghiên cứu trẻ

07 tháng 05 năm 2021

Nằm trong chuỗi hoạt động của Hội nghị chuyên đề “Kinh tế và Kinh doanh: Hội nghị về sự bất ổn toàn cầu” (Economics and Business: Agendas for the Uncertain World), ngày 16/4/2021 đã diễn ra buổi Tọa đàm JST 2021 tháng 4 do Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á (JABES) - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) tổ chức. Tại đây, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và quốc tế đã được lắng nghe diễn giả khách mời Giáo sư Andrew trình bày và cùng thảo luận về chủ đề “Có phải đang có quá nhiều trang trại trên toàn thế giới? Chi phí giao dịch trên thị trường lao động, công suất máy và quy mô trang trại tối ưu”. Đặc biệt hơn, tại buổi tọa đàm này, Giáo sư Andrew cũng đã có những tư vấn, chia sẻ dành riêng cho các giảng viên và nhà nghiên cứu về một số kỹ năng và kinh nghiệm công bố quốc tế.

Nhằm định hướng các chủ đề nghiên cứu thích hợp và hữu ích trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á (JABES) duy trì tổ chức định kỳ hằng tháng chuỗi các tọa đàm khoa học quốc tế (JABES Seminar Talks - JST) liên quan đến kinh tế và kinh doanh. Vào sáng ngày 16/4/2021, Buổi tọa đàm JST 2021 tháng 4 đã được JABES tổ chức với sự trình bày của diễn giả khách mời là Giáo sư Andrew D. Foster cùng sự tham dự đông đảo của cộng đồng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và thế giới.

Andrew D. Foster là giáo sư tại Khoa Kinh tế, Dịch vụ, Chính sách và Thực nghiệm Y tế, là Giám đốc của Viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội tại Đại học Brown (Hoa Kỳ), và là Tổng Biên tập Journal of Development Economics (ABDC: A*). Giáo sư Andrew đồng thời làm việc trong Ủy ban chỉ đạo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (National Bureau of Economic Research – NBER), Hội đồng của Cục Nghiên cứu và Phân tích về Kinh tế và Phát triển. Ông nhận bằng Cử nhân của Đại học Princeton (Hoa Kỳ) và bằng Tiến sĩ của Đại học California (Hoa Kỳ).

Là một nhà kinh tế học vi mô thực nghiệm chuyên về dân số, phát triển và kinh tế môi trường, Giáo sư đặc biệt quan tâm đến các nguồn dịch chuyển kinh tế và xã hội lâu dài ở các vùng nông thôn có thu nhập thấp. Ông cũng nghiên cứu các vấn đề như khả năng sinh sản, sức khỏe, hộ gia đình, vốn con người, thể chế, kinh tế lao động và hôn nhân.

Giáo sư Andrew đã trình bày kết quả nghiên cứu “Có phải đang có quá nhiều trang trại trên toàn thế giới? Chi phí giao dịch trên thị trường lao động, công suất máy và quy mô trang trại tối ưu” từ dữ liệu nghiên cứu trong 6 năm (2009-2014) tại Ấn Độ - một nước đang phát triển và có nhiều điểm tương đồng về bối cảnh nông nghiệp so với Việt Nam. Đây là công trình nghiên cứu đã được công bố vào năm 2017 và hiệu chỉnh vào năm 2021 do ông và cộng sự thực hiện.

Từ kết quả nghiên cứu, Giáo sư Andrew cho thấy có sự khác biệt đáng kể trong năng suất nông nghiệp giữa các quốc gia. Về tổng quát, trong mối quan hệ so sánh giữa các nước thì năng suất của nông trại lớn cao hơn nông trại nhỏ, và có sự khác biệt về năng suất nông nghiệp giữa nhóm nước giàu và nước nghèo: Ở nhóm nước giàu, năng suất nông trại tăng theo quy mô; trong khi đó, ở nhóm nước nghèo, năng suất nông trại giảm theo quy mô. Giáo sư Andrew đã giải thích mối quan hệ hình chữ U giữa năng suất và quy mô trang trại bằng mô hình kết hợp chi phí giao dịch trên thị trường lao động và hiệu quả kinh tế theo quy mô khi áp dụng công nghệ, máy móc vào sản xuất nông nghiệp. Cụ thể:

