Hội thảo Khoa học Quốc gia “Đóng góp đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030”
08 tháng 12 năm 2024
Sáng ngày 6/12/2024, tại Hội trường A103, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã diễn ra Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề “Đóng góp đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2025-2030”. Trong bối cảnh chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, sự kiện này là cơ hội để các nhà khoa học, giảng viên, nhà quản lý và đại biểu từ các cơ quan Đảng, Nhà nước, và các đơn vị hoạch định chính sách cùng thảo luận và đưa ra các ý kiến đóng góp nhằm định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Hội thảo diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi đất nước bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh là “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Đây là lời khẳng định khát vọng và niềm tin của toàn dân tộc vào hành trình chinh phục những mục tiêu lớn lao về kinh tế, xã hội và phát triển bền vững.
- UEH thực thi sứ mệnh phụng sự cộng đồng, vì tương lai bền vững
- UEH ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025 và giai đoạn 2025 - 2030
- Nỗ lực hành động bền vững, UEH tăng 200 hạng vào Top 650 thế giới và Top 162 Đại học Bền vững (QS World Ranking Sustainability 2025)
Hội thảo có sự tham dự của đại biểu từ các cơ quan Đảng và Nhà nước, các đơn vị nghiên cứu hoạch định chính sách, thường trực Tổ soạn thảo văn kiện của các tỉnh, thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, cùng lãnh đạo, giảng viên của UEH và các chuyên gia trong và ngoài nước.
Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng UEH chia sẻ: “Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh với định hướng trở thành đại học đa ngành và chiến lược phát triển bền vững, luôn đặt mục tiêu đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Chúng tôi tin rằng những nghiên cứu, giải pháp và ý kiến đóng góp từ Hội thảo này sẽ không chỉ hỗ trợ cho việc định hình chính sách mà còn góp phần thúc đẩy sự đổi mới và bền vững trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam. Vì vậy, tôi hy vọng rằng Hội thảo này sẽ là diễn đàn để các đại biểu trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến một cách tích cực. Những góc nhìn sâu sắc và ý kiến đóng góp của quý đại biểu, quý thầy cô sẽ không chỉ làm phong phú thêm nội dung thảo luận mà còn là những gợi ý quý báu cho đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030.”
GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng UEH phát biểu khai mạc hội thảo
Hội thảo nhận được hơn 80 bài tham luận bao quát các lĩnh vực đa dạng từ kinh tế vĩ mô, thể chế phát triển, đến đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh,… Sau quá trình phản biện nghiêm túc, gần 50 bài viết chất lượng cao đã được chọn để xuất bản trong Kỷ yếu Hội thảo, đảm bảo nội dung sâu sắc, thực tiễn và phản ánh góc nhìn đa chiều. Ban Tổ chức cũng đã chọn lọc 5 bài tham luận tiêu biểu để trình bày và thảo luận tại hội thảo.
Các bài hội thảo tập trung vào 03 trụ cột chính như sau:
Về lý luận về đường lối, chính sách và thể chế phát triển kinh tế - xã hội: Các bài viết tập trung vào việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc đổi mới tư duy lý luận, đưa ra các bước đột phá trong cải cách thể chế và minh bạch hóa pháp luật. Đồng thời, các nội dung này cũng đề cao việc nâng cao chất lượng quản trị công, cải cách khu vực công nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động và tối ưu hóa phân bổ nguồn lực xã hội. Mục tiêu là đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đạt ngưỡng quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Về mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững: Các bài viết đề xuất Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực chính để gia tăng hiệu suất. Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn liền với kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và kinh tế xanh được xác định là những trụ cột quan trọng để đảm bảo duy trì sự tăng trưởng kinh tế dài hạn và phát triển bền vững.
Về phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy các mối liên kết vùng và hợp tác quốc tế: Các bài viết đề xuất các giải pháp xây dựng các cơ chế liên kết vùng, tận dụng tối đa tiềm năng và lợi thế của các vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, được coi là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh của các vùng và quốc gia. Đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế không chỉ giúp tiếp cận công nghệ tiên tiến và tri thức toàn cầu mà còn tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế sâu rộng trong thời kỳ mới.
Sau Hội thảo, UEH sẽ chuẩn bị một bản tóm tắt nội dung chính yếu tổng hợp từ các bài nghiên cứu và ý kiến thảo luận tại Hội thảo. Tài liệu này sẽ được gửi tới các cơ quan quản lý cấp cao của Đảng và Nhà nước, nhằm đóng góp những góc nhìn khoa học và thực tiễn vào việc xây dựng các chiến lược và chính sách phát triển của đất nước. Thông qua Hội thảo, UEH tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong tư vấn, phản biện chính sách, và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời UEH tiếp tục cam kết luôn là một địa chỉ tin cậy, đồng hành cùng cộng đồng học thuật, các nhà quản lý, các nhà tư vấn chính sách và đội ngũ trí thức trong hành trình đưa Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong kỷ nguyên mới.
Một số hình ảnh khác:
Đại biểu tham dự hội thảo
GS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo trình bày tham luận “Chính sách thúc đẩy tăng trưởng từ kết quả ứng dụng khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam”
PGS.TS. Phan Thị Bích Nguyệt điều phối phiên thảo luận về tham luận “Chính sách thúc đẩy tăng trưởng từ kết quả ứng dụng khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam”
TS. Nguyễn Hải Minh trình bày tham luận “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Sự phát triển trong lý luận của đảng, kết quả thực tiễn qua 40 năm đổi mới và những vấn đề đặt ra”
TS. Bùi Xuân Thanh điều phối phiên thảo luận về tham luận “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Sự phát triển trong lý luận của đảng, kết quả thực tiễn qua 40 năm đổi mới và những vấn đề đặt ra”
PGS.TS. Võ Tất Thắng trình bày tham luận “Lựa chọn các ngành kinh tế quan trọng và có lợi thế so sánh ở Việt Nam”
TS. Nguyễn Lê Hoàng Thụy Tố Quyên điều phối phiên thảo luận về tham luận “Lựa chọn các ngành kinh tế quan trọng và có lợi thế so sánh ở Việt Nam”
TS. Nguyễn Kim Đức trình bày tham luận “Định hướng phát triển và liên kết vùng tại Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn 2045”
TS. Đinh Công Khải điều phối phiên thảo luận về tham luận “Định hướng phát triển và liên kết vùng tại Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn 2045”
TS. Phạm Đức Tiến trình bày tham luận “Một số ý kiến về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng”
PGS.TS. Bùi Quang Hùng điều phối phiên thảo luận về tham luận “Một số ý kiến về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng”
GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng UEH và GS.TS. Sử Đình Thành điều phối phiên thảo luận
Các đại biểu đặt câu hỏi tham gia phiên thảo luận
GS.TS. Sử Đình Thành báo cáo tổng kết hội thảo
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Tin, ảnh: Ban Nghiên cứu - Phát triển và Gắn kết toàn cầu, Ban Truyền thông và Phát triển đối tác
Chia sẻ