Những kỹ năng cần thiết dành cho tân sinh viên

25 tháng 09 năm 2023

Thời gian nhập học đã kết thúc, các Tân sinh viên K49 của chúng ta đã chính thức bước chân vào giảng đường đại học với tất cả niềm hân hoan và hứng khởi. Song hành với sự háo hức khám phá ấy là những cảm xúc bỡ ngỡ, đôi chút hoang mang khi các bạn phải làm quen với một môi trường hoàn toàn mới, từ cách học, cách sinh hoạt đến các mối quan hệ xung quanh. Để giúp gỡ rối và tiếp thêm động lực cho các em út K49, hãy cùng DSA điểm tên một vài kỹ năng hữu ích cho hành trình mới này nhé.

Kỹ năng tự học

Một trong những áp lực lớn nhất của Tân sinh viên trong giai đoạn chập chững bước vào ngưỡng cửa đại học chính là khối lượng kiến thức khổng lồ. Thời gian học chỉ kéo dài trong vài tháng thay vì xuyên suốt cả năm như cấp phổ thông. Kéo theo đó là lượng kiến thức được giảng dạy trong một buổi học khá lớn, có thể khiến nhiều Tân sinh viên choáng ngợp, không biết bắt đầu từ đâu hoặc làm thế nào để tiếp thu hiệu quả nếu không có sự chuẩn bị.

Đây chính là lúc khả năng tự học thể hiện tầm quan trọng của mình. Theo Grade Power Learning, tự học là phương pháp học tập cho phép sinh viên toàn quyền quản lý việc học, không cần sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên. Bản chất của tự học đòi hỏi sinh viên phải chủ động, có sự tự giác và kỉ luật cao, có khả năng xác định nhu cầu học tập của mình và tìm ra các nguồn lực cần thiết để đáp ứng những nhu cầu đó.

Tuy nhiên, tự học sẽ không còn khó nếu như bạn…

Xác định phong cách học tập phù hợp: Mọi người thường có nhiều cách tiếp cận, ghi nhớ và xử lý thông tin mới khác nhau. Những cách này còn được gọi là phong cách học tập và được chia thành nhiều loại. Điển hình là học tập qua âm thanh (auditory), qua hình ảnh (visual), qua trải nghiệm (tactile), qua học nhóm, học tập độc lập và hơn thế nữa. Sinh viên có thể chủ động tìm kiếm phương pháp học tập phù hợp với bản thân để cải thiện hiệu suất và kết quả học tập nhé.

Một số phong cách học tập phổ biến

(Nguồn: LinkedIn)

Đặt mục tiêu phù hợp với khả năng: Sinh viên cần thiết lập mục tiêu học tập cụ thể để có thể xây dựng kế hoạch thích hợp. Việc có mục tiêu rõ ràng và phù hợp với năng lực sẽ giúp người học kiên trì đối mặt với những khó khăn trong quá trình học tập.

Lập kế hoạch: Kế hoạch học tập hay thời gian biểu hợp lý sẽ vô cùng có ích cho các buổi tự học của sinh viên. Các bạn có thể chia nhỏ khối lượng học tập, cân nhắc đặt ra cho mình vài “deadlines” và ước tính thời gian hoàn thành mỗi nhiệm vụ. Để làm cho công cuộc tự học thêm phần thú vị, việc quy định một số phần thưởng hay hình phạt nho nhỏ sẽ trở thành động lực thúc đẩy bạn nhanh chóng ngồi vào bàn học ngay. Và dành cho những ai còn hoang mang, DSA đã có hẳn một bài viết về chủ đề “Kỹ năng lập kế hoạch - Chìa khóa để thành công”, các bạn hãy cùng đọc qua và tham khảo nhé.

Nghỉ ngơi đầy đủ: Để não bộ và cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn đầy đủ là chìa khóa dẫn đến thành công. Điều này không chỉ tăng khả năng tập trung trong học tập mà còn cải thiện sức khỏe và tinh thần của sinh viên.

Kỹ năng “bỏ học” - Unlearn

Chúng ta đang sống trong thời đại phát triển, nơi sự thay đổi diễn ra liên tục và với tốc độ chóng mặt, vậy nên khả năng thích ứng và phản hồi với sự thay đổi đã trở thành một trong những yêu cầu then chốt. Sự thay đổi ở đây không chỉ liên quan đến việc học hỏi, tiếp thu những kiến thức, giá trị và hành động mới mà còn là loại bỏ những thông tin lỗi thời, không hợp lý. Từ đó, khái niệm “unlearn” ra đời. Barry O’Reilly định nghĩa về Unlearn như sau: “Unlearn là quá trình buông bỏ, rời xa và điều chỉnh lại những tư duy cũng như hành vi từng hiệu quả trong quá khứ nhưng hiện tại lại hạn chế thành công của chúng ta.”

