Cách ngừng “suy” nghĩ quá nhiều 

08 tháng 02 năm 2025

Suy nghĩ của bạn là những vị khách và bạn là chủ nhà… Nhưng liệu, bạn có đang thực sự làm chủ được căn nhà bên trong của chính mình, hay chính bạn cũng đang bị những suy nghĩ điều khiển để rồi sản sinh ra những tiêu cực cho bản thân? Nếu câu trả lời là có, hãy cùng DSA khám phá bài viết sau đây nhé!

Giải mã ma trận suy nghĩ

Tâm trí của chúng ta không bao giờ đứng yên và chính điều đó làm cho chúng ta liên tục suy nghĩ về mọi thứ xung quanh. Theo Nagwa, suy nghĩ là bất kỳ hoạt động nào của tâm trí về thế giới xung quanh, bất kể khi chúng ta đang cố gắng giải quyết một vấn đề hay đơn giản chỉ quan sát để hiểu thế giới, chúng ta suy nghĩ. Suy nghĩ của chúng ta bị ảnh hưởng bởi các đặc điểm của kinh nghiệm, trải nghiệm. Những gì chúng ta nhận thức và cảm nhận được trong quá khứ, hiện tại và tương lai đều ảnh hưởng đến suy nghĩ của chúng ta.

Tâm trí của chúng ta tiếp nhận hàng loạt thông tin, trải nghiệm (Nguồn: Pinterest)

Chính vì vậy, trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp và có nhiều thông tin thì não bộ của bạn càng có nhiều dữ liệu được nạp vào và cần phải xử lý. Song, vô tình não bộ cũng tiếp thu cả những thông tin dư thừa, khiến cho bộ nhớ quá tải và chính điều này dẫn tới việc bạn ngày càng suy nghĩ quá nhiều, bao gồm cả những điều không cần thiết.

Dành nhiều thời gian để “suy” 

Theo trang thông tin điện tử tổng hợp CAFEF, thông thường chúng ta nhầm lẫn giữa suy nghĩ quá nhiều và giải quyết vấn đề. Việc càng suy nghĩ nhiều thì càng kẹt trong vòng lặp và đi vào nút thắt gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho đời sống tinh thần, thể chất và cả cuộc sống xung quanh chúng ta. Theo Báo Vnexpress, suy nghĩ quá nhiều sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, những người suy nghĩ nhiều dễ bị mất ngủ, khó ngủ do não luôn hoạt động với những suy nghĩ tiêu cực, từ đó dễ bị trầm cảm, rối loạn lo âu. Nếu kéo dài, điều này khiến suy giảm thể chất và bất an tâm lý.

Suy nghĩ nhiều mang lại tác động tiêu cực cho bản thân (Nguồn: Pinterest)

Chính vì vậy, việc suy nghĩ quá nhiều thực chất đang gián tiếp làm suy kiệt tinh thần và thể chất của bản thân vì những điều không cần thiết. Dù vậy, chúng ta vẫn thường đặt ra câu hỏi, những thông tin, kiến thức bên ngoài cũng do chính cơ thể chúng ta nhận vào, tại sao có thể nhận vào tất cả nhưng không nghĩ về tất cả?

Vì bạn không phải là tâm trí…

Nên bạn không cần đồng nhất bản thân với tâm trí của chính mình. Tâm trí của chúng ta được nuôi dưỡng bởi thông tin và kiến thức, mỗi ngày, những thông tin mà chúng ta tiếp xúc, những kiến thức mà chúng ta nạp vào và cả những người mà chúng ta gặp đều có ảnh hưởng đến cảm xúc và suy nghĩ của chúng ta. Một lời khen hay một đánh giá vô căn cứ đều có thể khiến cảm xúc của chúng ta bị ảnh hưởng và thay đổi rất nhiều. 

Chính vì vậy, thay vì đồng nhất, suy nghĩ về mọi thông tin mà não bộ tiếp nhận từ bên ngoài thì bạn nên tách biệt khỏi tâm trí, thoát khỏi những “hình tướng” mà người khác vẽ lên cho bạn. Điều này không chỉ giúp bạn hạn chế suy nghĩ về những điều dư thừa mà còn giúp bạn có cái nhìn khách quan về những ý kiến, đánh giá mà người khác đưa cho mình. 

