TUYỂN SINH ĐẠI HỌC 2021: Kế toán - Kiểm toán, Luật kinh doanh, Ngôn ngữ Anh: Lĩnh vực không thể thiếu trong mọi tổ chức, doanh nghiệp
09 tháng 04 năm 2021
Thực tế cho thấy ngành Kế Toán - Kiểm Toán được xem là ngành có nhiều sinh viên lựa chọn và theo học. Tốt nghiệp ngành này, sinh viên dễ dàng tìm được việc làm và có thu nhập ổn định, vì kế toán là bộ phận không thể thiếu trong tất cả các công ty. Bên cạnh đó, với xu thế phát triển như hiện nay, các công ty nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty có vốn đầu tư nước ngoài… không ngừng được mở rộng và phát triển. Nó đặt ra yêu cầu phải xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ, để vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, vừa đảm bảo một môi trường kinh doanh lành mạnh. Hơn nữa, nước ta đang trong quá trình hội nhập toàn cầu, vì thế tiếng Anh thương mại là một kiến thức không thể thiếu được trong hoạt động doanh nghiệp. Tổng hợp hết những lý do trên, có thể nói, sinh viên tốt nghiệp lĩnh vực Kế Toán – Kiểm toán - Luật - Ngôn ngữ Anh không lo thất nghiệp nhất.
Để làm rõ hơn về những chuyên ngành thuộc nhóm ngành này, chương trình Utalk tư vấn tuyển sinh trực tuyến Đại học chính quy năm 2021 với chủ đề “Kế toán - Kiểm Toán, Luật Kinh Doanh, Ngôn ngữ Anh: Lĩnh vực không thể thiếu trong mọi tổ chức, doanh nghiệp” có mời đến các khách mời là giảng viên và chuyên gia trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán - ngoại ngữ - luật học, hy vọng sẽ giúp các bạn có những cái nhìn khách quan về những ngành yêu cầu chuyên môn cao này.
Câu hỏi 1: Cách mạng công nghiệp 4.0 chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến mọi mặt của cuộc sống, kể cả lĩnh vực giáo dục và vấn đề việc làm. Vậy thì theo thầy cô, cách mạng công nghiệp 4.0 có ảnh hưởng đến nhu cầu nhân lực ngành Kế Toán - Kiểm Toán - Ngoại Ngữ - Luật không?
Luật sư Nguyễn Thị Minh Huyền:
Đứng dưới góc độ ngành Luật thì chúng tôi rất mong chờ những nhân sự hội tụ đủ cả 03 yếu tố: Có kiến thức về lĩnh vực kế toán – kiểm toán, giỏi ngoại ngữ, lại còn có bằng luật nữa thì rất có lợi thế khi làm việc và luôn luôn được săn đón. Thực tế, nếu chúng tôi chỉ có học chính quy về luật thì cũng phải tự học thêm các khóa bổ sung về ngôn ngữ Anh và cả kế toán để mình có đủ kiến thức về cả lĩnh vực khác để mình có thể thực hiện công việc trong ngành một cách tốt nhất. Phục vụ cho doanh nghiệp cũng như các nhu cầu của xã hội.
Ông Hàng Nhật Quang:
Một người với đầy đủ các kỹ năng và kỹ thuật mà xã hội hoặc các doanh nghiệp cần thì tất nhiên cơ hội dành cho họ luôn luôn cao. Đó là xu hướng tất yếu trong cuộc đời nghề nghiệp của mỗi người. Cho nên càng nhiều kỹ năng được trau dồi, rèn luyện thì mình nghĩ cơ hội cho người ấy sẽ cao hơn, luôn tươi sáng và rộng mở!
Đối với các doanh nghiệp trong dịch vụ kiểm toán và kế toán thì tôi thấy có rất nhiều bạn trẻ giỏi. Họ vừa giỏi về kỹ thuật, nghiệp vụ cũng vừa giỏi về các kỹ năng mềm, sử dụng các công nghệ máy tính và các ứng dụng trong công việc rất là giỏi. Đó là xu hướng của các bạn trẻ bây giờ, và thế hệ trẻ sắp tới cũng phải theo cái xu hướng đấy.
Cô Quỳnh Như - Khoa Ngoại ngữ:
Trong thời đại hội nhập vào kỷ nguyên công nghệ 4.0 thì không thể nào thiếu đi vai trò của môn Tiếng Anh. Đặc biệt, sinh viên chuyên ngành Tiếng Anh Thương Mại của UEH còn được trang bị nền tảng kinh tế vững chắc để có thể theo đuổi văn bằng đôi nữa. Tức là từ năm 03, các em có thể chọn một chương trình cử nhân thứ 02 mà các em đam mê ở lĩnh vực kinh tế như Kế Toán, Luật hoặc là Tài Chính – Ngân Hàng. Như vậy khi tốt nghiệp, bên cạnh bằng Tiếng Anh Thương Mại, các em còn có them bằng cử nhân thứ 2 nữa, đem lại cơ hội rất là lớn. Xu hướng bây giờ các em thích làm việc với các công ty đa quốc gia.