Để bước tiếp trên con đường phát triển bản thân, sinh viên cần làm quen với kỹ năng Unlearn. Đây là bước quan trọng và khó thực hiện nhất trong chu trình thích ứng: Learn, Unlearn, Relearn. Chẳng hạn, Tân sinh viên thường gặp khó khăn trong việc từ bỏ phương pháp học tập quen thuộc ở cấp 3 - học dưới sự hỗ trợ và giám sát nghiêm ngặt của giáo viên, phụ huynh - để học lại cách tự học, tiếp thu chủ động khối lượng kiến thức lớn hơn. Hay khi một sinh viên chuyển từ Huế đến TP.HCM, có thể lựa chọn giữ nguyên giọng địa phương của bản thân hoặc chấp nhận giọng miền Nam để hòa nhập và giao tiếp dễ dàng hơn. Tất cả tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người. Trong thực tế, quy trình Unlearn chưa bao giờ là dễ dàng, bởi lẽ não bộ luôn ưu tiên những thông tin, thói quen và trải nghiệm đã được lưu trữ trong bộ nhớ.

 Xóa dữ liệu trong bộ nhớ NÃO

(Nguồn: Psychology Today)

Vậy làm thế nào để xóa dữ liệu trong bộ nhớ NÃO dễ dàng hơn?

Nuôi dưỡng thái độ cởi mở: Khi quyết định unlearn một điều gì đó, chúng ta cần chấp nhận rằng bản thân sẽ trở thành một người học hoàn toàn mới. Điều quan trọng ở giai đoạn này là giữ tinh thần cởi mở với sự thụt lùi nhất thời và sẵn sàng tiếp nhận những kiến thức mới, những góc nhìn đột phá và thậm chí trái ngược với thông tin ban đầu.

Cho phép bản thân được sai: Đôi lúc, lòng tự tôn có thể khiến chúng ta trở nên quá nhạy cảm với việc mắc lỗi và thay đổi. Chúng ta luôn tìm kiếm thông tin để củng cố quan điểm hiện tại của bản thân. Đây chính là một trong những rào cản lớn nhất của Unlearn. Chúng ta cần chấp nhận rằng nhận thức hiện tại của bản thân có thể không còn phù hợp với tình huống, môi trường xung quanh và sẵn sàng thay đổi điều đó.

Chậm mà chắc: Khi bước vào một môi trường mới, việc Unlearn những thói quen cũ một cách đột ngột là điều không thể. Hãy bình tĩnh, cho bản thân thời gian để nhìn nhận những điều cần được thay đổi. Chúng ta nên dành đủ thời gian để rèn luyện, và thích nghi, tránh đặt quá nhiều áp lực về vấn đề này. Unlearn rất cần thiết nhưng Unlearn một cách an toàn về tâm lý và thể chất mới là điều quan trọng hơn cả.

Kỹ năng tìm kiếm thông tin

Đối với sinh viên, một trong những điều cần thiết để chinh phục mọi công việc học tập, bao gồm làm bài tập, tiểu luận, nghiên cứu khoa học,... chính là kỹ năng tìm kiếm thông tin hiệu quả. Kỹ năng tìm kiếm thông tin là khả năng xác định, thu thập và đánh giá thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Trong thời đại kỹ thuật số, thông tin có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu, từ các trang web, mạng xã hội, sách báo, đến các nguồn tin tức. Tuy nhiên, các bạn không thể sử dụng mọi thứ tìm được từ Internet mà không kiểm chứng nguồn gốc, độ tin cậy, và giá trị của tài liệu. Để giải quyết các vấn đề đó, sinh viên cần làm chủ kỹ năng tìm kiếm và biết chọn lọc nguồn tài liệu uy tín.

Quy trình tìm kiếm thông tin

(Nguồn: University of Suffolk)

Một số bước giúp tìm kiếm thông tin hiệu quả bao gồm:

Tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau: Chúng ta không nên chỉ dựa vào một nguồn thông tin duy nhất. Tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau sẽ giúp ta có được cái nhìn tổng quan và toàn diện hơn. Tài liệu tham khảo đáng dùng thường có ở các nguồn như thư viện online, tạp chí uy tín, văn bản nhà nước, các luận văn đã được công bố, sách, báo, cơ sở dữ liệu,... Công cụ tìm kiếm được khuyên dùng cho sinh viên là Google, Google Scholar, Scirus,...

