Tọa đàm JABES Seminar Talks (JST 2020) với thông điệp Bối cảnh châu Á, vấn đề toàn cầu: Cơ hội và thách thức cho các học giả châu Á

07 tháng 01 năm 2021

Hội nghị chuyên đề “Kinh tế và Kinh doanh: Hội nghị về sự bất ổn toàn cầu” (Economics and Business: Agendas for the Uncertain World) gồm chuỗi các tọa đàm liên quan đến kinh tế và kinh doanh, nhằm định hướng nghiên cứu trong bối cảnh bất ổn toàn cầu đang xảy ra (như đại dịch Covid-19). Dưới sự trình bày của Giáo sư Ajai Gaur - khách mời tham dự với tư cách là diễn giả, JABES Seminar Talks (JST 2020)là tọa đàm đầu tiên trong chuỗi sự kiện Hội nghị đã được tổ chức vào ngày 22/12/2020 tại Cơ sở A Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH), thu hút hơn 60 khách mời tham dự online và gần 20 khách mời có liên quan đến kinh tế và kinh doanh tham dự trực tiếp.

Năm 2020 là năm đầy biến động với toàn thế giới. Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều quốc gia phải thực hiện các chính sách khác nhau nhằm hạn chế sức lây lan của dịch. Và sự bùng phát dịch này đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo ra những thách thức, cơ hội chưa từng có, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế trong tương lai. Hơn nữa, nền kinh tế các nước có sự tác động lẫn nhau. Và đặc biệt là nền kinh tế đang phát triển của các nước châu Á chịu sự tác động mạnh nhất. Do đó, các kịch bản và dự đoán liên quan đến các tác động đối với kinh tế và kinh doanh của các nước cần phải được xem xét sau đợt bùng phát đại dịch COVID-19.

Hội nghị chuyên đề “Kinh tế và Kinh doanh: Hội nghị về sự bất ổn toàn cầu” (Economics and Business: Agendas for the Uncertain World) gồm chuỗi các tọa đàm liên quan đến kinh tế và kinh doanh, nhằm định hướng nghiên cứu trong bối cảnh bất ổn toàn cầu đang xảy ra (như đại dịch Covid-19). Tọa đàm JABES Seminar Talks (JST 2020) với chủ đề “Bối cảnh châu Á, vấn đề toàn cầu: Cơ hội và thách thức cho học giả châu Á” (Asian Context, Global Problems: Opportunities and Challenges for Asian Management Scholars) dưới sự trình bày của giáo sư Ajai Gaur - khách mời tham dự với tư cách là diễn giả, là tọa đàm đầu tiên trong chuỗi sự kiện Hội nghị được tổ chức vào ngày 22/12/2020 tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH), Cơ sở A - 59C Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3. Tọa đàm đã thu hút hơn 60 khách mời tham dự online và gần 20 khách mời có liên quan đến kinh tế và kinh doanh tham dự trực tiếp.

GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á (JABES) đóng vai trò là chủ trì tại tọa đàm. Mở đầu chương trình, ThS. Huỳnh Lưu Đức Toàn, đại diện Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á phát biểu khai mạc, tuyên bố lý do và bối cảnh về việc tổ chức buổi tọa đàm liên quan đến chủ đề cơ hội và thách thức đối với quản lý kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế châu Á.


GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng kiêm Tổng Biên tập Tạp chí tham dự với tư cách là chủ trì Tọa đàm JST 2020

ThS. Huỳnh Lưu Đức Toàn - Phát biểu tuyên bố lý do tổ chức tọa đàm JST 2020

Tại tọa đàm, Giáo sư Ajai Gaur đã thuyết minh chủ đề “Bối cảnh châu Á, vấn đề toàn cầu: Cơ hội và thách thức cho các học giả châu Á”. Giáo sư Ajai Gaur là giáo sư Quản lý Chiến lược và Kinh doanh Quốc tế thuộc Trường Kinh doanh Rutgers. Giáo sư Ajai hiện đang giữ chức vụ Tổng biên tập của Tạp chí Kinh doanh Toàn cầu (Journal of World Business, ABDC: A*, ABS: 4, Impact factor: 5.194) và ban cố vấn của Tạp chí Nghiên cứu Kinh doanh Quốc tế (Journal of International Business Studies, ABDC: A*, ABS: 4*, Impact factor: 9.158). Các nghiên cứu của Giáo sư Ajai đã được công bố trên các tạp chí hàng đầu về chiến lược và kinh doanh quốc tế, bao gồm: Tạp chí Nghiên cứu Kinh doanh Quốc tế (Journal of International Business Studies), Tạp chí Quản lý (Journal of Management, ABDC: A*, ABS: 4*, Impact factor: 8.8), Tạp chí Nghiên cứu Quản lý (Journal of Management Studies, ABDC: A*, ABS: 4, Impact factor: 4.888), Tạp chí Chiến lược Toàn cầu (Global Strategy Journal, ABDC: A, ABS: 3, Impact factor: 4.065), và Phương pháp Nghiên cứu Tổ chức (Organizational Research Methods, ABDC: A*, ABS: 4, Impact factor: 5.705). Giáo sư Ajai Gaur đã 5 lần giành giải thưởng và 9 lần lọt vào chung kết đề cử cho nhiều giải thưởng khác nhau gồm: Giải đề cương luận văn tốt nhất của AIB, giải luận văn tốt nhất của AIB, và bài báo đánh giá tốt nhất được trao học bổng.