Cô Ngọc Thanh - Khoa Kế toán:
Sự ảnh hưởng của nền công nghiệp 4.0 lên nghề nghiệp Kế Toán – Kiểm Toán thì có một sự thay đổi rất rõ rệt. Các doanh nghiệp hiện nay tiếp xúc với công nghệ thông tin trong các hoạt động kinh doanh của mình, chính vì vậy các sinh viên mà chúng tôi đào tạo cần phải đáp ứng được cái nhu cầu công nghệ thông tin đó. Đặc biệt với ngành Kiểm Toán, do đi kiểm các doanh nghiệp có áp dụng công nghệ thông tin thì sinh viên tốt nghiệp ngành cũng phải có kỹ năng về mảng này để có thể đáp ứng được nhu cầu công việc.
Câu hỏi 2: Những ngành đưa ra thảo luận ngày hôm nay dường như đều có điểm chung là yêu cầu sự cẩn thận, tỉ mỉ và kiên trì. Thầy cô, anh chị có nghĩ rằng đây là tố chất hay tính cách, kỹ năng cần có của người học những ngành này không?
Cô Phương Thanh - Khoa Kế toán:
Khi tư vấn tuyển sinh cho các bạn học sinh thì các bạn cũng hỏi rất nhiều đó là khi đăng ký vào ngành Kế Toán – Kiểm Toán, các em có cần phải tỉ mỉ, cần thận, cũng như những tính cách nào là cần thiết. Hầu như các bạn học sinh sau này không chỉ quan tâm đến nội dung và kiến thức mà còn cực kỳ quan là tính cách có phù hợp hay không.
Thứ nhất là ngành Kế Toán – Kiểm Toán liên quan rất nhiều đến việc xử lý số liệu về tài chính kế toán của một đơn vị, do đó tố chất được đặt lên hàng đầu với học sinh đúng là tính tỉ mỉ và cẩn thận.
Bên cạnh đó, ngành nghề này cũng cần thêm một số tố chất khác. Chẳng hạn các bạn cần có tinh thần cầu tiến và học hỏi, tôi nghĩ không riêng gì ngành Kế Toán Kiểm Toán mà các ngành khác khi mà các học sinh khi vô học và tốt nghiệp đều cũng cần.
Nhóm tố chất thứ ba là tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao. Bởi vì khi làm việc, các bạn được giao những công việc có giới hạn thời gian, nếu không có tinh thần kỷ luật cũng như xử lý về công việc thì bạn sẽ không hoàn thành được.
Nhóm tố chất cuối cùng cũng không kém phần quan trọng, khi vào làm việc trong một môi trường thì bạn phải tôn trọng quy định của nơi đó và phải trung thực nữa.
Thầy Thế Nguyên - Khoa Luật:
Có nhiều bạn nghĩ là vào học Luật là phải học thuộc lòng, phải có trí nhớ khủng nhưng thực ra các bạn sẽ thấy rằng người học luật và làm luật là người có tư duy pháp lý. Tức là khả năng phân tích, lập luận, đánh giá, đưa ra quyết định đối với vấn đề chứ chuyện trí nhớ không còn yêu cầu nhiều nữa. Chúng ta có sự hỗ trợ của các sản phẩm công nghệ 4.0, cho phép chúng ta dễ dàng truy cập các thông tin rồi, vì vậy các yếu tố năng lực nêu trên chúng tôi sẽ đào tạo bạn thông qua chương trình dạy học.
Cô Quỳnh Như - Khoa Ngoại ngữ:
Đặc điểm của khoa Ngoại Ngữ là các em sinh viên rất năng động. Các chương trình, sự kiện hầu như được tổ chức liên tục cả về chuyên môn lẫn ngoại khóa. Học về ngoại ngữ thì nó là một kỹ năng, vì vậy đòi hỏi sự kiên trì. Tiếng Anh Thương Mại còn đòi hỏi sự kiên trì gấp đôi nữa, tại vì các em ngoài ngôn ngữ Anh trước giờ đang tiếp xúc thì phải thêm mảng Tiếng Anh Thương Mại, tiếng Anh chuyên ngành. Từ đó làm bệ phóng để các em có thể tham gia vào chương trình văn bằng hai, hoặc sau này khi đi làm thì có thể thực hiện được các nghiệp vụ kinh tế trong công ty.
Câu 3: Trên đây là các tố chất cần có của sinh viên các ngành, tuy nhiên anh Nhật Quang có thể chia sẻ thêm ở góc độ nhìn nhận thực tế của doanh nghiệp thì các bạn có đạt được không hay chỉ là trên lý thuyết?
Ông Hàng Nhật Quang:
Việc doanh nghiệp yêu cầu tất cả các kỹ năng ở một em sinh viên mới ra trường thì không thể nào đáp ứng ngay lập tức được. Mỗi kỹ năng ấy sẽ được rèn luyện, phát triển qua thời gian, qua từng công việc cụ thể, từng sự hướng dẫn (training) doanh nghiệp trao cho các em.
Bằng tất cả kinh nghiệm sống tích lũy từ quá trình đi làm, giao tiếp xã hội của mình và của các em ấy thì mới trau dổi được, chứ yêu cầu đầy đủ tất cả ngay thì chỉ có máy tính mới đáp ưng được điều ấy thôi.