Đánh giá và chọn lọc thông tin: Thông tin trên mạng có thể bị sai lệch hoặc thiếu chính xác. Để đánh giá thông tin, tài liệu trước khi sử dụng, cần dựa trên các yếu tố như:

  • Tính chính xác và khách quan khoa học của thông tin, tài liệu
  • Quy trình công bố thông tin được tổ chức với sự phản biện khoa học chặt chẽ
  • Uy tín, kinh nghiệm xuất bản khoa học của đơn vị phát hành tài liệu
  • Uy tín, kinh nghiệm khoa học của tác giả

Kỹ năng quản lý tài chính

Bước chân vào đại học, bắt đầu hành trình trở thành người lớn, hầu hết các Tân sinh viên đều hào hứng với việc được tự chủ tài chính, quản lý tiền nong riêng của mình. Tuy nhiên, việc chưa nắm vững các kỹ năng tài chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tiêu tiền không kiểm soát. Dưới đây là một số cách để sinh viên có thể tránh cạn kiệt tiền bạc và gặp phải những rắc rối liên quan đến tài chính:

Lập kế hoạch tài chính: Đây là bước quan trọng đầu tiên để quản lý tài chính hiệu quả. Kế hoạch tài chính sẽ giúp bạn xác định rõ mục tiêu tài chính, thu nhập và chi tiêu hàng tháng.

Theo dõi chi tiêu: Theo dõi chi tiêu là cách tốt nhất để bạn biết được mình đang chi tiêu vào những khoản nào và có cần cắt giảm khoản nào không. Có rất nhiều cách để theo dõi chi tiêu, bạn có thể sử dụng sổ sách, ứng dụng quản lý tài chính hoặc các công cụ trực tuyến.

Tìm kiếm cơ hội kiếm thêm thu nhập: Bên cạnh nguồn thu nhập từ gia đình, sinh viên cũng có thể tìm kiếm các cơ hội kiếm thêm thu nhập như làm thêm, kinh doanh,... Điều này sẽ giúp bạn có thêm nguồn tài chính để chi tiêu và tiết kiệm.

Ngoài ra, các bạn Tân sinh viên K49 có thể đọc thêm bài viết “Quản lý tài chính - Kỹ năng cần thiết giúp sinh viên kiểm soát chi tiêu hiệu quả” nhé.

Kỹ năng networking

Đại học là một môi trường rộng lớn và đa dạng, với nhiều sinh viên đến từ nhiều vùng miền khác nhau, với những sở thích, tính cách riêng biệt. Điều này khiến nhiều Tân sinh viên cảm thấy bỡ ngỡ và lo lắng bản thân không thể hòa nhập. Thế nhưng “nâng cấp” networking sẽ không khó nếu các bạn Tân sinh viên có thể tự tin và mở lòng hơn. Tự tin vào bản thân là điều quan trọng nhất để các bạn có thể hòa nhập với môi trường mới. Hãy luôn tin tưởng vào khả năng của bản thân, và đừng ngại thể hiện ưu điểm của mình với mọi người xung quanh nhé. Và còn nhiều điều hay ho đang chờ các Tân sinh viên K49 tại UEH!Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học

Tài liệu tham khảo

Avrukin, D. (2017, July 7). Differentiation Disrupted: Part 3 - Devorah Avrukin. LinkedIn. Retrieved September 22, 2023, from https://www.linkedin.com/pulse/differentiation-disrupted-part-3-katherine-devorah-avrukin

Bridges, N. (2021). Phong cách học tập của bạn là gì? Và Làm Thế Nào Bạn Có Thể Sử Dụng Nó Ở Trường Đại Học? Study in the USA. Retrieved September 11, 2023, from https://www.studyusa.com/vi/a/9394/phong-cach-hoc-tap-cua-ban-la-gi-va-lam-the-nao-ban-co-the-su-dung-no-o-truong-dai-hoc

Coombs C, Hislop D, Holland J, Bosley S, Manful E. Exploring types of individual unlearning by local health-care managers: an original empirical approach. Health Services and Delivery Research. 1(2):1-126. 2013.

14 Tips To Make Self-Learning Effective (Plus Benefits). (2023, February 3). Indeed. Retrieved September 11, 2023, from https://www.indeed.com/career-advice/career-development/self-learning

Le, A. (2018). Cách Tìm Kiếm Và Chọn Lọc Nguồn Tài Liệu: Bước Khởi Đầu Quan Trọng Của Một Bài Nghiên Cứu Khoa Học. YBOX. Retrieved September 11, 2023, from https://ybox.vn/ky-nang/cach-tim-kiemva-chon-loc-nguon-tai-lieu-buoc-khoi-dau-quan-trong-cua-motbai-nghien-cuu-khoa-hoc-5b0e2e3514feba1aecf460f3

Nguyễn, H. (2023, July 16). Học, học nữa, quên bớt, học lại. Vietcetera. Retrieved September 11, 2023, from https://vietcetera.com/vn/hoc-hoc-nua-quen-bot-hoc-lai

Sự tuyệt vời của "unlearning": Nghệ thuật để khám phá cả đời. (2021, July 24). L'Officiel VIETNAM. Retrieved September 11, 2023, from https://www.lofficielvietnam.com/love-life/gian-cach-khong-lo-au-dai-dich-la-co-hoi-tot-unlearn-ban-than

What Is Self Study? The Benefits For Students. (2018, September 13). GradePower Learning. Retrieved September 13, 2023, from https://gradepowerlearning.com/what-is-self-study/

Chia sẻ