Thứ nhất, tồn tại chi phí giao dịch cố định trong mức lương lao động, cụ thể, mức lương trung bình hàng giờ cho một công nhân lao động trong 6 giờ/ngày sẽ cao hơn mức lương trung bình hàng giờ cho một công nhân lao động trong 8 giờ/ngày. Quy mô trang trại nhỏ sẽ đạt hiệu quả cao nhất do tối ưu được năng suất lao động của các thành viên trong hộ gia đình và không cần thuê mướn lao động bên ngoài. Năng suất giảm khi quy mô trang trại tăng dần, lúc này, việc thuê mướn thêm lao động dẫn đến tỷ trọng chi phí giao dịch cố định thuê mướn lao động trong tổng chi phí lao động cao; khi đạt đến một mức độ quy mô đủ lớn, năng suất sẽ đạt tối ưu do tỷ trọng chi phí giao dịch cố định thuê mướn lao động trong tổng chi phí lao động thấp.

Thứ hai, máy móc có công suất cao hơn làm được nhiều việc hơn mỗi giờ, đồng thời, chi phí cũng cao hơn (nhưng không tăng nhiều hơn tỷ lệ tăng công suất). Tuy nhiên, máy lớn không phát huy hết công suất ở những trang trại có quy mô nhỏ. Kết quả là, ở những trang trại quy mô rất nhỏ, chỉ sử dụng lao động của hộ gia đình (không sử dụng máy móc và những trang trại rất lớn) thì việc sử dụng máy móc công suất cao đạt tối ưu năng suất theo quy mô; còn những trang trại cỡ vừa (không sử dụng hết công suất máy) thường sẽ ít hiệu quả về chi phí hơn.

Ngoài ra, Giáo sư Andrew cũng gợi ý rằng sự mở rộng của khu vực công nghiệp, thu hút lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp thông qua việc giảm số lượng sở hữu, tăng quy mô trang trại sẽ làm tăng tổng sản lượng nông nghiệp và thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn.

Sau phần trình bày của Giáo sư Andrew, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tham dự tọa đàm đã có những phát biểu chuyên sâu, liên hệ đến thực tiễn năng suất nông nghiệp trong điều kiện Việt Nam trước khi bước sang Phần 2 - Tư vấn và hỗ trợ dành cho giảng viên và nhà nghiên cứu trẻ.

Trước câu hỏi tư vấn về công bố công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế uy tín, Giáo sư Andrew đã có những chia sẻ chân thành. Trong đó, Ông cũng gợi ý về việc nghiên cứu những chủ đề cũ dựa trên cơ sở khai thác thêm bộ dữ liệu, số liệu mới ở tầm vĩ mô để tìm ra những phát hiện, đóng góp khác thú vị và bổ ích. Đồng thời, Giáo sư Andrew cũng gợi ý về những nghiên cứu ngắn dẫn đề, không cần dựa trên một mô hình cấu trúc phức tạp để định hướng, mở đầu cho việc đặt vấn đề ở các chủ đề quan trọng tiếp theo.

Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm:

GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Tổng Biên tập JABES phát biểu chào mừng cùng lời chúc tốt đẹp đến Giáo sư Andrew

GS. Andrew gửi lời chào đến nhà nghiên cứu, nhà khoa học tham dự Tọa đàm JST 2021 tháng 4

Các nhà nghiên cứu thảo luận chuyên sâu và trao đổi học thuật với Giáo sư Andrew

Khung cảnh các nhà nghiên cứu cùng trao đổi về chủ đề buổi tọa đàm

Ban tổ chức và các nhà nghiên cứu, nhà khoa học chụp ảnh cùng Giáo sư Andrew

Thông tin thêm:

Tất cả các thông tin mới liên quan đến chuỗi tọa đàm của Hội nghị chuyên đề “Kinh tế và Kinh doanh: Hội nghị về sự bất ổn toàn cầu” (Economics and Business: Agendas for the Uncertain World) sẽ được cập nhật liên tục trên:

• JABES Facebook: https://www.facebook.com/jabes.ueh.edu.vn

• JABES Website: http://www.jabes.ueh.edu.vn/

• JABES Email: jabes@ueh.edu.vn

• JABES Youtube: http://shorturl.at/jnoOR

 

Tin, ảnh: JABES, Phòng Marketing-Truyền thông

 

Chia sẻ