 Bạn cần những kỹ thuật nhỏ khiến bản thân tách biệt với tâm trí (Nguồn: Pinterest) 

Những kỹ thuật giúp bạn ngừng suy nghĩ quá nhiều

Dọn dẹp không gian của bản thân 

Theo Verywellmind, sự lộn xộn có thể tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của bạn. Một số nhà khoa học cũng cho rằng, không gian lộn xộn chính là biểu hiện của một tâm trí bừa bộn. Và khi xung quanh bạn có quá nhiều đồ vật trước mắt cần để ý tới thì các giác quan của cơ thể sẽ sao nhãng và để ý những thông tin không cần thiết. Chính vì vậy, hãy loại bỏ những đồ vật không cần thiết, sắp xếp và tập cho mình một lối sống tối giản. 

Không chỉ dừng lại ở việc dọn dẹp không gian vật lý, điều quan trọng mà bạn cần chú ý tới chính là dọn dẹp không gian trong tâm trí của bạn, vì đây mới là nguồn gốc cho những suy nghĩ dư thừa mà bạn đang có. Hãy vứt bỏ những thông tin, vấn đề không cần thiết đối với bạn, chọn lọc lại những mối quan hệ xung quanh mình vì đôi khi rời khỏi những mối quan hệ không phù hợp chính là cách tốt nhất để bạn tránh xa những suy nghĩ không cần thiết. 

Dành cho bản thân khoảng thời gian lặng

Không phải khoảng thời gian xử lý công việc, gặp gỡ các mối quan hệ xã hội hay giải trí. Khoảng thời gian lặng là thời điểm chúng ta cho bản thân không gian để tự nhìn lại và suy ngẫm, tìm kiếm sự bình yên và cân bằng tâm trí. Một trong những hoạt động thường được áp dụng để tìm kiếm khoảng thời gian lặng cho chính mình là thiền định và vận động thể chất. Bởi lúc này, cơ thể chúng ta sẽ thả lỏng và hoàn toàn tập trung vào hơi thở.

Dành khoảng thời gian lặng cho bản thân bằng việc thiền định (Nguồn: Pinterest)

Chuyển nhà cho những suy nghĩ không cần thiết

Bằng cách viết tất cả những suy nghĩ của mình ra một cuốn nhật ký, bạn đã gián tiếp di dời phần nào những suy nghĩ ra khỏi tâm trí của mình. Việc viết ra những suy nghĩ cũng giúp bạn nhìn thấy được những suy nghĩ của mình một cách hữu hình và đóng nó lại một cách dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, theo nhiều nghiên cứu, việc cử động bàn tay có thể giúp đầu óc thư giãn và thông suốt hơn. Bạn có thể để đôi tay của mình trở nên bận rộn không chỉ với việc viết mà có thể là vẽ vời, dọn dẹp nhà cửa, đan len hay làm vườn… Khi đôi tay bận rộn, não bộ của bạn sẽ buộc phải dành hết sự tập trung cho công việc mà đôi tay đang thực hiện thay cho những suy nghĩ lan man, dư thừa. 

Sống và suy nghĩ cho những giá trị của hiện tại

Thay vì dằn vặt những điều trong quá khứ, lo lắng những vấn đề của tương lai thì hãy tập trung sự chú ý của bạn ở hiện tại. Trau dồi và tận hưởng những điều tốt đẹp, đón nhận và sẵn sàng vượt qua mọi thử thách. Khi đó, không gian trong tâm trí của bạn sẽ tự khắc rộng rãi, thoải mái hơn. Và đôi khi, hãy học cách sống vui vẻ hơn và làm chủ cảm xúc của bản thân tốt hơn.

Lời kết 

Thay vì ép bản thân “đừng nghĩ nữa”, mong rằng thông qua bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn gốc rễ của việc suy nghĩ nhiều và những cách giúp bản thân chúng ta vượt qua những cơn sóng suy nghĩ trong tâm trí. Việc ngừng suy nghĩ nhiều không thể được thực hiện ngày một ngày hai mà đó là cả một hành trình thay đổi của bản thân, từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống. 

Đừng chỉ dừng lại ở việc nghe về “cô nàng thư giãn” hay “anh chàng thư giãn”, hãy để bản thân thật sự trở nên thư giãn nhé UEHers ơi. Và nếu trên hành trình ngừng suy của mình, bạn có gặp khó khăn thì đừng ngần ngại liên hệ với Đội ngũ tư vấn viên của DSA để cùng gỡ bỏ nút thắt trong lòng mình nhé. 

Tin, ảnh: Ban Chăm sóc người học (DSA)

Chia sẻ