Dưới góc độ của người làm kiểm toán, quan điểm của tôi là tính tỉ mỉ kiên trì và cẩn thận là cần thiết với tất cả các ngành. Tuy nghiên với ngành Kế Toán – Kiểm Toán thì tôi nghĩ các bạn cũng nên rèn luyện thêm các kỹ năng mềm. Ví dụ kỹ năng giao tiếp, mình trao đổi với khách hàng về kiểm toán và tư vấn cho họ giải pháp tốt hơn. Hoặc là kỹ năng làm việc nhóm (teamwork) vì kết quả kiểm toán không phải thành quả của duy nhất một cá nhân mà là của cả tập thể. Ngoài ra, kỹ năng trình bày cũng cần có khi mình đi đấu thầu, đưa ra các đề xuất và các phạm vi công việc mình sẽ làm với khách hàng của mình (proposal). Vì thế, các kỹ năng này cần được trui rèn qua thời gian chứ không thể đòi hỏi ngay.
Do mọi người thường nghĩ về các nhân sự làm trong ngành kiểm toán là khá nghiêm khắc, khó gần, thực ra các bạn ấy rất trẻ trung năng đội, sáng tạo. Điều đó tạo sự mới mẻ cho các anh chị bên doanh nghiệp khi tiếp xúc với các bạn trực tiếp. Xu hướng bây giờ là trẻ hóa nguồn nhân lực, đặc biệt là ngành kiểm toán trong vòng 3 – 5 năm tới. Chắc chắn, với sự phát triển của công nghệ số như hiện nay luôn cần những nhân sự có thể ứng dụng các công nghệ ấy vào công việc. Vì vậy nguồn nhân lực trong ngành này luôn là cơ hội rất lớn cho các bạn.
Câu 4: Năm nay là năm đầu tiên Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tuyển sinh ngành Luật Kinh Tế chuyên ngành Luật Kinh Doanh vậy có sự khác biệt gì so với ngành Luật, chuyên ngành Luật Kinh Doanh?
Thầy Thiên Tứ - Khoa Luật:
Ngành Luật Kinh Tế chuyên ngành Luật Kinh Doanh không phải là một hướng đi mới tại Việt Nam. Nhưng hiện nay chúng tôi đang khôi phục lại một truyền thống đào tạo ra các chuyên gia pháp lý hàng đầu để đáp ứng được nhu cầu cần thiết hiện nay trong lĩnh vực kinh tế số.
Chính vì vậy trong chương trình đào tạo chúng tôi sẽ tập trung rất nhiều vào các nguyên lý kinh tế và áp dụng các phương pháp đó soi chiếu vào các quy định pháp luật. Đo lường xem liệu những quy định này nó có thích hợp với thời đại số hiện tại hay không, và chúng ta có cần tạo ra sự đổi mới nào đối với pháp luật hiện nay hay không. Chúng ta có thể hành nghề, hoạt động như thế nào để đáp ứng được kỳ vọng của giới chuyên gia luật và người dân trong việc thực hành pháp luật hiện nay.
Luật sư Nguyễn Thị Minh Huyền:
Chắc các em học sinh, quý phụ huynh đâu đó trên các phương tiện truyền thông thấy các luật sư xuất hiện rất mạnh mẽ, trí tuệ, bản lĩnh trong các cuộc đấu về mặt pháp lý. Người làm luật rất bản lĩnh và thực tế nghề luật luôn rất hấp dẫn nên nó đòi hỏi ở người sau này làm luật sư đó là mặt tư duy.
Khi điều hành một công ty luật, tuyển dụng các bạn sinh viên ra trường thì một trong hai bài test chúng tôi đưa ra đó là tư duy - tư duy pháp lý phải tốt. Ngoài ra đó là kỹ năng nói và viết vì nghề luật phải song hành hai yếu tố viết được và nói được, nói ra được điều người ta cần nghe, viết đúng và nói trúng. Đấy là tố chất mà một người học luật hoặc hành nghề luật phải có để tạo được sự thành công trong nghề nghiệp.
Hành nghề luật trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu thì theo tôi, người học luật và làm luật phải có am hiểu nền tảng, chuyên môn và bên cạnh đó phải có thêm các kiến thức về kế toán, kinh tế, quản trị doanh nghiệp. Bản thân tôi sau khi tốt nghiệp Luật tại Đại học Luật, tôi có suy nghĩ và quyết định tiếp tục học văn bằng hai Quản Trị Kinh Doanh vì định hướng sau này muốn có thêm kiến thức để làm việc cho các doanh nghiệp.
Vì vậy chương trình đào tạo của khoa Luật rất là tốt khi tích hợp cả hai yếu tố đó, thay vì như tôi mất 8 năm, các bạn sinh viên hiện nay chỉ mất một nửa thời gian đã có đủ cả Luật lẫn Quản Trị Kinh Doanh để mà thực hiện được công việc. Những người có kiến thức đa dạng như vậy thì đảm bảo sẽ luôn được săn đón, đặc biệt có tiếng Anh thêm nữa thì thu nhập sẽ rất cao.