Giáo sư Ajai Gaur trao đổi cùng với khách tham dự trực tuyến và khách mời trực tiếp

Điểm mấu chốt mà Giáo sư đưa ra là những thách thức thực sự mang tính toàn cầu vốn mang tính thách thức cục bộ và phải được giải quyết ở cấp địa phương. Và những thách thức mang tính toàn cầu lại vốn xuất phát từ những thách thức châu Á (ví dụ như: Ô nhiễm, gia tăng dân số, tắc nghẽn giao thông, những vấn đề ở các nước đang phát triển ở châu Á…). Trước những thách thức này, đây là cơ hội cho các nhà nghiên cứu châu Á, vì chính các học giả châu Á mới hiểu rõ bối cảnh hơn các học giả đến từ nơi khác, và chỉ các học giả châu Á mới có thể đưa ra giải pháp tốt nhất cho chính địa phương nơi họ sống.

Giáo sư cho rằng thách thức toàn cầu đang đối mặt, đặc biệt đối với các quốc gia châu Á là: Năng lượng xanh và giá cả hàng hóa ổn định, việc làm tốt, tăng trưởng kinh tế bền vững, cơ sở hạ tầng đổi mới, các thành phố thông minh, tác động của biến đổi khí hậu đối với cạnh tranh và thị trường. Ngoài ra, vai trò của công nghệ trong xã hội hiện nay cũng là cơ hội cho các nhà nghiên cứu châu Á.

Ngay cả trước khi đại dịch toàn cầu COVID-19 bùng phát, giữa Trung Quốc và Mỹ đã xảy ra chiến tranh thương mại, các công ty đã nghĩ đến việc tái định vị chuỗi giá trị toàn cầu và điều này đã trở nên đặc biệt quan trọng trong giai đoạn đối phó với đại dịch. Các quốc gia như Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á có cơ hội to lớn để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, vì căng thẳng giữa Mỹ - Trung Quốc và liên quan đến COVID-19, rất nhiều tập đoàn đang tìm cách di dời các hoạt động trong chuỗi giá trị của họ và đưa chúng ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều công ty trong số đó thậm chí còn không biết những gì có sẵn và chính phủ không biết họ nên đưa ra những chính sách gì để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đó là lý do giáo sư Ajai cho rằng đây là cơ hội to lớn cho các học giả châu Á và định hướng hướng nghiên cứu nhằm mang lại nhiều thông tin hơn cho xã hội, cho các doanh nghiệp cũng như các nhà hoạch định chính sách.

Cuối buổi trao đổi tại tọa đàm, giáo sư Ajai tóm tắt một số nghiên cứu hàn lâm tập trung quá nhiều vào lý thuyết và điều này là khoảng trống nghiên cứu, chẳng hạn như: Kinh doanh quốc tế, chuỗi cung ứng, tiếp thị đang có xu hướng quá hàn lâm, nhiều nhà nghiên cứu đã bỏ qua các vấn đề của thế giới thực tiễn hoặc những thách thức xã hội mà chúng ta đang đối mặt.

Tọa đàm đã diễn ra thành công, tốt đẹp, định hướng được các vấn đề nghiên cứu liên quan đến quản lý và kinh tế trong bối cảnh đầy bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.

Để tiếp tục chuỗi Hội nghị chuyên đề “Kinh tế và Kinh doanh: Hội nghị về sự bất ổn toàn cầu”, tọa đàm JABES Seminar Talks (JST 2021) sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 21/01/2021 với sự hiện diện và trình bày của Giáo sư Kevin Lang với chủ đề “Chương trình nghị sự cho việc nghiên cứu về kinh tế lao động trong một thế giới bất ổn” (An Agenda for Labour Economics Research in an Uncertain World). Giáo sư Kevin Lang đang làm việc tại Đại học Boston (Hoa Kỳ), đồng thời ông còn là thành viên của Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia Hoa Kỳ (National Bureau of Economic Research - NBER), Chủ tịch của Hiệp hội các nhà Kinh tế Lao động (Society of Labor Economists) và là Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế học Lao động (Journal of Labour Economics, ABDC: A*, ABS: 4, Impact factor: 3.356). Toàn bộ thông tin về việc đăng ký tham dự JST 2021 được đăng tải tại website của JABES.

 

Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm JST 2020:

Khách mời tham dự trực tiếp Hội nghị

Đại biểu tham dự trực tiếp tập trung lắng nghe GS. Ajai Gaur thuyết trình


Khung cảnh tại buổi tọa đàm

Đại biểu tham dự tọa đàm

GS. Ajai Gaur đưa ra minh chứng cho nghiên cứu của mình

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Tin, ảnh: Tạp chí JABES

Chia sẻ