Câu 5: Thầy Nguyên có thể chia sẻ nhu cầu thực sự của ngành Luật, Luật Kinh Tế để cho các bạn học sinh sắp đăng ký vào học có thể hiểu rõ hơn được không? Đôi khi mọi người thường nghĩ về nghề Luật là nghĩ đến các vấn đề xã hội nhiều hơn.
Thầy Thế Nguyên - Khoa Luật:
Có lẽ do các bạn bị ảnh hưởng bởi phim ảnh, họ xây dựng hình tượng luật sư trong các vụ án hình sự là nhiều, tuy nhiên luật xuất hiện trong tất cả các hoạt động trong đời sống của chúng ta. Chúng ta cần có luật trong từng lĩnh vực liên quan đó và định hướng của khoa Luật nhắm đến là Luật cho doanh nghiệp. Tức là khi một doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh, họ phải tuân thủ các quy định nào của nhà nước và họ phải sử dụng luật như thế nào để có lợi nhất cho họ trong kinh doanh. Do đó vai trò của luật sư là tư vấn cho doanh nghiệp thực hiện đúng luật và sử dụng được luật đó có lợi nhất cho công ty của họ. Luật có rất nhiều mảng như Luật cho kinh doanh, luật cho hợp đồng, luật cho doanh nghiệp, luật phá sản…
Câu 6: Khoa Ngoại Ngữ có những chương trình đào tạo nào, có điểm gì đặc biệt hơn để thu hút sinh viên đăng ký?
Cô Quỳnh Như - Khoa Ngoại ngữ:
Như mình đã chia sẻ, bên cạnh Ngôn ngữ Anh thì các em còn được tiếp xúc với tiếng Anh chuyên ngành cho Luật, tiếng Anh chuyên ngành Kế Toán hay Kinh Doanh… Dựa vào đó mà năm thứ 3, các em có thể quyết định xem mình có muốn học bằng đôi hay không. Như vậy khi ra trường bạn sẽ có hai bằng với thời gian được rút gọn hơn nhiều.
Bạn Bích Ngọc - Sinh viên chuyên ngành Tiếng Anh thương mại:
Trong quá trình học tại khoa Ngoại Ngữ, em đã được tiếp xúc với môn Tiếng Anh mà em đam mê từ bé tới giờ, và em đã được luyện đầy đủ 04 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết một cách rất thành thục. Bên cạnh đó khoa còn bổ sung cho em các kiến thức khác như Luật Kinh Doanh, Marketing căn bản… Giúp chúng em có một kiến thức tổng quát trong ngành Kinh Tế, từ đó giúp ích cho chúng em rất nhiều trong dịch thuật cũng như giao tiếp trong doanh nghiệp.
Câu 7: Cho em hỏi sự khác nhau giữa Ngành Kế Toán và Ngành Kiểm Toán như thế nào thưa cô Thanh?
Cô Phương Thanh - Khoa Kế toán:
Cả ngành Kế Toán và ngành Kiểm Toán đều tiếp cận một nền tảng kiến thức chung về Kế Toán. Tuy nhiên ngành Kế Toán sẽ tiếp xúc và đào tạo chuyên sâu hơn về kế toán vì các bạn chính là người tạo lập và trình bày thông tin tài chính, làm báo cáo tài chính và cung cấp thông tin ra bên ngoài. Ngành Kiểm Toán ở vị trí sẽ đi kiểm tra số liệu tài chính cũng như hệ thống kiểm soát nội bộ trong một doanh nghiệp.
Hiện nay ngày Kế Toán tại UEH chia làm 02 chuyên ngành là Kế Toán Doanh Nghiệp và Kế Toán Công. Tuy cùng tiếp cận mảng kiến thức kế toán nhưng công việc sau này vị trí công việc của các bạn sẽ khác nhau. Ví dụ chuyên ngành Kế Toán Công sẽ chủ yếu làm ở các đơn vị hành chính nhà nước hoặc các đơn vị sự nghiệp công lập; Chuyên ngành Kế Toán Doanh Nghiệp thì chủ yếu các bạn ra trường sẽ làm việc ở các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành Kế Toán Công, các bạn sau này không muốn định hướng làm trong mảng của mình thì vẫn có thể đến các vị trí khác như làm việc cho doanh nghiệp hoặc các công ty kiểm toán.
Cô Ngọc Thanh - Khoa Kế toán:
Bên ngành Kiểm Toán sẽ tập trung vào cung cấp các kiến thức liên quan đến điểm toán, kiểm soát nội bộ hay điều tra gian lận để người tốt nghiệp có thể làm việc cho các công ty kiểm toán ở vị trí kiểm toán hoặc làm cho các doanh nghiệp ở vị trí kiểm soát nội bộ.
Câu 8: Bạn có thể chia sẻ cảm nhận khi chọn học ngành Kế Toán và hiện tại bạn cảm thấy như thế nào về sự lựa chọn của mình?
Bạn Đăng Tuệ - Sinh viên chuyên ngành Kế Toán Doanh Nghiệp:
Do từ lúc nhỏ em đã có đam mê môn toán ở trên trường, xem những bộ phim về kinh tế đã làm lay động em, thích việc suy nghĩ về những con số. Vậy thì tại sao em không chọn ngành tài chính? Em thích xây dựng được một báo cáo tài chính hoàn chỉnh và đẹp vì em thuộc tuýp người thích sự hoàn hảo. Vì vậy em quyết định chọn ngành Kế Toán.
Từ khi bước vào UEH thì em nhận thấy đây là một môi trường tốt, đào tạo về Kế Toán gần như tốt nhất ở đây. Trong môi trường này em được tiếp xúc với rất nhiều thầy cô và bạn bè cùng trang lứa rất giỏi nên em rất tự hào về điều đó. Lúc em mới biết đến ngành này em chỉ suy nghĩ đơn giản: Kế toán là ra trường mình đi làm sổ sách, ra trường thì mình đi kiểm tra sổ sách.
Ông Hàng Nhật Quang:
Hiện nay Bộ Tài Chính cũng có cấp bằng nếu các bạn học bằng Kiểm Toán mà không muốn tiếp tục thì có thể thi lấy bằng Kế Toán Viên hành nghề để các bạn có thể đi làm cho một đơn vị chuyên thực hành kế toán cho các doanh nghiệp. Khi đó mình sẽ ký với vai trò người lập báo cáo tài chính ấy và có số chứng chỉ do Bộ Tài Chính cấp cho kế toán viên hành nghề. Và tương tự với các bạn thi lấy chứng chỉ Kiểm Toán Viên hành nghề như vậy bạn mới có đủ điều kiện để ký vào vị trí kiểm toán viên và đưa ra ý kiến với báo cáo tài chính ấy.
Thực ra nguồn nhân lực chủ lực ở công ty Ernst & Young (EY) Việt Nam là đến từ UEH, các cấp từ nhân viên cho đến cấp manager, CEO… Hầu như các phó tổng, vị trí partner tại TP.HCM đều là cựu sinh viên UEH, bản thân tôi cũng là sinh viên khóa 25 của trường. Đây là một điều rất đáng tự hào và tích cực cho các bạn còn đang phân vân việc chọn ngành nghề cũng như chưa rõ tương lai của bản thân sẽ như thế nào.
Câu 9: Theo học ngành Kiểm toán ở trường, em có cần phải học thêm các chứng chỉ quốc tế ngay khi tốt nghiệp để có cơ hội làm việc ở các công ty nước ngoài?
Ông Hàng Nhật Quang:
Nếu các bạn muốn theo đuổi ngành Kiểm Toán thì ngay khi các bạn ở năm thứ 03 hoặc năm cuối của UEH, nếu có điều kiện thì bạn nên tìm hiểu thêm các chứng chỉ quốc tế học tại Việt Năm và học hoàn toàn bằng tiếng Anh để sau khi ra trường thì có 2 bằng luôn. Còn nếu không có điều kiện thì ra trường các bạn vẫn cứ tốt nghiệp và đi làm bình thường, tìm kiếm công việc tại các công ty lớn (BIG4) thì các bạn sẽ được các công ty này tài trợ để theo đuổi các chứng chỉ hành nghề, dần dần được trau dồi và chứng thực bởi các chứng chỉ đó thì rõ rang sự thành công sẽ chào đón bạn. Đó là con đường ngắn gọn mà các bạn có thể hình dung được tương lai, nghề nghiệp của mình sẽ ra sao.
Câu 10: Với khoa Luật để ra hành nghề được thì có cần chứng chỉ gì thêm không thưa cô Huyền?
Luật sư Nguyễn Thị Minh Huyền:
Sau khi ra trường thì tùy theo nhu cầu của mỗi cá nhân lựa chọn làm việc ở đâu, như thế nào thì có thể sẽ đòi hỏi những chứng chỉ tương ứng. Một cử nhân luật sau khi tốt nghiệp và có bằng cử nhân thì có thể trở thành chuyên viên pháp chế tại một công ty, doanh nghiệp và người ta chưa cần thiết phải gia nhập một đoàn luật sư thì họ không cần phải có chứng chỉ hành nghề luật sư.
Còn nếu bạn đã có bằng cử nhân Luật và có mong muốn hành nghề luật sư thì chắc chắn sẽ phải học một khóa đào tạo của Học Viện Tư Pháp khoảng 12 tháng và có thời gian đi thực tập 12 tháng tại một công ty luật. Sau 24 tháng vừa học tập và thực tập thực tế thì sẽ có một chứng chỉ do Bộ Tư Pháp cấp, bạn có thể gia nhập vào một đoàn luật sư của thành phố hoặc tỉnh và được cấp thẻ hành nghề Luật sư chính thức.
Các khóa học thường có mở vào buổi tối hoặc cuối tuần nên các bạn có thể vừa đi học, vừa đi làm, Và tôi khuyến khích các bạn nên đi làm rồi đi học thì sẽ có kiến thức thực tế sẽ dễ thẩm thấu hơn, tránh việc hiểu chưa sâu kiến thức.
Câu 11: Thầy Nguyên có thể giải thích thêm sự khách biệt giữa hai chuyên ngành Luật Kinh Doanh và Luật Kinh Doanh Quốc Tế?
Thầy Thế Nguyên - Khoa Luật:
Hai chuyên ngành này đều là luật dành cho doanh nghiệp theo đúng hịnh hướng của UEH. Học luật ra để phục vụ, tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp.
Định hướng của Luật Kinh Doanh là các bạn sẽ làm việc chủ yếu cho các doanh nghiệp Việt Nam hoặc các doanh nghiệp nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Còn với Luật Kinh Doanh Quốc Tế thì chúng tôi định hướng cho các bạn đi xa hơn, trước hết có thể là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hoặc các công ty đa quốc gia, các bạn còn thể làm việc ở môi trường nước ngoài. Vậy thì thông qua chương trình đào tạo Luật Kinh Doanh Quốc Tế hướng đến đào tạo một công dân có thể tham gia thị trường kinh doanh quốc tế chứ không chỉ ở thị trường Việt Nam. Chính vì vậy, khi thiết kế chương trình chúng tôi đặt nặng việc đào tạo các luật về quốc tế, luật về kinh doanh quốc tế cũng như khả năng ngoại ngữ cho nên nếu các bạn muốn làm cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài hoặc làm việc ở nước ngoài thì có thể đăng ký theo học.
Bạn Đăng Tuệ - Sinh viên khoa Kế Toán:
Theo quan điểm của em, lúc mình dự đầy đủ các buổi học và thực sự trau dồi để sau này đi làm thì không có môn nào là nặng nề và rất đáng thời gian đã bỏ ra. Đối với em việc học luật so với kế toán thì rất là cần thiết và cần chú trọng đầu tư thời gian học như nhau.
Câu 12: Có nhận định cho rằng sinh viên theo học các khoa Kế Toán - Kiểm Toán thường kém năng động và chững chạc hơn nhiều so với sinh viên học các khoa khác. Ý kiến của các thầy cô như thế nào?
Cô Ngọc Thanh - Khoa Kế toán:
Nếu nói sinh viên ngành Kế Toán - Kiểm Toán mà không toát ra vẻ năng động bên ngoài là không đúng. Nếu quý vị có dịp ghé thăm các công ty cung cấp dịch vụ kế toán - kiểm toán thì có thể thấy được sự trẻ trung, năng động, lịch sự và rất thanh lịch của các bạn.
Ngay từ khi ngồi ghế nhà trường thì chương trình học khá là đầy đủ nên các bạn có thể thấy nặng, tuy nhiên các bạn ấy vẫn tham gia rất tích cực các hoạt động khác rất nhiều. Ví dụ như sinh viên lớp tôi có bạn học kiểm toán giỏi mà vẫn theo học nhạc viện năm 6 cũng giỏi luôn nên đó cũng là những hoạt động nghề nghiệp thú vị nếu các bạn muốn tham gia vào lĩnh vực nghề nghiệp này.
Theo thống kê hàng năm, đối với ngành Kiểm Toán có khoảng 98% sinh viên tốt nghiệp có công việc đúng với nghề nghiệp. Trong đó gần 70% sinh viên làm việc ở các công ty kiểm toán hàng đầu Thế Giới (BIG4). Hàng năm tôi được nhìn thấy sinh viên của mình hơn 50% các bạn sinh viên được nhận việc ngay khi chưa kêt thúc thực tập.
Câu 13: Chuẩn đầu ra đối với ngoại ngữ 2 dành cho sinh viên chuyên ngành Tiếng Anh Thương Mại như thế nào thưa cô Như?
Cô Quỳnh Như - Khoa Ngoại ngữ:
Hiện tại các em sinh viên của chuyên ngành Tiếng Anh Thương Mại có 6 lựa chọn tùy theo sở thích, nhu cầu như: tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Trung, tiếng Nhật hoặc tiếng Hàn. Miễn là mình lấy được chứng chỉ tương đương cấp B1 theo khung tham chiếu Châu Âu thì các em có thể học và thi ở bên ngoài hoặc các em có thể tham gia các học phần ngoại ngữ 2 tại UEH như tiếng Trung hoặc tiếng Pháp. Nếu có nhu cầu đăng ký nhiều thì nhà trường sẵn sàng mở lớp. Có nghĩa là ngoài tiếng Anh chuyên ngành thì các bạn cần đáp ứng được ngoại ngữ 2 để có thể đạt yêu cầu tốt nghiệp.
Ngưỡng dung nạp ngoại ngữ của mỗi bạn là khác nhau. Bên cạnh ngoại ngữ thì các bạn cũng cần tiếp thu một khối lượng các kiến thức về kinh tế cần phải có và định hướng đi tương lai của mình. Rất khó để xác định cụ thể lượng ngoại ngữ cần dung nạp cho sinh viên vì có bạn thì giỏi chuyên môn này nhưng lại cần bổ sung chuyên môn khác.
Câu 14: Có quan điểm về việc nên tích hợp các chuyên môn Kế Toán - Kiểm Toán, Luật và Ngoại Ngữ vào với nhau. Chương trình song bằng của các khoa như thế nào?
Luật sư Nguyễn Thị Minh Huyền:
Trước hết thì đó là như cầu thực của doanh nghiệp, của các đơn vị tuyển dụng, họ mong chờ các ứng viên đa năng để có thể giải quyết tốt nhiều công việc. Việc có song bằng sẽ giúp các bạn mở ra nhiều cơ hội tốt cho nghề nghiệp của mình.
Cô Ngọc Thanh - Khoa Kế toán:
Hiện tại UEH là trường hàng đầu tại Việt Nam trong việc đào tạo kiến thức trong lĩnh vực kinh tế, UEH đã nắm bắt rất kỹ nhu cầu cũng như sự phát triển của xã hội về nghề nghiệp nên trong các năm vừa qua đã tích hợp các chương trình song bằng. Chúng ta có thể rút ngắn thời gian hơn nhiều so với việc học riêng từng bằng một. Hiện tại nhà trường có các kế hoạch, gơi ý cụ thể cho các bạn lựa chọn cho các việc học song bằng tại nhà trường ví dụ Kế toán – Luật hay Kiểm Toán – Luật. Các bạn có thể chọn con đường đó để rút ngắn thời gian của mình, trở thành nhân sự được nhiều doanh nghiệp chào đón và mở rộng hơn cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
Thầy Thế Nguyên - Khoa Luật:
Trường đang có việc đăng ký bằng 2 (song bằng) cho các sinh viên đang theo học ví dụ sinh viên ngành Luật nhưng học thêm Luật Kinh Doanh Quốc Tế hoặc học Quản Trị Kinh Doanh sau đó học kèm Luật Kinh Doanh. Khá nhiều sinh viên học tại UEH với hai ngành khác nhau như vậy. Sau khi theo học 1 năm rồi các bạn có thể đăng ký theo học thêm bằng 2.
Tuy nhiên cũng hơi khó cho các bạn khi phải tìm lớp học với lịch học phù hợp. Vì vậy sắp tới chúng tôi sẽ cho ngay từ đầu, tuyển sinh cho các bạn học chương tình song bằng riêng, ví dụ Luật - Kiểm Toán, chúng tôi tích hợp lại để thời gian không bị trùng nhau và chỉ sau 4 - 4,5 năm các bạn ra trường đã có trong tay song bằng. Khi các bạn năm nay vào và muốn học lớp song bằng như vậy thì chắc chắn UEH sẽ tạo điều kiện!
Các thầy cô ban lãnh đạo Khoa Ngoại Ngữ đang tiến hành kết hợp với các ngành khác có sự gần gũi trước ví dụ như Kinh Doanh Quốc Tế hay Ngành Du Lịch và sẽ phát triển thêm trong tương lai.
Cá nhân mình thấy tiếng Anh len lỏi mọi ngóc ngách trong đời sống nên việc kết hợp hai ngành học cũng lúc cần sự thống nhất, phối hợp giữa hai khoa cũng như lệ thuộc nhu cầu sinh viên để có kết quả tốt nhất cho các bạn. Xu hướng hiện nay các em làm cho các công ty nước ngoài, đa quốc gia hay các công ty về xuất – nhập khẩu hoặc truyền thông thì đều cần phải có tiếng Anh.
Câu 15: Chia sẻ cảm giác của các bạn khi hôm này ngồi tham gia cùng các thầy cô, chuyên gia tư vấn như thế nào?
Bạn Bích Ngọc - Sinh viên chuyên ngành Tiếng Anh thương mại:
Em như được trở về là một học sinh, khi đó em cũng lên trang của UEH cũng như fanpage các khoa để tìm kiếm các thông tin và xin tư tấn để xem mình thích khoa nào nhất. Và các thầy cô hôm nay đã chia sẻ rất là chi tiết cũng như định hướng được con đường tương lai sau này để các bạn có thể chọn chính xác mình sẽ theo ngành nào, nghề nào. Xin chúc cho các bạn sĩ tử năm nay sẽ có kết quả thật tốt và lực chọn thật là tốt cho tương lai của mình.
Nếu có lần 2, chắc chắn em sẽ chọn UEH vì đây là một môi trường rất năng động, hợp với tính cách của các bạn năng động. Bên cạnh chương tình học, các bạn còn được tham gia vào các phong trào đoàn hội, đội nhóm rất nhiều. Cho nên một người năg động như em thì rất phù hợp vưới ngôi trường này, nếu được chọn lần nữa em vẫn chọn UEH.
Bạn Đăng Tuệ - Sinh viên khoa Kế Toán:
Em thời cấp 3 cũng chỉ biết đi học, lúc đăng ký tuyển sinh thì thấy có quá nhiều trường. Đến khi gặp các anh chị UEH thì các anh chị tư vấn rất nhiệt tình luôn, lúc đó em nhận thấy năng lượng tích cực mà các anh chị truyền cho các thế hệ sau như thế nào. Em rất thích điều đó! Chúc các bạn thí sinh năm nay hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp của mình và lúc nào cũng phải luôn tự tin vào bản thân để đạt được kết quả tốt nhất!
Cô Ngọc Thanh - Khoa Kế toán:
Ở góc độ giảng viên, là người kết nối giữa người học với các doanh nghiệp thì tôi cũng hiểu được tại sao rất nhiều bạn và nhiều doanh nghiệp yêu quý UEH. Bởi vì chúng tôi cung cấp chương tình đào tạo tiệm cận với chương trình của các trường tiên tiến trên thế giới cũng như khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp. Ngoài những kiến thức như kế toán, kiểm toán, kiểm soát nội bộ, điều tra gian lận để giúp các bạn làm tốt công việc của mình. Trong quá trình học tập tại trường thì các bạn còn được tham gia các lớp học ngoại khóa do các công ty hàng đầu thế giới - BIG4 tổ chức hoặc khoa kế toán kết nối với các hội nghề nghiệp như ICAEW, ACCA
Để sinh viên có thể tham gia một phần của chứng chỉ quốc tế và có cơ hội thực tập và làm việc ở nước ngoài sau này. UEH đã cung cấp cho sinh viên những chương tình đào tạo tốt nhất để có thể đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng và có thể vào được các công ty lớn trên thế giới như anh Quang đây là một minh chứng trong những thành công của các chương tình đào tạo của chúng tôi.
Ông Hàng Nhật Quang:
Thời của tôi khi tốt nghiệp UEH thì nhu cầu của các BIG4 tuyển rất ít. Ví dụ 400 sinh viên tốt nghiệp khoa Kế Toán - Kiểm Toán thời đó thì BIG4 chỉ tuyển khoảng 8-10 bạn trên tổng số lượng sinh viên tốt nghiệp ở tất cả các trường. Đó là một mong ước của tôi, dù rất thích nhưng không thuộc top 10 đó nên tôi chọn vào một công ty kiểm toán thuộc top 2 và chờ đợi năm sau đó khi BIG4 lại mở cơ hội nghề nghiệp là tôi thử sức ngay. Và tôi tham gia tại Ernst & Young (EY) từ 2005 đên tận bây giờ, không hề nhảy việc. Chia sẻ thêm với các bạn, nếu muốn theo đuổi con đường nghề nghiệp như kiểm toán viên, thì khi tốt nghiệp và tham gia vào một tổ chức như EY thì các bạn sẽ có rất nhiều kinh nghiệm. Search (tìm kiếm) thử danh sách khách hàng của EY ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới thì sẽ thấy làm việc tại các doanh nghiệp lớn như EY sẽ có rất nhiều cơ hội để tích lũy kinh nghiệp, hoạch định tương lai tiếp theo. Không bắt buộc phải gắn bó mãi mãi với một doanh nghiệp, khi tích lũy đủ kinh nghiệm thì các bạn có thể hoàn toàn tự tin theo đuổi nghề nghiệp mình mong muốn!
Luật sư Nguyễn Thị Minh Huyền:
Con tôi cũng đang là học sinh lớp 12, chuẩn bị quyết định ngành học. Đó là một sự lựa chọn quan trọng quyết định định hướng tương lai của cả một đời người. Chúng tôi đồng hành cùng con, đưa ra những tham vấn để giúp con biết mình nên chọn gì sao cho vừa mở ra cơ hội và vừa khớp với mong muốn, mơ ước của con là chọn Luật Kinh Doanh Quốc Tế. Chúng tôi đồng quan điểm với con, Luật Kinh Doanh Quốc Tế ngoài một cơ hội để làm việc tại môi trường quốc tế cũng như dân học luật sẽ có một bản lĩnh rất lớn.
Rất nhiều các nguyên thủ quốc gia đã từng học luật, họ có nhận thức về mặt lý luận, chính trị xã hội rất tốt cũng như các kỹ năng ứng xử trong đời sống xã hội. Hiện nay thì người học luật có cơ hội rất lớn.Việc chọn ngành Luật Kinh Doanh Quốc Tế vừa phù hợp xu hướng vừa giúp cho con sau này có một hành trang tốt, bước vào đời một cách thuận lợi.
Cô Phương Thanh - Khoa Kế toán:
Mình khi đi tư vấn tuyển sinh đã nhận được rất nhiều câu hỏi của phụ huynh, học sinh về việc các khoa này nhiều trường khác cũng đào tạo, tại sao lại nên chọn UEH? Có điểm gì nổi bật hơn?
Điểm nổi bật của khoa Kế Toán tại UEH chính là sự biến động của ngành Kế Toán - Kiểm Toán đang biến động rất nhiều, sắp tới đây Bộ Tài Chính sẽ đưa vào áp dụng hệ thống báo cáo tài chính theo quốc tế. UEH là một trong các trường đầu tiên áp dụng chương trình tiên tiến này, Khoa Kế Toán - Kiểm Toán đã đưa vào đào tạo từ vài năm gần đây cả nội dung liên quan đến Việt nam và quốc tế. Nên các bạn có thể an tâm được cung cấp đầy đủ kiến thức và các kỹ năng mềm cần thiết như các thầy cô đã trao đổi vừa rồi để khi ra trường các bạn sẽ trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao kể cả trong nước hoặc môi trường quốc tế.
► Xem thêm bộ Q&A về các ngành Kế toán, Kiểm toán, Luật, Luật kinh tế, Ngôn ngữ Anh (tại đây)
► Xem thêm thông tin tại www.tuyensinhdaihoc.ueh.edu.vn.
Tin, ảnh: Phòng Marketing - Truyền thông, Khoa Kế toán, Khoa Luật, Khoa Ngoại ngữ.
Chia sẻ